Mùa lạnh, phòng biến chứng nguy hiểm khi bị tăng huyết áp
Do mùa đông nhiệt độ thấp, cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Đồng thời, nhiệt độ thấp nên ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu tăng lên gây tình trạng tăng huyết áp.
Chính vì vậy, thời tiết lạnh, huyết áp rất khó khống chế.
Bệnh tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng, bệnh có diễn biến âm thầm nhưng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tăng huyết áp được chẩn đoán là khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam, tăng huyết áp chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị. Kiểm soát tăng huyết áp là rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác và thậm chí tử vong.
Để kết quả điều trị tăng huyết áp hiệu quả, ngoài việc người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ dùng thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sĩ thì việc đo huyết áp tại nhà và kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh là rất quan trọng.
Triệu chứng tăng huyết áp điển hình cần ghi nhớ
Huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số trường hợp có thể xuất hiện một số dấu hiệu nhưng thường không rõ ràng. Chỉ khi bệnh tăng huyết áp trở nặng, người bệnh mới cảm nhận rõ ràng những triệu chứng tăng huyết áp.
Một số triệu chứng điển hình nghi ngờ bệnh tăng huyết áp:
- Đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng.
- Thở nông.
- Chảy máu mũi.
- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.
- Chóng mặt.
- Mắt nhìn mờ.
- Mặt đỏ, buồn nôn, ói mửa.
- Tiểu máu.
- Mất ngủ.
7 biến chứng nguy hiểm khi bị tăng huyết áp
Huyết áp tăng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Những biến chứng này ảnh hưởng nặng đến người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế hoặc tử vong.
Những biến chứng của tăng huyết áp:
- Suy tim: Tim phải làm việc quá sức để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu ngày khiến tim bị to ra và yếu đi.
- Suy thận: Các mạch máu trong thận bị hẹp lại gây suy thận.
- Đột quỵ, nhồi máu cơ tim: Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người bị tăng huyết áp rất cao. Thành mạch bị xơ cứng có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Phình động mạch: Huyết áp tăng cao có thể gây phình động mạch, dẫn đến chảy máu nội bộ, đe dọa tính mạng.
- Biến chứng não: Xuất huyết não, nhồi máu não, mất trí nhớ do động mạch bị thu hẹp.
- Hội chứng chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa của cơ thể như tăng nồng độ insulin, tăng vòng eo, giảm HDL-C…
- Xuất huyết võng mạc: Các mạch máu trong mắt bị vỡ, gây ra nhiều vấn đề về thị lực, nguy hiểm hơn là mù lòa.
Những lưu ý đối với người tăng huyết áp vào mùa đông
Thay đổi lối sống của người bệnh có thể giúp kiểm soát và quản lý tăng huyết áp. Nhất là thời tiết lạnh như hiện nay.
Để phòng bệnh tăng huyết áp, người mắc bệnh cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh.
- Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh.
- Không nên thức dậy quá sớm bởi lúc đó, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp gió lạnh có thể khiến huyết áp tăng cao, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim vào buổi sáng.
- Tập thể dục giúp người cao tuổi giữ được khối lượng cơ, khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, tăng cường hoạt động hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết cũng như mỡ máu. Tuy nhiên, người cao tuổi nên tập thể dục ở chỗ kín gió, ấm áp, hoặc tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Tuyệt đối không dùng rượu để làm ấm cơ thể vì sẽ gây dãn mạch, khi tiếp xúc với trời lạnh rất nguy hiểm.
- Điều quan trọng, người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, uống tăng liều thuốc hoặc tự ý thay đổi thuốc.
Ngoài ra, người tăng huyết áp cần hạn chế rượu bia, vì uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả. Rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
Hút thuốc lá làm tăng huyết áp nên người bệnh cần ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp. Đồng thời cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Tuyệt đối không tự bỏ thuốc khi huyết áp đã về chỉ số bình thường mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Việc dừng thuốc đột ngột, dễ làm huyết áp tăng cao đột biến, gây những biến chứng nguy hiểm.