Mưa lũ ở miền Trung: 8 người chết và mất tích
Đến chiều 18-10, mưa ở Quảng Bình đã tạm ngưng. Nhiều nơi nước rút dần nhưng đã để lại hậu quả nặng nề khi có 4 người chết và mất tích.
Hai người chết là em Ng.P.Q (SN 2007, ngụ thị xã Ba Đồn) đi đánh cá trên sông Gianh bị lũ cuốn. Người thứ hai bị lũ cuốn và chết là ông H.V.Nh (SN 1964, ngụ huyện Tuyên Hóa). Hai nạn nhân vẫn còn mất tích đều ở huyện Quảng Ninh là anh Hồ Văn Sửu (SN 1997, bị nước cuốn khi đang đi rừng) và ông Nguyễn Văn Đường (SN 1970, mất tích khi chèo thuyền ra kiểm tra hồ tôm và thuyền lật).
Tính đến 18 giờ ngày 18-10, toàn tỉnh Quảng Bình có 6 bản của 4 xã ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa vẫn đang bị cô lập, chia cắt; có 30 xã với 2.232 nhà bị ngập. Mưa lũ cũng làm 17 điểm trên các quốc lộ và 10 điểm tại các tỉnh lộ sạt lở, ngập sâu khiến giao thông bị ách tắc.
Ở Hà Tĩnh, mưa lớn nhiều ngày cộng với việc các hồ đập, thủy điện xả tràn để đón lũ đã gây ngập lụt cục bộ, sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt tại nhiều huyện, thị xã. Vùng núi sát tuyến đường Thạch Khê - Vũng Áng sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc hoàn toàn. Một người dân của thị xã Kỳ Anh mất tích khi đang đánh bắt cá tại lòng hồ Sông Rác.Nhiều phường tại thị xã này bị ngập sâu, 153 hộ dân với 441 nhân khẩu tại phường Kỳ Thịnh phải sơ tán tránh lũ. Tại huyện Vũ Quang, tình trạng ngập cục bộ diễn ra tại 2 xã Đức Bồng và Đức Lĩnh, nhiều địa điểm bị sạt lở.
Tại Quảng Trị, gần 20.000 học sinh của 50 trường học ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong phải nghỉ học vì ảnh hưởng mưa lũ và mất điện. Một người bị lũ cuốn mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà ở TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Đakrông bị ngập.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn nhiều nơi bị ngập do mưa lũ. Một người chết là bà V.T.T (64 tuổi, ngụ thị xã Hương Trà) đã tìm được thi thể trên sông Bồ. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm chồng của nạn nhân này. Trước đó, cặp vợ chồng này chèo ghe ra sông Bồ bủa lưới đánh cá và ghe lật.
Chủ động khắc phục hậu quả thiên tai
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết mưa to đã gây lũ lớn trên diện rộng, trong đó một số sông lũ trên mức báo động 3, như Kiến Giang (Quảng Bình), Vu Gia và Thu Bồn (Quảng Nam), ĐắkBla (Kon Tum); trên 80 xã, phường vùng trũng thấp, ven sông bị ngập lụt, chia cắt. Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất.