Nhà chức trách Italy cho biết mưa lớn do cơn bão bất thường từ Địa Trung Hải đã liên tục diễn ra từ cuối tuần trước. Theo CNN, vùng Linguaglossa ở miền Nam Italy chứng kiến lượng mưa trong 2 ngày qua tương đương tổng lượng mưa trung bình cả năm tại khu vực này. Ảnh: Reuters.
Ông Nello Musumeci, Thống đốc vùng hành chính tự trị Sicily, cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng trong những trận mưa lớn và lũ quét, đồng thời một người đang mất tích. Mưa lớn và lũ quét khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, hàng trăm ôtô bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Getty.
Báo động đỏ được nhà chức trách ban bố trên đảo Sicily và một phần tỉnh Catania, nơi thành phố Catania là thủ phủ. Thành phố Catania là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận bão đang hoành hành. Thị trưởng thành phố Catania Salvo Pogliese đã yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà tối đa. Ảnh: Reuters.
Cơn bão được dự báo sẽ tiếp tục hoành hành tại miền Nam Italy cho tới cuối tuần này, gây ra mưa lớn kéo dài. Các trường học, hoạt động kinh doanh không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa tới 29/10 ở Catania. "Nguy hiểm chưa qua. Cơn bão đang có một khoảng suy yếu nhưng các mô hình thời tiết đều cho thấy nó sẽ trở lại. Những thời khắc phức tạp đang chờ phía trước. Tình hình sẽ tồi tệ hơn trong 2 ngày tới", một quan chức Catania cảnh báo. Ảnh: Reuters.
Thống đốc Mosumeci miêu tả tình hình hiện "rất nguy cấp", cho biết bão và lũ quét đã tàn phá nghiêm trọng tỉnh Catania. "Các tuyến đường biến thành sông suối, vùng nông thôn trở thành ao hồ, hàng trăm ngôi nhà bị nước lũ cô lập. Nhà cửa, mùa màng thiệt hại không thể đo đếm hết", ông Mosumeci nói. Lãnh đạo Sicily cũng cảnh báo hiện tượng thời tiết bất thường này có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Ảnh: Reuters.
Bão ở Địa Trung Hải xảy ra trong thời gian từ tháng 9-12 hàng năm. Bão lớn bất thường hoành hành ở Italy hiện nay càng cho thấy sự cấp bách của biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia cam kết mạnh mẽ hơn nhằm đạt các mục tiêu về khí hậu. Ảnh: AFP.
Khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang tạo ra ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm mưa lớn và thường xuyên hơn. Khủng hoảng khí hậu cũng góp phần tạo ra sự biến đổi về hạn hán và lũ lụt ở nhiều khu vực, từ châu Mỹ tới Bắc Phi hay châu Á. Ảnh: CNN.
Việc khí quyển Trái Đất ấm hơn khiến nó giữ lại lượng ẩm lớn hơn. Điều này giải thích cho hiện tượng thế giới năm qua chứng kiến những trận mưa kỷ lục. Nhưng khủng hoảng khí hậu cũng gây ra hiện tượng khô hạn tồi tệ hơn ở nhiều khu vực, đến mức đất đai không thể hấp thụ nước hiệu quả như vốn có. Điều này khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, với sức tàn phá tồi tệ hơn. Ảnh: Reuters.
Duy Anh