Mùa hoa cà ri tím đồi Gia Hiệp

Từ một loài cây mọc dại, gắn bó với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân vùng xa Gia Hiệp, Lâm Đồng, cây cà ri đang dần trở thành một nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân nhờ sự dễ trồng, dễ bán và phù hợp với cả những vùng đất khô cằn, khó canh tác. Mùa này, Gia Hiệp đang ngập tràn sắc tím cà ri.

Bà Ka Đồi bên vườn cà phê trồng xen cà ri

Bà Ka Đồi bên vườn cà phê trồng xen cà ri

THU TIỀN TRIỆU TỪ CÂY “BỜ RÀO”

Trong khu vườn của mình tại Thôn 3, xóm Leng R’Sôi, xã Gia Hiệp, bà Ka Đồi (68 tuổi) giới thiệu những hàng cây cà ri đã gắn bó với gia đình suốt hơn nửa đời người. “Cây cà ri này hồi xưa cha mẹ tôi trồng để làm hàng rào, ai ngờ bây giờ người ta mua hạt giá cao lắm. Không cần chăm, cứ đến mùa là nó ra hoa, chờ chín rồi hái hạt bán”, bà Ka Đồi kể. “Hồi xưa, bà con thường trồng giống lá nhỏ, hoa trắng, cây cao hơn và ra hoa trễ hơn, năng suất thấp. Còn bây giờ, bà con chuyển sang trồng giống hoa tím hồng, lá to, cho năng suất cao, mọi người hay gọi là cà ri xuất khẩu. Bà con giờ ưa giống cà ri xuất khẩu vì hoa đẹp, cây mau lớn, năng suất cao”, người phụ nữ K’Ho đánh giá.

Bà cho biết, khu vườn cà ri của gia đình đã được trồng hơn 7 năm nay, không bón phân, không tưới nước thường xuyên, thế mà cây vẫn phát triển xanh tốt. “Mỗi năm, mùa thu hoạch đúng lúc cháu chắt đi học, có thêm tiền mua sách vở, quần áo”, bà Ka Đồi cho biết. Cây cà ri ra hoa vào tháng 5 - 6 và cho thu hoạch vào tháng 10 - 11, ngay trước mùa thu hoạch cà phê. Khi chưa có cà phê, nhiều nông hộ có nguồn thu từ cây cà ri hoa tím.

“Cây cà ri rất dễ trồng, phù hợp với đất khô, đất sỏi đá - những nơi không trồng được cây khác. Bà con thường nhổ cây nhỏ mọc hoang để mang về trồng hoặc gieo hạt trực tiếp. Cây cà ri rất nhanh lớn, không cần chăm sóc. Tới khi kết trái, bà con cắt cả chùm mang về, xay lên lấy hạt và phơi khô”, bà Ka Đồi chia sẻ. Những năm trước, khi chưa có nhiều công lao động, bà Ka Đồi đã từng trồng thuần trên 1 ha cà ri. Bà không cần chăm nom nhưng tới mùa vẫn có thu hoạch, giúp gia đình có thêm thu nhập đúng vào vụ khai giảng.

Không riêng gì gia đình bà Ka Đồi, nhiều hộ dân ở xã Gia Hiệp và các vùng lân cận như Phú Hiệp 1, Phú Hiệp 2... đã duy trì và nhân rộng cây cà ri thành hàng rào xanh, xen canh trong vườn cà phê, hoặc trồng tập trung trên những diện tích đất ít màu mỡ, thậm chí đất đá. Năm 2024, cây cà ri có giá cao, nông dân thu hàng chục triệu đồng từ loài cây tưởng chừng ít giá trị này.

Hoa cà ri nở tím

Hoa cà ri nở tím

TẠO SINH CẢNH ĐẸP CHO VÙNG CÀ PHÊ

Chị Nguyễn Thị Thúy Dung, cán bộ phụ nữ xã Gia Hiệp thông tin, Gia Hiệp là nơi cư trú của đông đảo bà con dân tộc gốc Tây Nguyên. Cây trồng chính của bà con là cây cà phê, loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Gia Hiệp. “Cây cà phê là loài cây ưa bóng, cần được giảm nắng và chắn gió. Đồng thời, vận động bà con trồng các loại cây để tạo sinh cảnh đa dạng cũng là mục tiêu của Gia Hiệp. Trong đó, có cây cà ri đã và đang gắn bó với đời sống của đồng bào”, chị Thúy Dung cho hay.

Theo chị Thúy Dung, gần như bà con Gia Hiệp đều trồng cà ri làm ranh giữa các vườn cà phê. Với những mảnh đất quá nhiều đá và không có nước tưới, cà ri được trồng với mật độ dày đặc. “Mấy năm nay, giá cà ri cũng như cà phê đều ổn định, bà con rất phấn khởi, có thu nhập để phát triển kinh tế gia đình”, chị Thúy Dung chia sẻ.

Bản thân chị Thúy Dung cũng đang trồng hàng trăm cây cà ri trên vườn nhà. Theo chị, cây cà ri chỉ cần trồng 18 tháng là bắt đầu ra hoa. Mỗi cây trung bình thu được từ 2 - 4 kg hạt, được mang về sơ chế, phơi khô và bán cho thương lái. Sau thu hoạch là bà con chặt ngang cây, chờ mưa xuống là chồi lại mọc, cứ thế theo chu kỳ. “Hoa cà ri nở rộ vào tháng 6, màu tím hồng rất đẹp. Đây cũng là một nét đặc sắc của vùng Gia Hiệp chúng tôi”, chị Thúy Dung tự hào. Hiện tại, nhiều vùng đồi Gia Hiệp tím màu cà ri nở hoa, một sắc màu mơ màng giữa màu xanh bát ngát cà phê.

Hạt cà ri hiện rất dễ tiêu thụ trên thị trường nội địa, nhiều nơi dùng để làm gia vị, sản xuất tinh dầu, dược liệu hoặc xuất khẩu. Giá bán dao động theo chất lượng và thời điểm, tuy nhiên tính ổn định và đầu ra rõ ràng khiến người dân Gia Hiệp yên tâm mở rộng quy mô. Và, màu tím hoa cà ri nở rộ cũng báo hiệu mùa no ấm của cư dân cao nguyên Di Linh.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/mua-hoa-ca-ri-tim-doi-gia-hiep-381245.html