Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại
Hình thái thời tiết xấu kéo dài trên toàn quốc tiếp tục gây thiệt hại lớn tài sản của người dân và hạ tầng giao thông.
Lào Cai: Vỡ ống cống hồ thải quặng
Sự cố vỡ ống cống thoát nước hồ thải quặng Nhà máy tuyển đồng Tả Phời thuộc Cty cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin (Lào Cai) khiến hàng trăm nhà dân, công sở bị ngập nước. Tài sản, gia súc và vật dụng của nhiều gia đình bị nước cuốn trôi. Sự việc xảy ra vào khoảng 8h30 sáng 8/8.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, thành phố đã chỉ đạo lực lượng công ty, chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục xử lý, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Giám đốc điều hành mỏ của Cty cổ phần đồng Tả Phời- Vinacomin xác nhận, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 8/8, do hệ thống máng thoát nước đập hồ thải quặng đuôi có đường kính 2.000 mm xảy ra sự cố vỡ ống cống thoát nước xả tràn dẫn đến nước trong hồ theo hệ thống cống chảy xuống hạ lưu gây ngập úng một số khu vực.
Ðồng Nai: Lũ quét sạch nhiều cây trồng, vật nuôi của người dân
Những trận mưa lớn kéo dài cùng với việc các nhà máy thủy điện xả lũ đã khiến các địa phương ven sông Đồng Nai và sông La Ngà thuộc hai huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai) bị thiệt hại nặng về tài sản.
Ông Trần Văn Thời, một hộ nuôi cá bè cho biết, lũ về quá nhanh, cuốn phăng hết những gì nổi trên mặt nước. Các hộ nuôi cá buộc phải rạch các dèo lưới quanh bè cho cá thoát ra sông để giữ lại bè. Chỉ riêng gia đình ông Thời phần cá chết, phần phải phá dèo cứu bè đã bị thiệt hại 20 dèo với hơn 200 tấn cá các loại.
Theo ông Vũ Mạnh Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Quán, trong đợt lũ này, huyện có 269 lồng, bè, ao cá của 39 hộ bị thiệt hại. Gần 2.000 tấn cá bị chết và thoát ra ngoài tự nhiên. Trên 500 ha đất trồng lúa và cây lâu năm bị ngập trong lũ. Với các loại cây trồng lâu năm ngập trong nước từ 72 giờ thì sẽ bị thối gốc, hư hại.
Cao Bằng: Sạt lở làm đổ trường học, 1 người bị thương
Ngày 8/8, UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa to kéo dài từ ngày 5 đến 7/8, trên địa bàn xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ách tắc đường giao thông, thiệt hại lớp học, nhà ở và làm một người bị thương. Cụ thể, trên Quốc lộ 34 đi qua địa bàn huyện có 30 điểm đất đá sạt lở xuống mặt đường với khoảng 7.000m3 đất đá, gây tắc đường. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bảo Toàn, đất đá từ ta-luy dương sạt lở làm đổ tường và vùi lấp ba phòng học và làm một người bị thương.
Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường liên huyện, huyện có rất nhiều đoạn bị đất, đá vùi lấp mặt đường, sạt lở. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm sạt lở, vùi lấp đất ruộng mới cấy với diện tích khoảng 1.300m2 ở huyện Bảo Lạc.
Ðắk Nông: Công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai
Ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với Hồ chứa nước Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350 (phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa); sạt trượt khu vực Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) do mưa lũ kéo dài gây ra.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28/7 - 8/8, mưa lũ làm 2 người tử vong, 360 căn nhà bị ảnh hưởng, hơn 694 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trên 223 ha ao nuôi thủy sản bị ngập; có 261 hộ dân tại khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao phải di dời. Thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng.
Nhiều hồ, thủy điện phải xả tràn
Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, ngày 7/8 , lưu lượng nước về các hồ chứa khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ tiếp tục tăng nhanh. Hồ Lai Châu đã gần chạm mực nước dâng bình thường, trong khi Sơn La và Hòa Bình đã sát mực nước trước lũ.
Báo cáo cũng cho thấy, do mưa lũ xuất hiện trên cả 3 miền, lưu lượng nước về các hồ tăng cao đã bổ sung lượng nước đáng kể về các hồ thủy điện. Theo diễn biến thủy văn thực tế, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã vận hành tăng cao thủy điện. Một số hồ thủy điện phải xả tràn để điều tiết như: Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Khe Bố, Sông Ba Hạ, An Khê, Srêpôk 3, Buôn Kuôp.
Tổng Cty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, ảnh hưởng của mưa to kéo dài đã gây thiệt hại lớn đến lưới điện 110kV và trung hạ áp của các đơn vị thuộc tổng công ty quản lý vận hành cung ứng điện. Các sự cố này đã làm gián đoạn cung cấp điện cho 8.484 khách hàng. Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vẫn đang bị cô lập, sự cố đường dây 376 E29.2 cấp điện cho khu vực huyện gây mất điện 80 TBA với 8.017 khách hàng bị ảnh hưởng.
Tiếp tục sạt trượt quanh hồ chứa nước 500 tỷ đồng
Ngày 8/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn chuyên gia đã kiểm tra tình trạng nứt đất, sụt lún, sạt lở quanh dự án hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Bước đầu, Thứ trưởng nhận định, nguyên nhân khu vực này bị sạt trượt, sụt lún không hẳn vì mưa. Thực tế khảo sát bên hồ cho thấy có một số vết trượt trên núi đã hình thành từ lâu. Gần đây do một số tác động khi triển khai các công trình xây dựng nên gây ra sụt lún, phá hủy một số hạ tầng, đặc biệt là nhà dân.
Sập trần hầm đường sắt Bắc - Nam
Trong quá trình thi công gia cố trần hầm cũ tại Km 455 đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), đất đá từ nóc hầm sạt xuống khiến đường sắt Bắc - Nam bị tắc nhiều giờ đồng hồ.
Sự cố sập trần hầm xảy ra lúc 15 giờ 30 phút ngày 7/8. Khoảng 4,6 m3 đất đá từ nóc hầm cũ sạt lở xuống đường sắt. Vụ sạt lở làm hỏng một bộ khung chống tạm, không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là trần hầm đã yếu lại ngấm nước mưa nên mất sự dính kết.
Đến 19 giờ 50 phút cùng ngày, vị trí sạt lở được khắc phục xong, trả lại đường sắt cho đơn vị khai thác. Sự cố làm 5 đoàn tàu khách với hơn 700 hành khách và 3 tàu hàng phải dừng chờ tại các ga dọc đường. Các đoàn tàu chở khách trễ 4 giờ, tàu hàng trễ đến 16 giờ so với lịch trình.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-lu-tiep-tuc-gay-thiet-hai-post1558683.tpo