Mùa mật tràm

Tháng 7, tháng 8 âm lịch hằng năm là mùa hoa tràm nở. Những người nuôi ong khắp nơi thường di chuyển đàn đến vườn cây thuộc các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành cho ong hút mật hoa. Không chỉ những người nuôi ong chuyên nghiệp, những phu ong cũng tìm về đây săn 'lộc' thiên nhiên bán kiếm tiền.

Một thợ nuôi ong thiên nhiên trong rừng cao su thuộc xã Long Đức (H.Long Thành)

Một thợ nuôi ong thiên nhiên trong rừng cao su thuộc xã Long Đức (H.Long Thành)

Nghề săn mật ong khá công phu, vất vả, nhưng bù lại cho thu nhập tương đối khá. Nếu khai thác và bảo vệ hợp lý, nghề này còn góp phần làm tăng năng suất mùa màng.

* Săn “lộc” thiên nhiên

Hơn 20 năm nay, ông Phan Hồng Sơn (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) gắn bó với nghề săn mật ong thiên nhiên. Chính vì từng ấy năm gắn bó với nghề nên ông Sơn không cần đến dụng cụ bảo hộ, hành trang của ông chỉ có một cây liềm nhỏ, một xe máy “cà tàng”. “Chỉ cần liếc mắt là tôi phân biệt được tổ ong với tổ kiến trong phạm vi 70-100m” - ông Sơn cho biết.

Anh Nguyễn Tấn Huy, hộ nuôi ong ở xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) chia sẻ: “Nuôi ong tự nhiên, kể cả khai thác mật ong thiên nhiên hợp lý không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân người làm nghề, người sử dụng sản phẩm mà người nông dân, ngành nông nghiệp được lợi do vai trò thụ phấn của ong đối với cây trồng. Nhờ có ong hút mật mà hoa được thụ phấn, tăng khả năng đậu quả, góp phần làm tăng năng suất của cây trồng”.

Theo chân ông Sơn đến một vườn tràm thuộc ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) chúng tôi chứng kiến cảnh ông trèo cây bắt ong nhanh như sóc. “Tổ này khoảng 1 tháng nữa mới có mật, có nhộng nhiều” - ông Sơn nói rồi tụt xuống đất. Ông chỉ tay về phía đằng xa nói: “Tổ tròn vo, màu đen đằng kia là kiến vàng chứ không phải ong. Chúng tôi phải học cách phân biệt tổ ong với tổ kiến để đỡ mất công chạy đến”.

Ông Sơn chia sẻ, để chuyến đi săn “lộc” thiên nhiên hiệu quả, từ chiều hôm trước, những phu ong như ông phải đi khảo sát các vườn tràm, vườn cây ăn quả hoặc hoa màu đang có hoa nở rộ. Mờ sáng hôm sau mới lên đường vì ong thường hút mật vào lúc sáng sớm, khi sương chưa tan hết. Ông cùng nhóm bạn đi cùng quan sát, rồi lần theo hướng ong bay để tìm tổ. Khi phát hiện tổ, ông trèo lên cây, từ từ xua bớt ong ra khỏi tổ, dùng liềm gạt một đường, cho bọng mật vàng ươm vào túi là xong.

Cùng nhóm với ông Sơn có ông Nguyễn Văn Bốn, đã 66 tuổi (ngụ cùng địa phương). Ông Bốn có kinh nghiệm săn mật ong hơn 40 năm, nay chỉ đi theo phụ đoán hướng ong bay và tìm tổ chứ ông không leo trèo nữa. Ông Bốn cho biết, thông thường đi theo nhóm từ 3-5 người. Người trèo cây, người chuyên chở, người ra đường bán mật ong, còn ông có kinh nghiệm nên được phân công tìm tổ ong. Có khi nhóm về miền Tây đi dọc các kênh, rạch bắt ong; khi thì đến các vùng đồi núi ở duyên hải miền Trung, nhưng nhất định mùa hoa tràm là trở về Đồng Nai.

“So với mật các loại hoa như: chôm chôm, sầu riêng, nhãn, cao su hay mật lá cao su, mật ong hoa tràm, đặc biệt là mật hoa tràm vàng, chất lượng hơn hẳn. Mật sánh đặc, màu vàng óng, không thơm ngái nhưng rất ngọt và gần như an toàn tuyệt đối với người sử dụng vì không ai phun thuốc cho cây tràm đã lớn” - ông Bốn cho hay. Ông Bốn cũng chỉ cách đơn giản nhất để phân biệt mật ong thật với mật ong giả là dùng giấy trắng nhúng vào mật, sau đó để nhỏ giọt ra ngoài, mật giả sẽ chảy loang, còn mật thật giữ nguyên hình giọt nước.

Một người chuyên săn mật ong thiên nhiên ở TT.Long Thành (H.Long Thành) bên tổ ong ruồi bắt được

Một người chuyên săn mật ong thiên nhiên ở TT.Long Thành (H.Long Thành) bên tổ ong ruồi bắt được

Ngày trúng, nhóm của ông Bốn có thể bắt được trên 10 tổ ong, nhưng cũng có những ngày, nhóm ra về tay không vì tổ còn nhỏ, không nỡ bắt. Tùy theo lượng mật, giống ong, trung bình mỗi tổ nặng từ 0,5-3kg. Đối với mật ong ruồi, nhóm ông Bốn bán 1,2 triệu đồng/lít, mật ong khoái (ong mật) 600 ngàn đồng/lít, sáp có nhộng ong bán 200 ngàn/kg. Thu nhập mỗi người tính ra cũng trên dưới chục triệu đồng/tháng.

* Loài vật hữu ích với mùa màng

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi gặp được nhóm săn mật ong thiên nhiên của thanh niên trẻ tên Nam, cũng ở TT.Long Thành. Anh Nam không “du mục” nhiều nơi để săn mật như các nhóm thợ chuyên nghiệp mà thường chạy xe máy vào đường trong thị trấn, khu công nghiệp để tìm tổ ong. Anh Nam cho biết, ong ruồi thường làm tổ trên cây bằng lăng, cây xanh ven đường... Đặc điểm của ong ruồi là khá hung dữ, khi bắt phải có đồ bảo hộ.

Anh Nam dẫn chúng tôi đến một con đường ở khu Văn Hải, TT.Long Thành. Một tổ ong ruồi nhỏ bám trên cành cây cao chỉ tầm 3m so với mặt đất được Nam phát hiện nhanh. Nam mang đồ bảo hộ là bộ áo mưa mỏng, đeo găng tay và đội mũ có lưới che mặt. Một tay Nam bám thân cây, tay còn lại cầm dao cắt lấy phần sáp chứa mật rồi tụt xuống. Mọi việc diễn ra rất nhanh.

Đối với người mới vào nghề như anh Nam, chỉ quan tâm đến việc làm sao để lấy được bọng mật mà không bị ong đốt, không làm ảnh hưởng đến cây xanh hay mái nhà dân. Nhưng với những người sống bằng nghề săn vị ngọt thiên nhiên như ông Bốn thì không bắt ong theo kiểu “tận diệt”, mỗi khi cắt tổ, ông luôn chừa lại phần cuống dính trên cành cây để vài hôm sau ong trở lại gầy tổ. Trường hợp tổ mới đang xây, ít mật ông không cắt.

“Săn mật ong vừa có thu nhập để cải thiện cuộc sống, vừa không để lãng phí nguồn đặc sản quý hiếm của thiên nhiên. Nếu khai thác ở mức độ vừa phải, vừa có lợi cho mình, vừa bảo vệ được loài vật hữu ích với cây cối và mùa màng” - ông Bốn chia sẻ .

Không riêng cánh thợ săn mật ong thiên nhiên, đến mùa hoa tràm, nhiều người nuôi ong ở khắp nơi cũng di chuyển đàn đến Đồng Nai cho ong hút mật hoa tràm. Anh Nguyễn Tấn Huy, hộ nuôi ong ở xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) cho biết, nhu cầu sử dụng mật ong thiên nhiên ngày càng nhiều trong khi sản lượng ngày càng giảm do khai thác. Do đó, mật ong nuôi theo dạng thiên nhiên cũng có giá. Thay vì để đàn ong một chỗ, lấy mật một mùa, hằng năm, anh Huy di chuyển đàn liên tục đến nhiều tỉnh, thành cho ong hút mật hoa.

Chẳng hạn như tháng 3, mùa hoa cà phê thì anh Huy đưa ong lên Tây nguyên. Sang tháng 5, mùa cao su thay lá anh đưa ong về Bình Phước, Đồng Nai cho ong hút mật lá non. Tiếp theo đó là mùa hoa tràm khoảng tháng 7, tháng 8 lại về Đồng Nai. Vào mùa xuân, anh đưa ong lên vùng Tây Bắc để lấy mật hoa mận, hoa mơ, hoa cỏ kim. Trung bình mỗi năm, anh Huy quay mật khoảng 7 lần để bán mật ong ra ngoài thị trường.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202008/mua-mat-tram-3019694/