Mưa lớn gây sạt lở nhiều khu vực ở Nam Trà My (Quảng Nam)
Sáng nay (19-9), UBND huyện Nam Trà My cho biết, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài đã gây ra nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, nhà dân. Trước tình hình đó, các ngành chức năng cùng chính quyền các cấp đã sơ tán 51 hộ dân, 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn an toàn.
Theo UBND huyện Nam Trà My, nhằm đảm bảo công tác dự trữ gạo phục vụ công tác phòng chống thiên tai, không để nhân dân bị thiếu đói khi thiên tai xảy ra, nhất là trường hợp thôn, xã bị chia cắt do mưa bão, đến nay dự huyện đã trữ trên 300.000 kg gạo tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân.
Về kế hoạch sơ tán dân do mưa bão: Số người dự kiến di dời, sơ tán là 6.528 người. Khu vực dự kiến sơ tán tại trụ sở làm việc các xã, trường học, trạm y tế, nhà cộng đồng, nhà dân kiên cố… Kế hoạch sơ tán dân do sạt lở đất: Qua rà soát có 39 khu dân cư có nguy cơ sạt lở. Tổng số người dân dự kiến sơ tán 5.252 người. Trong đó sơ tán xen ghép 1.074 người, sơ tán tập trung 4.179 người.
Theo thống kê ban đầu, đợt mưa kéo dài từ chiều ngày 17-9 đến 18-9 đã gây một số thiệt hại. Cụ thể: Có 17 ngôi nhà bị ảnh hưởng do mưa lớn gây ra (8 nhà bị đất đá sau nhà sạt tràn vào nhà và 9 nhà bị nứt nền nhà). Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy cơ thiên tai. Đến 22 giờ ngày 18-9, các xã đã sơ tán 51 hộ dân, 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn an toàn.
Mưa lớn cũng làm taluy dương sau điểm trường Răng Chuỗi (thôn 1, xã Trà Tập) bị trôi tuột, đất rơi từng mảng, nước bên ngoài ép tràn cả vào phòng học; các điểm trường Tong Pua và điểm trường Lâng Loan thôn 3, xã Trà Cang có hiện tượng đất đá sạt trước phía sau…
Bên cạnh đó, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường đi xã, đi thôn với mức độ lớn nhỏ, như: Sạt lở tuyến đường từ UBND xã Trà Tập đi làng Răng Chuỗi thôn 1, Trà Tập gây ách tắt giao thông đi lại. Đặc biệt, khối đất đá sạt lở này đã trôi sát làng Lăng Lương, uy hiếp 22 hộ/95 nhân khẩu tại làng này.
Tuyến đường ĐH5 đi Trà Vân bị sạt 2 điểm (tại khu vực làng ông Sinh và làng ông Bích) sạt taluy dương đất đá tràn xuống đường, chỉ lưu thông bằng xe máy, xe ô-tô không lưu thông được; tuyến đường trên địa bàn xã Trà Don bị sạt 5 điểm, trong đó 2 điểm bị sạt lớn phương tiện giao thông không đi lại được, 3 điểm sạt lở nhỏ đã huy động nhân dân khắc phục đi lại bình thường. Ngoài ra, mưa lớn còn gây sạt lở taluy âm tuyến đường ĐH3, Trà cang, ĐH1 Trà dơn - Trà Leng.
Tại buổi làm việc với thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh liên quan đến công tác triển khai PCTT, TKCN năm 2024, đặc biệt là việc ứng phó với cơn bão số 4 vào chiều 18-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhận định, nhiều địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là trong PCTT.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải rà soát mọi phương án, có những điều chỉnh cần thiết, không nói và chỉ đạo trên giấy. “Thiên tai đang diễn biến hết sức khó lường, chính vì vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt hơn, manh mẽ hơn, sát việc, sát người hơn. Phải năng động tích cực, cụ thể hơn trong phòng chống bão lụt, không được thờ ơ, chủ quan vô trách nhiệm, để rồi xảy ra thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh là có tội với Đảng, Nhà nước, với dân. Vẫn còn nhiều ngành, địa phương làm chưa đến nơi đến chốn, phải rà soát, bổ sung lại, nếu chủ quan dứt khoát sẽ gây thiệt hại lớn. Tuyệt đối không được thờ ơ, chủ quan, vô trách nhiệm trước thiên tai”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.