Mưa lũ đã gây thiệt hại trên 14 tuyến quốc lộ, đường giao thông
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơn bão số 8 trên địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định và Tây Nguyên đã gây thiệt hại trên 14 tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường Trường Sơn Đông.
Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai nhiệm vụ về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, kịp thời xử lý và khắc phục các sự cố khi có mưa bão xảy ra.
Mưa lũ đã gây ra các sự cố sạt lở, thiệt hại trên 14 tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường Trường Sơn Đông khoảng 30 tỷ đồng
Thống kê do ảnh hưởng của bão số 8 diễn ra từ ngày 14 - 17/10 trên địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định và Tây Nguyên đã gây thiệt hại trên 14 quốc lộ gồm QL.1, QL.1D, QL.7, QL.8, QL.9, QL.9D, QL.12C, QL.14G, QL.19, QL.46B, QL.49, QL.49C, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường Trường Sơn Đông.
Ước tính tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng với 50 vị trí ngập nước, 60 vị trí sạt lở với khối lượng khoảng 60.000m3 và làm hư hỏng khoảng 10.000m2 mặt đường. Các đơn vị đã phối hợp xử lý các sự cố bước 1, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt cho người và phương tiện.
Về công tác an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh. Ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư.
Riêng các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn, hốc cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh và hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc.
Trong tháng 10 vừa qua, các đơn vị đã xử lý 6 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh, sơn kẻ 8km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 141 biển báo, sửa chữa, bổ sung 07 km hộ lan tôn sóng.
Ban hành hướng dẫn tạm thời thiết kế và lắp đặt lan can phòng hộ tường lốp trên đường bộ theo quy định tại Điều 86, Điều 90 QCVN41:2019/BGTVT. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp “Tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm”.
Ưu tiên rà soát, xử lý các điểm đen mới phát sinh, cập nhật các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong xây dựng kế hoạch năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong thời gian qua các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra 3.392 xe, phát hiện 279 xe vi phạm tải trọng, tước 72 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 1,53 tỷ đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ tình trạng xe chở quá tải trọng, cơi nới vẫn diễn biến phức tạp.
Đối với công tác quản lý vận tải, triển khai thực hiện Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Tổng cục đã yêu cầu các Sở GTVT khẩn trương triển khai thí điểm hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt và phòng chống dịch bệnh COVID-19
Chỉ đạo các Sở GTVT kiểm tra, rà soát, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh bãi bỏ các văn bản do địa phương ban hành chưa đồng bộ với quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ GTVT về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tổng hợp sửa đổi, bổ sung danh mục tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc, triển khai thực hiện thí điểm hệ thống xử lý dữ liệu từ Camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải.
Công tác quản lý phương tiện, người lái tiếp tục thử nghiệm, đánh giá việc thực hiện các thủ tục hợp quy thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia CVN:105:2020/BGTVT. Thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (cabin học lái xe) theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN:106:2020/BGTVT.
Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin để lựa chọn đơn vị tham gia hỗ trợ thí điểm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và hệ thống giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe.
Trong công tác quản lý dự án BOT giai đoạn kinh doanh, khai thác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án tăng cường công tác quản lý bảo trì các đoạn tuyến BOT đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với 9 dự án BOT đang tạm dừng và dừng thu phí chờ quyết toán hợp đồng dự án, Tổng cục đã yêu cầu các Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình theo quy định của pháp luật và hợp đồng.
Đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra mất an toàn giao thông. Hoàn thành quyết toán giai đoạn kết thúc đến thời điểm dừng thu phí đối với Dự án BOT QL.2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên.
Ngoài ra trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các Cục quản lý đường bộ, Sở GTVT thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác hệ thống quốc lộ, cầu, hầm, phà bảo đảm giao thông an toàn đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của người dân.
Kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên tính đến ngày 11/11 ước đạt hơn 90% kế hoạch cả năm, dự kiến đến 31/12 đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch. Hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt một số dự án sửa chữa định kỳ bổ sung Kế hoạch năm 2021.
Triển khai công tác thẩm định, phê duyệt các dự án sửa chữa định kỳ theo Kế hoạch 2022 đã được Bộ GTVT chấp thuận, tính đến ngày 31/10/2021 đã hoàn thành 100% công tác thẩm định, phê duyệt.
Hiện Tổng cục đường bộ Việt Nam đang tổng hợp kết quả thẩm định, phê duyệt và tiếp tục thẩm định, trình phê duyệt đối với các dự án sửa chữa định kỳ được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung vào Kế hoạch bảo trì 2022.