Mưa lũ nghiêm trọng tại Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc

Giới chức Indonesia ngày 14/7 cho biết ít nhất 15 người đã thiệt mạng và 46 người mất tích sau khi lũ quét khiến hàng trăm ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn tại nước này.

Theo cơ quan giảm nhẹ thảm họa Indonesia, một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai nhằm tìm kiếm những người mất tích nghi do lũ hoặc bùn cuốn, khi 3 con sông tại khu vực Bắc Luwu tràn bờ.

Hàng trăm ngôi nhà, cơ quan chính phủ và cơ sở công cộng đã chìm trong lớp bùn dày từ 3-5m. Ước tính 2.000 người dân đang phải lánh nạn tại các khu tạm trú, song nước lũ và bùn gây khó khăn cho công tác phân phối đồ viện trợ.

Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 11/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 11/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Trung Quốc, Trung tâm khí tượng quốc gia (NMC) ngày 14/7 đã ra cảnh báo màu xanh (thấp nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp) đối với mưa giông, trong bối cảnh các trận mưa liên tục trút xuống các vùng rộng lớn trên cả nước. Dự báo từ chiều 14/7 đến chiều 15/7, mưa giông sẽ xuất hiện ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy (Anhui), Giang Tô, Thượng Hải và Chiết Giang. Một số khu vực thậm chí sẽ ghi nhận lượng mưa lên tới 60mm/giờ, kèm theo gió mạnh và sấm sét.

NMC khuyến cáo các chính quyền địa phương cần cảnh giác trước nguy cơ lũ lụt, lở đất, lở bùn và tạm ngừng các hoạt động ngoài trời tại những khu vực nguy hiểm.

Tại Ấn Độ, các trận mưa liên tiếp tại bang Assam, Đông Bắc nước này, đã khiến tình hình lũ lụt tại đây trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo thống kê, khoảng 2,2 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại 22 huyện. Mực nước của 13 con sông và các phụ lưu ở khu vực Brahmaputra đang vượt mức nguy hiểm. Nước lũ dâng cao đã khiến hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng và hoa màu bị phá hủy. Ước tính 763 ngôi làng đã hoàn toàn chìm trong nước, hơn 100.000 hecta đất nông nghiệp bị ngập. Khoảng 45.000 người đã được chuyển tới các trại sơ tán tại những khu vực bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, 95% diện tích của công viên quốc gia Kaziranga cũng chìm trong nước. Công viên Kaziranga đã được xếp hạng di sản thế giới và nơi sinh sống lớn nhất của tê giác một sừng ở Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ cho biết các vụ tai nạn liên quan đến mưa lũ đã khiến 6 người thiệt mạng trong ngày 13/7. Lực lượng Ứng phó thảm họa quốc gia của Ấn Độ đã triển khai chiến dịch cứu nạn quy mô lớn tại bang Assam.

Thúc Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/mua-lu-nghiem-trong-tai-indonesia-an-do-va-trung-quoc-20200714232150469.htm