Mưa lớn tiếp diễn, nguy cơ bão đổ bộ đất liền trong tháng 7

Miền Bắc và Trung Bộ có thể tiếp tục hứng nhiều đợt mưa lớn diện rộng trong tháng 7, trong khi khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ vẫn chịu ảnh hưởng của nắng nóng và khô hạn kéo dài.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong tháng 7, thời tiết cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp với sự gia tăng các hiện tượng cực đoan như mưa lớn, dông lốc, sét và gió giật mạnh. Đặc biệt, khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền cũng được cảnh báo.

Trong tháng 6 vừa qua, hai hình thái nguy hiểm đã xuất hiện trên Biển Đông gồm bão số 1 (WUTIP) và một áp thấp nhiệt đới. Bão WUTIP đạt cường độ cấp 11, giật cấp 14 khi đi vào Vịnh Bắc Bộ trước khi suy yếu sau khi đổ bộ vào Trung Quốc. Áp thấp nhiệt đới thứ hai hình thành ngày 24/6 cũng ảnh hưởng đến khu vực gần biên giới phía Bắc nước ta.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mưa lớn liên tục diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Riêng đợt mưa từ 20–23/6 đã gây lượng mưa phổ biến từ 50–200mm, thậm chí nhiều nơi vượt 300mm như Bắc Quang (339mm), Thái Nguyên (360mm). Tại miền Trung, hoàn lưu bão số 1 gây mưa diện rộng với một số nơi như Nam Đông (Huế) ghi nhận lượng mưa trên 900mm – mức cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, dông, sét, mưa đá và lốc xoáy đã xuất hiện tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Đồng Tháp... khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại miền Nam và Tây Nguyên, thời tiết có phần ổn định hơn nhưng vẫn ghi nhận nhiều ngày mưa rào và dông mạnh. Nhiệt độ cao trên 37°C cũng đã xuất hiện rải rác tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và dọc ven biển Nam Trung Bộ.

Dự báo khí tượng cho thấy trong tháng 7, nền nhiệt trên toàn quốc ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ, một số nơi có thể ghi nhận nhiệt độ cao hơn 0,5–1°C so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng mưa tại Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có thể cao hơn trung bình từ 20–50%, làm tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Trên Biển Đông, khả năng xuất hiện 1–2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong tháng 7 là tương đương trung bình nhiều năm, trong đó có thể có ít nhất một cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Nắng nóng vẫn có thể xảy ra ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tuy không gay gắt như năm 2024. Một số đợt mưa lớn diện rộng tiếp tục khả năng xảy ra tại các tỉnh Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa dông nhiều hơn về chiều tối và đêm.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn cục bộ, lốc xoáy, sấm sét và mưa đá có thể gây thiệt hại lớn nếu không được cảnh báo và ứng phó kịp thời. Các vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần đặc biệt lưu ý nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, còn khu vực đồng bằng và đô thị đối mặt với ngập úng diện rộng.

Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế, nắng nóng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và nguy cơ cháy rừng tăng cao. Ở khu vực biển, tác động từ gió mùa Tây Nam và bão có thể gây sóng cao, gió mạnh ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải và đánh bắt thủy sản.

BN

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/mua-lon-tiep-dien-nguy-co-bao-do-bo-dat-lien-trong-thang-7-100035.html