Mưa lớn khiến nhiều địa phương Bắc Trung Bộ bị chia cắt
Hiện nay mức nước trên các sông tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đang dâng cao, khiến nhiều địa phương bị chia cắt, người dân phải di dời tài sản...
Tại tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong đêm 25 và sáng ngày 26/9, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ khoảng 150 - 170 mm; một số tuyến đường ở các xã, thị trấn bị ngập cục bộ. Tại xã Ngọc Lâm, mưa lớn, nước trên các triền núi đổ về làm ngập một số điểm cầu tràn trên đường liên xã, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điểm ngập nặng nhất là tại vị trí cầu Đập tràn bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã cử lực lượng, phối hợp với địa phương cắm biển cảnh báo, đồng thời túc trực tại các vị trí trọng yếu để cảnh báo, không để người dân qua lại.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương đề nghị chính quyền địa phương ở cơ sở chuẩn bị phương án 4 tại chỗ để chủ động trong công tác phòng chống lụt bão.
Đồng thời đề nghị nhân dân theo hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chức năng để chấp hành tốt khi tham gia giao thông, nhất là đi qua những tuyến đường bị ngập.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đã khiến một số tuyến đường tại huyện miền núi Hương Khê bị ngập cục bộ, điển hình như các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc các xã: Hương Đô, Hương Lâm, Hương Trạch, Lộc Yên. Hiện nay, hơn 4.300 học sinh các bậc mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện này phải nghỉ học. Nước từ thượng nguồn hiện đổ về khiến cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu nối trung tâm xã Hương Liên vào bản Rào Tre bị ngập sâu, có thời điểm nước ngập khoảng từ 1,5-2m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã gây sạt lở một số điểm dọc bờ sông Ngàn Sâu và đường vào bản Rào Tre mới, gây khó khăn trong việc đi lại.
Bản Rào Tre hiện có 46 hộ 158 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Khi phát hiện mưa lũ gây chia cắt đường độc đạo, chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương đã lập rào chắn, cắm biển cảnh báo, đồng thời khuyến cáo người dân không được đi vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực nguy hiểm.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngày 26/9, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, hiện trên tuyến biên giới nhiều điểm bị ngập, một số địa phương bị chia cắt do nước lũ từ thượng nguồn đổ về.
Theo đó, trên địa bàn các huyện biên giới Quảng Bình đang có mưa vừa, mực nước các sông, suối dần dâng cao. Khu vực đường vào các bản Dốc Mây, bản Trung Sơn, bản Ploang, bản Rìn Rìn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nước dâng cao từ 0,4 – 0,8m gây chia cắt 4 bản này với trung tâm xã.
Tại khu vực ngầm qua các bản Cồn Roàng, Cà Roòng 1 và Khe Rung, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) nước ngập sâu từ 0,7 - 1m gây chia cắt cục bộ, người, phương tiện không qua lại được.
Còn tại huyện Minh Hóa, ngầm Ka Ai, Ka Định, xã Dân Hóa nước ngập cao từ 1-1,5m, người và phương tiện không qua lại được, chia cắt một phần bản Ka Ai và toàn bộ bản Tà Rà, Hà Nông, một số nhà dân ở vùng trũng thấp bị ngập. Ngay trong đêm 25/9, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, khẩn trương hỗ trợ các hộ dân bị ngập kê cao đồ đạc, di dời đến nơi an toàn.
Tại huyện Tuyên Hóa, khu vực đường vào bản Hà (xã Thanh Hóa) nước ngập khoảng 0,3m; cầu tràn (cầu Khe Nung) đường đi vào xã Thanh Hóa bị ngập 60-70cm; đường thôn 4 Thanh Lạng đi đường mòn Hồ Chí Minh ngập 60cm; cầu cột 4, cầu Thanh Thạch bị ngập; ngập 3 nhà dân dưới 1m; các trường học trên địa bàn xã Thanh Hóa nghỉ học do bị chia cắt…
Tại huyện Quảng Ninh 4 bản thuộc xã Trường Sơn, gồm: Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn bị chia cắt.
Trên quốc lộ 15, ngầm khe Đèng Km465+091 ngập khoảng 1-2m; khe Mương Km464+915 ngập khoảng 0,3-0,5m, tắc đường; tại vị trí Km562+200 bị ngập khoảng 0,3-0,5m, tắc đường; quốc lộ 9B, tại vị trí ngầm tràn Km43+700 bị ngập khoảng 0,2-0,3m; đường tỉnh 599B tại cầu tràn Thanh Long tại Km46+909 ngập 0,6m, tắc đường; đường tỉnh 558C tại km5+100 sạt lở taluy dương, tắc đường.
Trưa nay 26/9, lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa đạt đỉnh ở mức 5,2m trên BĐ2 0,2m. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Gianh xuống dần.
Tại tỉnh Quảng Trị, lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã khiến hơn gần 70 nhà ở, công trình phụ, hàng quán, nhà sinh hoạt cộng đồng tại huyện Triệu Phong bị hư hại. Trong đó xã Triệu Ái có 67 nhà ở, công trình phụ, hàng quán, nhà sinh hoạt cộng đồng và xã Triệu Trạch có 2 căn nhà ở.
Huyện miền núi Hướng Hóa, nhiều ngầm, tràn nước dâng cao từ 0,5-1 m làm chia cắt cục bộ một số thôn bản. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của áp thấp, dự báo tổng lượng mưa từ ngày 25-27/9 phổ biến 120-250 mm, có nơi lớn hơn 300 mm; thời gian mưa lớn tập trung từ tối 25/9 đến 26/9, lượng mưa đạt 70-150 mm/24h, có nơi cao hơn. Từ ngày 27/9 lượng mưa giảm dần.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giông lốc làm 6 người bị thương, 84 nhà bị tốc mái, 2 cột điện trung thế bị gãy đổ. Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã điều động 22 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận và Hải đội 2 cùng 1 phương tiện tham gia phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mua-lon-khien-nhieu-dia-phuong-bac-trung-bo-bi-chia-cat.htm