Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang
Là mái ấm mơ ước của nhiều người thu nhập thấp, nhưng nhà ở xã hội đang trở thành 'miếng mồi béo bở' cho những kẻ lợi dụng sự cả tin của người dân để trục lợi. Thời gian gần đây, tại TP. Đà Nẵng, nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi đã bị phát hiện, cho thấy thực trạng đáng lo ngại trong giao dịch nhà ở xã hội…
Những chiêu trò “vẽ” nhà trên giấy
Mới đây, UBND quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) đã phát đi thông báo liên quan đến tình trạng giả mạo thông tin rao bán căn hộ tại dự án nhà ở xã hội An Trung 2 (phường An Hải Nam, quận Sơn Trà). Thông báo này được đưa ra sau khi chủ đầu tư dự án là Liên doanh Công ty Cổ phần Đức Mạnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 đã có văn bản gửi chính quyền địa phương và Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng nêu rõ sự việc.
Theo thông tin chính thức từ chủ đầu tư, dự án chung cư An Trung 2 gồm ba khối nhà A, B, và C. Trong đó, khối nhà C đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2019, còn hai khối A và B hiện đang trong quá trình xây dựng, chưa được mở bán. Tuy nhiên, trên nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt bài đăng quảng cáo, tư vấn, tiếp nhận hồ sơ mua căn hộ tại hai khối nhà này.
Đại diện chủ đầu tư dự án khẳng định, chưa tổ chức mở bán đối với hai khối nhà A và B, đồng thời cũng không ủy quyền, hợp tác hay liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân hay sàn giao dịch bất động sản nào để nhận đặt cọc, làm hồ sơ mua bán căn hộ. Bởi vậy, người dân cần hết sức thận trọng, chủ động kiểm tra kỹ các thông tin pháp lý liên quan để tránh sập bẫy lừa đảo.
Không phải đến bây giờ, tình trạng lừa đảo liên quan đến nhà ở xã hội tại Đà Nẵng mới xuất hiện. Trước đó, nhiều vụ việc đã khiến người dân rơi vào cảnh tiền mất tật mang, xuất phát từ nhu cầu thực tế về chỗ ở của các gia đình thu nhập thấp và sự thiếu thông tin về chính sách nhà ở.

Dự án nhà ở xã hội An Trung 2 đang trong quá trình xây dựng khối nhà A, B chưa mở bán, song trên thị trường đã xuất hiện thông tin rao bán.
Một trong những vụ việc điển hình xảy ra gần đây là trường hợp Phạm Ngọc Diệu Huyền (trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) bị Công an TP. Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ năm 2022 đến đầu năm 2024, Huyền đã thực hiện ít nhất 14 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của người dân có nhu cầu thuê nhà ở xã hội.
Thủ đoạn của đối tượng này là giới thiệu mình có “mối quan hệ” với các cán bộ Nhà nước, có khả năng “chạy suất” thuê, mua căn hộ nhà ở xã hội. Huyền còn khoe rằng chính căn hộ đang ở cũng là nhà được cấp theo diện chính sách. Với lời lẽ đầy thuyết phục và sự tự tin đóng vai người hiểu biết, đối tượng đã dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người.
Không chỉ có Phạm Ngọc Diệu Huyền, thời gian qua, cơ quan chức năng ở địa phương cũng ghi nhận nhiều đối tượng mạo danh là chủ đầu tư, nhân viên môi giới địa ốc, thậm chí “người quen” của cán bộ sở, ngành, tung tin về “suất ngoại giao”, “suất nội bộ”, “bao trọn gói”, “chạy giấy tờ”,... khiến nhiều người tưởng thật, đua nhau nộp hồ sơ và tiền cọc. Khi phát hiện bị lừa, mọi thông tin liên lạc với “người môi giới” đều… bặt vô âm tín.
“Siết” quản lý, tăng cường tuyên truyền
Trước tình trạng trên, mới đây, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã ban hành văn bản cảnh báo và hướng dẫn người dân cần hết sức cảnh giác. Đồng thời, Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở xã hội, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong giao dịch, kinh doanh bất động sản.

Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác khi có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng nhấn mạnh, việc bán nhà ở xã hội phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, không vượt quá giá bán đã được thẩm định và công bố. Việc ứng trước tiền mua nhà phải dựa trên hợp đồng mua bán, phù hợp với tiến độ xây dựng và tỷ lệ hoàn thành công trình. Các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu thuê hoặc mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ thông tin từ các nguồn chính thống, đặc biệt là từ Sở Xây dựng - đơn vị công bố danh sách các dự án đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, TP. Đà Nẵng cũng đang đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Theo kế hoạch, năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành bốn dự án với hơn 1.800 căn hộ và khởi công ba dự án mới, bổ sung thêm hơn 3.500 căn hộ. Đồng thời, một số dự án khác đang được xem xét phê duyệt, nâng tổng số lên 14 dự án với gần 10.000 căn hộ, một con số kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp trên địa bàn.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều biến động, việc phát triển nhà ở xã hội phải đi đôi với bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo, cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các kênh thông tin chính thống khi có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội, tránh để lòng tin của mình trở thành “miếng mồi ngon” cho những đối tượng lừa đảo tinh vi.