Mùa lũ

Bình minh le lói rọi qua vách liếp, thằng Piếm vẫn ngủ say trên giường, ông nội ngó vào gọi to:

- Piếm à, dậy ăn sáng rồi vào rừng lấy giúp ông gánh củi,… nhà mình sắp hết củi đun rồi đấy! Năm nay không hiểu sao ông trời đổ mưa nhiều thế chứ? Mày dậy đi sớm còn về sớm con ạ.

- Sao ông không tự đi lấy! Mắt thằng Piếm vẫn nhắm tịt, nó cằn nhằn.

- Hôm nay ông bận rào lại vườn, đàn gà chui vào bới nát mấy luống rau cải ông vừa trồng rồi, cháu tự đi thôi. Ông vừa bước loẹt quẹt ra ngoài cửa vừa nói.

Thằng Piếm vẫn cố vùi đầu vào tấm chăn, ở vùng núi Thua Khau này thời tiết cũng lạ, ban ngày nắng muốn vỡ con mắt nhưng ban đêm vẫn phải đắp chăn.

- Dậy đi Piếm à… mặt trời gác trên núi Thua Khau rồi! Ông nội hí húi chẻ nan ngoài sân để rào vườn, ông hướng vào nhà giục nó.

Piếm không trả lời ông nội, nó lật tấm chăn ra vùng dậy vắt màn, rồi bước nhanh đến góc bếp - nơi có máng nước ông nội dẫn từ núi sau nhà về, dòng nước mát lạnh, trong veo làm thằng Piếm tỉnh táo hẳn. Nó đến bên chiếc bàn ăn gỗ tạp đen xỉn, mọt đục kèn kẹt, mở lồng bàn ra: Một bát cơm độn ngô xay được ông nội rang lẫn với trứng. Piếm không nói không rằng, nó không buồn mời ông mà ngồi phịch xuống ghế, tiện tay nó mở lọ măng ớt trên bàn, xúc một thìa to vào bát cơm ăn ngon lành.

Nhà thằng Piếm ở cuối bản, ngay chân núi Thua Khau, ngôi nhà gỗ xà cài ba gian cũ kỹ, mái lợp ngói âm dương xỉn nâu. Pa mẹ thằng Piếm sinh được hai người con, chị Lạng, chị gái của nó đã đi lấy chồng, mãi bên bản Thin Tốc, vợ chồng chị sinh được hai đứa nhóc, họa hoằn lắm chị mới đảo qua thăm nhà ngoại, thường thì rằm tháng Bảy, dịp tết anh chị cùng bọn nhóc mới đi tái (về nhà ngoại). Pa mẹ thằng Piếm bươn chải đi làm phụ hồ các công trình ở xa, có khi chục ngày mới về qua nhà rồi lại tất tả đi luôn. Mọi việc nhà, trông chừng thằng Piếm chỉ có ông nội, nhưng năm nay ông nội yếu đi nhiều, ở tuổi ngoài bảy mươi thì mấy ai còn sung sức nữa.

Thằng Piếm giống như con ngựa bất kham, dù nó mới được mười hai mùa quả nhưng trông nó như đứa mười bốn, mười lăm, nó ít khi đau ốm, chỉ thích leo trèo, trộm vặt của nhà người ta, nó hay rủ bọn thằng Bạn, thằng Sỏi, thằng Quáng đi trộm quả mận, quả nhãn, vào rừng trúc đào trộm măng. Sau lần bị ké Chảy, chủ rừng trúc bắt được bọn trẻ đào trộm cả bó măng trúc to, ké Chảy tính dẫn bọn chúng lên xã trình báo:

- Ké Chảy ơi… là thằng Piếm rủ bọn cháu… hu… hu… bọn cháu trả lại măng cho ké… xin ké đừng dẫn chúng cháu đi… hu… hu, nếu không pa mẹ chúng cháu sẽ cho chúng cháu ăn đòn… hu… hu.

Nhìn bọn trẻ đứa nào cũng khóc lóc, ké Chảy mủi lòng quát:

- Từ nay chúng mày còn đi ăn trộm nữa không?

- Không… không ạ… chúng cháu chừa rồi ạ! Bọn trẻ rối rít.

- Vậy lần này ta tha cho…, còn bó măng này chúng mày đào được ta cho! Về hết đi. Không có lần sau đâu nhá. Ké quát to.

Bọn trẻ quên cả bó măng to chạy thục mạng.

Duy chỉ có thằng Piếm mắt ráo hoảnh, nó thản nhiên vác bó măng lên vai như không có chuyện gì xảy ra. Ké Chảy nhìn thằng Piếm lắc đầu.

Sau vụ trộm măng ấy, thằng Piếm gặp lại mấy đứa bạn cùng trang lứa, đang chơi đánh quay dưới tán cây sau sau cổ thụ, Piếm véo tai thằng Quáng, đá đít thằng Sỏi, lườm thằng Bạn:

- Chúng mày thật là một bọn ngu…, chưa ai đánh đã khóc, lại còn bỏ cả của mà chạy nữa chứ… há… há… một bọn ngu. Thằng Piếm hai tay chống nạnh ha ha cười chế giễu.

Pa mẹ bọn trẻ cũng cấm không cho chúng chơi với Piếm: “Nó là thằng xấu xa, không coi người già ra gì, nó cậy khỏe bắt nạt bạn bè, lại ăn trộm vặt, tốt nhất là tránh xa nó”. Từ đó bọn trẻ trong bản xa lánh thằng Piếm, thấy Piếm đi đằng Đông, bọn chúng tránh sang đằng Tây… Thằng Piếm cũng không hiểu mình bị bạn bè bỏ rơi từ lúc nào.

Ban đầu, thằng Piếm dương dương tự đắc, nó cho rằng bọn trẻ trong bản Thua Khau này sợ nó phát khiếp, nhưng dần dà nó nghe loáng thoáng rằng pa mẹ chúng nó cấm chúng chơi với Piếm, đến cả người già mỗi khi thấy Piếm lại trừng mắt nhìn nó tức tối, chả là quả mít ở vườn nhà già Hậy vừa chín tới, già đang định ra vườn đem về cho bọn trẻ ăn thì ôi thôi, chỉ còn vệt nhựa mít trắng nhởn rỉ ra; hay ổ trứng gà nhà cô Đạm hơn chục quả cũng bị trộm mất từ lúc nào!

Piếm lững thững vác chiếc đòn xóc, buộc mấy sợi lạt dài ở một đầu đòn gánh, đeo mõ dao vào rừng Nặm Tát chặt củi khô, ở nhà chỉ còn một bó củi nữa là hết củi nấu cơm, nếu mà mưa vài ngày liền thì chỉ còn cách ăn gạo sống. Không hiểu sao thằng Piếm có cảm giác buồn, không bạn bè thì thôi, pa mẹ lâu lâu mới tạt qua nhà rồi lại vội vã đi làm thuê… Sắp hết hè rồi nó lại phải đi học, thằng Piếm chán nhất là đi học chữ, nó học hai năm liền vẫn chưa qua khỏi lớp sáu. Gì mà X cộng với Y, A cộng với B lại ra một số khác chứ? Nó không hiểu gì cả, thà đi lấy củi, đào măng, bẫy gà rừng, bẫy thỏ rừng… còn dễ hơn học chữ nhiều. Mải nghĩ, nó đã đến khu rừng Nặm Tát ngút ngàn. Nó men theo những gốc cây xoan hôi, sau sau, xà cài chặt những cành khô dưới gốc gom thành một đống, mồ hôi thằng Piếm chảy thành dòng trên khuôn mặt nâu vì được tắm nắng nhiều, nó đưa cánh tay lên quệt dòng mồ hôi buồn buồn trên mặt, rồi nheo mắt nhìn lên bầu trời ẩn hiện qua vòm lá ken dày, có lẽ đã muộn lắm, bầu trời thẫm lại chứ không nắng như hồi sớm. Có lẽ sắp mưa. Thằng Piếm vội lấy mấy sợi lạt buộc ở đầu đòn xóc, nó nhanh tay bó thành hai bó rồi thọc mạnh đòn gánh vào bó củi. Nó vội vã gánh củi đi xuống chân rừng.

Gánh củi khá to, cũng bởi thằng Piếm tham lam tiếc số củi gom được. Nó so vai, nghiến răng cố chịu gánh nặng đè trên vai. Mây đen kìn kìn kéo về, kiểu này nó sẽ bị mưa dọc đường mất, Piếm bước như chạy trên lối mòn xuống suối Pác Khuổi, gánh củi trĩu cả đôi vai nó, qua suối, lên một đoạn dốc, sẽ gặp lối mòn về bản Thua Khau, mình phải cố lên. Piếm tự nhủ. Đến bên bờ suối Pác Khuổi, chỉ rộng chừng vài ba sải tay người lớn, dòng nước trong veo nhìn thấy từng viên sỏi dưới đáy, lại nông choèn, chỉ đến lưng bắp chân. Mây đen kịt. Oàng… oàng… tiếng sấm rung cả mặt đất dưới chân thằng Piếm, nó hơi hoảng. Giữa dòng suối, một bà già nhỏ nhắn, đội chúp chéo, gánh một gánh củi, nếu gom cả hai bó lại cũng chưa bằng một bó của thằng Piếm, bà già một tay giữ gánh củi, một tay chống gậy, dò dẫm từng bước chậm chạp. Ầm… ầm… thằng Piếm giật mình nhìn lên phía trên dòng suối, ơi Đin Phạ, dòng nước đục ngầu đổ về, thằng Piếm nhìn dòng lũ cuồn cuộn, chỉ còn cách chỗ nó đứng ngay mép nước một quãng ngắn! Nó thoáng lưỡng lự, rồi nghiêng người thả gánh củi xuống, rất nhanh, nó lao ra giữa dòng, nơi bà già cách bờ bên kia gần hai sải tay nữa. Không nói, không rằng, nó đẩy gánh củi bà già ra khỏi vai, rồi vội vã kéo bà già lên bờ, bà già nọ không hiểu gì, chiếc chúp chéo rơi xuống nước, bà cũng lập bập ngã vì bị thằng Piếm kéo, “Thằng trời băm trời bổ… mày muốn làm gì tao”. Bà già lạc giọng hét lên.

Minh họa: Hoàng Chinh

Minh họa: Hoàng Chinh

Cũng do thằng Piếm cao lớn hơn cái tuổi mười hai của nó, nên nó nhanh chóng lôi xềnh xệch bà già nọ lên mỏm cao hơn bờ suối. Lúc này bà già quay xuống tìm gánh củi thì mới biết lũ về. Dòng nước hung dữ, đục ngầu tràn bờ, cuốn đi gánh củi bé tẹo của bà già về tận đâu đó rồi, thằng Piếm nhìn sang bờ bên kia, gánh củi của nó đang trôi về hạ lưu. Tiếc thật. Nó lẩm bẩm. “Thằng cháu, mày đã cứu già”. Bàn tay bà già nổi đầy gân guốc, run run, nắm bàn tay mềm mại của thằng Piếm, bà cười mà nước mắt ứa ra. “Thằng cháu mày tên là gì, con cái nhà ai, ở bản nào?”. “Cháu là Piếm, con pa Chiển mẹ Siêu ở bản Thua Khau”. Miệng nó trả lời bà già nhưng mắt lại lơ đãng nhìn xuống dòng nước lũ cuồn cuộn, nó không còn là suối Pác Khuổi trong veo, hiền hòa mà biến thành con sông lớn hung dữ, ngầu đục mênh mông, xem kìa, rác rưởi, có cả những thân cây khô, cành khô to lao nhanh về phía dưới… thật khủng khiếp, nếu nó chậm chân chút nữa thì sẽ không qua suối được, với lại… bà già này có kịp lên bờ không?

- Về thôi cháu… đói rồi phải không? Bà già nhìn thằng Piếm giọng ân cần.

- Cháu cũng chưa đói lắm. Thằng Piếm hơi nhún vai, thực ra bụng nó cũng cồn cào rồi.

Bà già chậm chạp từng bước lên dốc, thằng Piếm kiên nhẫn từng bước theo sau bà. Hôm nay thật là đen đủi, mất cả gánh củi to! Nó buồn rầu nghĩ.

- Cháu mày, đây là rừng sau sau của bà, có khúc cây sau sau khô kia, cháu có vác được không? Bà già chỉ tay lên khúc gỗ to cỡ thân cây chuối, dài chừng hơn sải tay nói với thằng Piếm.

- Cháu vác được. Piếm phăm phăm đến bên khúc gỗ khô dựng lên rồi ghé vai vác.

- Rừng nhà bà ở đây, sao bà lại sang bên kia suối Pác Khuổi lấy củi? Thằng Piếm hỏi.

- À, rừng bên kia cũng là của nhà ta mà! Bà già giải thích.

Đi hết con dốc nhỏ, đến lối rẽ về bản Thua Khau, thằng Piếm đứng lại dựng khúc gỗ xuống đất hỏi:

- Nhà bà ở đâu để cháu vác khúc củi đến cho, còn nhà cháu thì rẽ lối này, thằng Piếm chỉ tay sang bên trái lối mòn.

- Không… không, nhà ta gần đến rồi, ở ngay bản Lủng thôi, khúc củi này ta cho cháu đem về nhà. Bà già lại cười hở cả hàm răng móm mém.

- Nhưng cháu… thằng Piếm lúng túng.

- Thôi mà, nhà ta nhiều củi lắm… ta cho cháu, nhờ có cháu mà mệnh ta còn! Bà già nhìn nó bằng ánh mắt biết ơn.

- Có gì đâu bà, vậy cháu cảm ơn bà.

- Ừ cháu về đi nhá… khi nào có việc, ta sẽ đến thăm pa mẹ cháu sau.

Bà già lặng lẽ nhìn thằng Piếm vác khúc củi khô bước như chạy trên lối mòn, cho đến khi nó khuất sau cánh rừng.

Đoàn Ngọc Minh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mua-lu-3172208.html