Mùa mưa thận trọng với nấm tóc, ngứa da đầu

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nấm tóc, nấm da đầu, trong đó lý do không ngờ đến là nước mưa. Nhiều người đi mưa thường không che đầu và không đội nón mũ khiến cho tóc bị ướt, đây chính là nguyên nhân gây nấm tóc và ngứa da đầu.

Nấm tóc dai dẳng, dễ lây lan

Nấm tóc xuất hiện nhiều nhất khi có sự xâm nhập của các chủng nấm lên da đầu. Ngoài ra còn do thói quen vệ sinh da đầu kém, sử dụng nước nhiễm khuẩn, do để đầu ướt khi đi ngủ hoặc chưa làm sạch dầu gội, dầu xả khi tắm gội, do người bệnh từng bị vảy nến hay á sừng, viêm da…

Nấm tóc khá phổ biến ở trẻ em, mặc dù thanh thiếu niên và người lớn cũng có thể bị ảnh hưởng. Nấm tóc tồn tại dai dẳng trong vài tháng hoặc vài năm, dễ lây lan. Một người bị nhiễm có thể truyền cho những người khác thông qua các vật bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp.

Biểu hiện của nấm tóc

Nấm tóc có nhiều loại, phân loại theo hình thái lâm sàng hoặc nguyên nhân gây bệnh. Tổng thể có 2 loại nấm thường gặp là Trichophyton và tóc hột (trứng tóc) do chủng nấm Pierdraiahortai và Trichosporon Beigelii gây ra. Ở dạng này không gây rụng tóc, vì sợi nấm chỉ phát triển ở thân tóc, gây khó chịu hoặc ngứa.

Các chủng nấm thường tấn công vào sợi tóc khiến tóc bị gãy và làm da đầu nổi nốt mẩn đỏ, đóng vảy. Bệnh có thể được điều trị khỏi bằng thuốc kháng nấm kết hợp với phương pháp chăm sóc tóc và da đúng cách.

Biểu hiện của nấm tóc gồm ngứa da đầu dữ dội, chân tóc xuất hiện mụn li ti lan tỏa thành mảng, sưng và đóng vảy. Tóc gần khu vực tổn thương bị gãy cách chân tóc vài cm hoặc gãy sát da đầu. Bệnh càng nặng thì tóc rụng càng nhiều. Một số trường hợp bị rụng tóc nguyên mảng dẫn đến hói đầu. Nấm tóc là căn bệnh rất dễ lây lan từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc do dùng chung các đồ dùng cá nhân của người bệnh như lược chải đầu, chăn gối, khăn tắm, mũ bảo hiểm...

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nấm tóc, nấm da đầu.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nấm tóc, nấm da đầu.

Chẩn đoán, chữa trị nấm tóc

Nấm tóc được chẩn đoán khi tìm thấy sự hiện diện của vi nấm nhờ sinh thiết, soi dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy để xác định nấm gây bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng nhiễm nấm tóc bằng cách soi đèn, nếu nhiễm nấm, đèn sẽ phát màu huỳnh quang.

Về điều trị nấm tóc chủ yếu là dùng thuốc kháng nấm dạng uống, bôi, dầu gội. Tùy thuộc hiện trạng mà các bác sĩ chỉ định thuốc trị bệnh nấm tóc đường uống cũng như thuốc bôi, thời gian dùng được điều chỉnh tùy theo đối tượng và trọng lượng cơ thể. Ngoài thuốc thì có thể dùng kem nấm tóc tại nhà, nhất là ở thể nhẹ thì trị nấm tóc bằng muối, chữa nấm tóc bằng chanh hoặc chữa nấm tóc bằng bồ kết...

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng ngừa nấm tóc, nên giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chăm sóc tóc và da đầu đúng cách như gội đầu đúng cách, tránh dùng các sản phẩm dầu gội chứa hóa chất tẩy gàu mạnh. Xả nhiều lần bằng nước sạch, hạn chế gãi ngứa, giữ cho đầu luôn khô ráo.

Nếu đi mưa buổi tối khi về nhà tóc bị ướt gây ngứa ngáy thì nên gội đầu. Tuy nhiên, buổi tối chỉ nên gội bằng nước ấm, đứng trong phòng tắm kín gió và lau kỹ tóc trước khi ra khỏi phòng tắm. Nếu cần ra ngoài trời, những nơi có gió lùa thì nên sấy khô tóc trước khi đi.

Ngoài ra, phải bảo đảm trước khi đi ngủ tóc đã được sấy hoặc hong khô hẳn, tránh đi ngủ khi tóc còn ẩm, vì vừa dễ nhiễm lạnh, vừa khiến tình trạng ngứa ngáy, nguy cơ nấm tóc (nấm da đầu)… tăng thêm.

Tắm gội sau khi đi mưa không có nghĩa là mới đi mưa về phải tắm ngay. Nếu lúc đi về bị nhiễm lạnh do mưa, đang mệt mỏi thì nên lau khô mồ hôi, tóc, ngồi nghỉ ngơi một chút cho cơ thể tự cân bằng lại rồi mới tắm gội, điều này sẽ tránh được bệnh.

Cách phòng nấm tóc đơn giản nhất là gội đầu bằng bồ kết. Bồ kết không những giúp làm sạch tóc mà còn có các chất bảo vệ tự nhiên, giúp ngăn ngừa nấm da đầu rất hiệu quả, giảm cảm giác ngứa ngáy.

BS. Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-mua-than-trong-voi-nam-toc-ngua-da-dau-16924080120365141.htm