Mưa lớn gây ngập cục bộ nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế xuất hiện mưa lớn trong những ngày qua, khiến nhiều nơi ở địa phương này bị ngập cục bộ.
Ảnh hưởng của rãnh thấp qua phía Nam khu vực Trung Trung Bộ, kết hợp rìa Tây Nam không khí lạnh nên tại tỉnh TT-Huế xuất hiện mưa lớn trong những ngày qua, khiến nhiều nơi ngập cục bộ.
Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, mưa lớn trong ngày 10 và sáng 11/10 khiến cho nhiều vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh xảy ra ngập úng, giao thông bị chia cắt, hơn 7.000 hộ dân ở huyện Phong Điền đang bị mất điện.
Tại thành phố Huế, trong sáng nay (11/10), mưa cường suất lớn vùng đồng bằng đã gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường nội đô.
Các tuyến đường Phan Anh, Nguyễn Hữu Cảnh, khu An Cựu City, Đông Nam Thủy An, Xóm Gióng ngập 0,2-0,4m; đường gom tại tổ dân phố Thủy Phú, Minh Thanh, phường Hương Vinh ngập 0,15-0,25m.
Theo ông Nguyễn Đình Bách - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, mưa lớn diễn ra từ ngày 10/10 cũng khiến nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn bị ngập cục bộ.
Cụ thể, đường Tỉnh lộ 11B từ Phong Xuân đi Phong Mỹ đoạn cầu Khe Sậy nước chảy mạnh tràn qua đường, dài khoảng 150m, sâu 0,4m; đường từ thôn Xuân Lộc đi Cổ Xuân Quảng Lộc đoạn đồng làng ngập sâu 1m, chiều dài khoảng 1km;... Hiện tại, lực lượng chức năng đã tiến hành đặt biển cảnh báo và tham mưu đóng tuyến đường 71….
Tại huyện Quảng Điền, một số tuyến đường liên xã, thôn vùng trũng thấp cũng ghi nhận tình trạng ngập cục bộ như: Tỉnh lộ 4 đoạn tràn Thủ Lễ xã Quảng Phước ngập 0,6m; Tỉnh lộ 8 một số đoạn ngập 0,3m, giao thông đi lại khó khăn.
Tại thị xã Hương Thủy cũng có nhiều tuyến đường xảy ra ngập úng, bị sạt lở, địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công kịp thời khắc phục để đảm bảo lưu thông.
Một số tuyến đường của các phường Hương Chữ, Hương Toàn, Hương Văn của thị xã Hương Trà cũng bị nước lũ gây ngập từ 0,3-0,4m.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế, để ứng phó với đợt mưa lũ có khả năng kéo dài nhiều ngày, đơn vị này đã phát thông báo gửi các địa phương yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát phương án ứng phó với mưa lớn theo phương châm 4 tại chỗ; sơ tán dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.