Mưa lũ hoành hành ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan

Lũ quét và lở đất ở Sumatra, Indonesia khiến ít nhất 27 người thiệt mạng trong khi mưa lớn liên tục ở miền Bắc Malaysia khiến mực nước sông Golok tại biên giới với Thái Lan lên cao nhất kể từ năm 1997.

Lực lượng cứu hộ Indonesia đang tìm kiếm những hành khách bị mắc kẹt trong một chiếc xe buýt nhỏ bị chôn vùi trong bùn sau khi lũ quét và lở đất xảy ra ở một số địa điểm tại tỉnh Bắc Sumatra, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng, một quan chức nước này cho biết sáng 28-11.

Lũ lụt ở Bắc Sumatra, Indonesia khiến gần 30 người thiệt mạng. Ảnh: SMCP

Lũ lụt ở Bắc Sumatra, Indonesia khiến gần 30 người thiệt mạng. Ảnh: SMCP

Theo Cơ quan quản lý thảm họa của Indonesia, mưa lớn ở tỉnh này kể từ tuần trước đã gây ra lũ quét và lở đất ở nhiều nơi. Ông Hadi Wahyudi, phát ngôn viên của cảnh sát Bắc Sumatra thông tin một trận lở đất ở một ngôi làng tại Deli Serdang hôm 27-11 đã khiến 7 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Hiện lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người mất tích, gồm cả những người bị mắc kẹt trong xe buýt và các phương tiện khác trên con đường liên tỉnh bị lở đất. Theo ông Wahyudi, hiện chưa thể ước tính số người bị ảnh hưởng.

Ở những khu vực khác, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 20 người tử vong. Các trận lở đất và lũ quét đã phá hủy nhà cửa, nhà thờ Hồi giáo và mùa màng ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Bắc Sumatra.

Cơ quan thời tiết của Indonesia cảnh báo thời tiết cực đoan dự kiến sẽ xảy ra ở Indonesia vào cuối năm 2024 khi hiện tượng La Nina làm tăng lượng mưa trên khắp quần đảo nhiệt đới này.

Trong khi đó, mưa lớn liên tục ở miền Bắc Malaysia khiến mực nước sông Golok tại biên giới với Thái Lan lên cao nhất kể từ năm 1997, buộc gần 40.000 người phải di dời khẩn cấp.

Mưa lũ làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục nghìn người dân Malaysia. Ảnh: Bernama/Free Malaysia Today

Mưa lũ làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục nghìn người dân Malaysia. Ảnh: Bernama/Free Malaysia Today

Tính đến sáng ngày 28-11, nhà chức trách đã di dời hơn 37.000 người dân ở 6 bang đến hàng trăm địa điểm trú ẩn tạm thời. Tình hình tại bang Kelantan ở phía Đông Bắc của bán đảo Malaysia nguy cấp nhất với hơn 30.000 người bị ảnh hưởng.

Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NADMA) đang phối hợp các nguồn lực liên bang để có thể bảo đảm an toàn cho người dân, trong bối cảnh 2 trường hợp được xác nhận đã thiệt mạng do điện giật. Cục Khí tượng Malaysia (MMD) cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục xảy ra ở Kelantan và bang Terengganu lân cận cho đến ngày 29-11.

Tình trạng tương tự đang xảy ra tại Thái Lan khi các tỉnh phía Nam dọc theo Vịnh Thái Lan tiếp tục ghi nhận lượng mưa lớn cho đến ngày 30-11. Hoạt động đường sắt cũng bị tê liệt do đường ray giữa Pattani và Yala đã bị ngập.

Nhà chức trách đã phát cảnh báo về mưa lớn tại 8 tỉnh Chumphon, Surat Thani, Nakhon Si Thammarat, Phatthalung, Songkhla, Pattani, Yala, Narathiwat, có nguy cơ khiến tình trạng lũ lụt tại những khu vực này càng thêm trầm trọng.

Yala là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt tại huyện Muang. Văn phòng Quan hệ công chúng tại Yala xác nhận đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ. Chính quyền Yala đã khuyến cáo người dân sinh sống dọc sông Pattani ở huyện Muang di chuyển tài sản lên vùng đất cao.

Mưa lớn cũng bao trùm các huyện ở tỉnh Narathiwat, trong khi huyện Yarang ở tỉnh Pattani lân cận đã được tuyên bố là khu vực xảy ra thiên tai. Văn phòng Quan hệ công chúng Pattani thông báo, mưa lớn trong ngày 28-11 khiến nước tràn bờ các sông Pattani và Sai Buri.

Tổng công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) cho biết, mọi chuyến tàu đến ga Yala và Sungai Kolok đều dừng tại Hat Yai, thành phố lớn nhất tỉnh Songkhla trong ngày 28-11. Sự gián đoạn dịch vụ là do lũ lụt giữa ga Mai Kaen ở Pattani và ga Raman ở Yala.

Thương Nguyệt - Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mua-lu-hoanh-hanh-o-indonesia-malaysia-va-thai-lan-685866.html