Mùa nắng nóng và nỗi lo từ những 'trái bom nổ chậm' trên ô tô
Để hạn chế tối đa khả năng biến những bình chữa cháy trên xe thành 'trái bom nổ chậm', người sử dụng cũng cần phải chú ý chăm sóc những chiếc bình này đúng cách.
Nỗi lo từ những vị “thần hộ mệnh”
Việc phải có bình chữa cháy đã trở thành bắt buộc đối với ôtô khi lưu thông trên đường, tuy nhiên dùng loại gì, bảo quản và sử dụng thế nào vẫn là điều mà có khá nhiều người thắc mắc. Theo các chuyên gia, với bất kỳ sản phẩm phòng cháy chữa cháy nào đều có xác xuất lỗi. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa khả năng biến những bình chữa cháy trên xe thành “trái bom nổ chậm”, người sử dụng cũng cần phải chú ý chăm sóc những chiếc bình này đúng cách.
Dự báo, mùa hè năm nay Hà Nội sẽ phải hứng chịu nhiều đợt nóng, dự kiến mà có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến 43-45 độ C, điều đó đồng nghĩa với việc những chiếc ôtô cũng sẽ phải "đón" nhận hơi nóng khủng khiếp. Theo các chuyên gia tính toán, với nhiệt độ bốc lên từ mặt đường với ảnh hưởng từ ánh nắng trực tiếp dưới trời nắng thường xuyên 39 - 40 độ C, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 độ C hoặc cao hơn. Khi đó, rất nhiều vật dụng để trong xe có nguy cơ phát nổ và có thể bốc cháy do áp suất bên trong tăng cao, đặc biệt là những chiếc bình chữa cháy mi-ni trên xe.
Còn nhớ, cùng thời điểm năm ngoái, hàng loạt những vụ bình chữa cháy mini đặt trong ô tô đột nhiên phát nổ cũng khiến dư luận không khỏi “choáng”. Vụ việc đầu tiên phải kể đến là của ông Ngô Hiếu Thuận ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Xe của ông Thuận đang đậu trong sân nhà thì bỗng nhiên có tiếng nổ lớn. Khi người nhà ra kiểm tra thì thấy bình chữa cháy ông để trong ô tô đã bị bung nắp, đáy bình bị móp. Vụ nổ khiến xe của ông bị hư hỏng nặng.
Kế đến, vụ chiếc bình cứu hỏa để trong ô tô tải của ông Trần Sĩ Nhân (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) sau khi được đem ra ngoài vệ sinh cũng bất ngờ phát nổ, bay lên làm thủng cả trần nhà. Hay như Hà Nội, khi đang di chuyển từ Nguyễn Chí Thanh sang Lê Văn Lương, anh Nguyễn Hoàng Hải, ở quận Ba Đình bất ngờ thấy tiếng nổ nhỏ khiến xe BMW bị rung. Dừng lại mở cốp xe, anh Hải phát hiện chiếc bình cứu hỏa mini bị nổ và bọt trắng bắn tung tóe. Rất may, vụ nổ không gây hư hại các bộ phận trong xe.
Một điểm chung trong hầu hết các vụ “thần hộ mệnh” bỗng nhiên phát nổ đó là bình được để trong xe đậu ngoài trời khi trời nắng to.
Chuyên gia mách nước…
Theo lý giải của PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phòng cháy chữa cháy nguyên nhân là vì hầu hết những bình chữa cháy cho xe hơi trên thị trường thường chỉ chịu được nhiệt độ đến 55 độ C. Trong khi đó nếu đậu xe dưới trời nắng hơn 40 độ C thì nhiệt độ bên trong xe có thể lên tới 60 độ C. Đặc biệt, bảng táp-lô bằng vật liệu nhựa hay da nằm dưới kính trước sẽ hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ mặt trời, nên nhiệt độ vùng này thường xuyên vào khoảng từ 70 đến 80 độ C, cao hơn nhiều so với ngưỡng các bình chữa cháy chịu được. Nhiệt độ tăng, làm thể tích các chất lỏng bên trong cũng tăng theo, và đến một mức áp suất đủ lớn thì nó sẽ gây ra hiện tượng nổ vô cùng nguy hiểm.
Ông Xiêm cũng phân tích thêm, có những trường hợp, nhiệt độ không tăng lên quá cao so với tiêu chuẩn nhưng vẫn diễn ra tình trạng nổ bình chữa cháy là do chất lượng bình. Thông thường, các loại bình chữa cháy mini, áp suất chỉ từ 10-12 at (đơn vị đo áp suất). Tuy nhiên, với những bình kém chất lượng, vỏ bình đã được tân trang, không còn "zin", dẫn đến khi nhiệt độ bên ngoài tăng, áp suất của bình cũng tăng theo, sẽ xé rách ở những điểm kém an toàn nhất trên vỏ bình, gây nguy hiểm cho người dùng. Vì vậy, việc đầu tiên người dân phải cân nhắc là ở khâu lựa chọn bình. Loại bình được sử dụng phổ biến nhất hiện nay vẫn là bình bột và nên mua ở những nơi tin cậy, được cơ quan phòng cháy chữa cháy giới thiệu chứ không nên tham rẻ, dễ mua phải bình giả, bình nhái.
Thực tế ngoài thị trường hiện nay, không ít có những trường hợp người bán quảng cáo hàng chất lượng tốt, đảm bảo nhưng vì lợi nhuận đã “treo đầu dê, bán thịt chó”, bán những chiếc bình cùng mẫu mã nhưng chất lượng lại không như nhau, nguồn gốc mập mờ. “Việc mua bình ở những cơ sở tin cậy, được cơ quan phòng cháy chữa cháy giới thiệu cũng là một cách để người mua có thể “bắt đền” người bán khi có rủi ro xảy ra, được đền bù đích đáng. Quan trọng hơn hết là bình ở những nơi này thường có độ an toàn cao hơn, chế độ bảo hành sau một thời gian cũng đảm bảo hơn”, PGS. TS Xiêm cho biết.
“Giá một chiếc ô tô bây giờ cũng chừng 500-700 triệu là ít, so với một chiếc bình xịn thì không đáng là bao. Quan trọng nhất vẫn là sự an toàn của con người. Người lái xe phải được trang bị đầy đủ kiến thức về sử dụng bình cứu hỏa như thế nào cho tốt nhất, phải được thao tác tập luyện qua để có thể xử lý linh hoạt khi có sự cố xảy ra. Dù nếu có bình trên xe nhưng khi cố sự cố lại lúng túng, không thao tác kịp thì ai sẽ thay mình để xử lý đây?”, PGS.TS Xiêm đặt câu hỏi.
Đ.Huệ
(còn nữa)