Mùa nước nổi quê tôi
Mùa nước nổi ở nhiều vùng là nỗi lo. Nhưng ở miền Tây quê tôi, mùa nước nổi lại được mong chờ nhất, bởi nó mang theo rất nhiều món quà trời ban mà không phải nơi nào cũng có.
Năm nào cũng vậy, tôi thường trông đợi những ngày nước nổi khắp cánh đồng quê mình. Những dòng sông, con kênh, cánh đồng chẳng còn khoảng cách giữa đôi bờ đê quanh co, khúc khuỷu, mọi thứ ngập chìm trong làn nước chở nặng phù sa từ thượng nguồn đổ về. Chỉ còn vài ngọn cỏ vượt nước, nhú lên rung rinh trong nắng gió.
Năm nay, mùa nước nổi đến muộn hơn mọi năm. Sản vật trời ban có vẻ ít đi, nhưng với những người nặng lòng với mùa nước nổi thì vậy cũng là niềm phấn khích rồi. Mỗi khi nhìn thấy trái cà na căng tròn chín mọng bán ở chợ trong mùa nước nổi lòng tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, nơi quê ngoại yêu dấu. Nhớ ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi hiếu động, thường leo lên cây cà na rung cho trái rụng xuống, rồi cả nhóm nhảy ùm xuống sông lượm trái, chấm muối ớt, ăn ngấu nghiến! Ngoại kể, không biết tự bao giờ những hàng cà na mọc xanh um dọc mép sông thân rễ bao bọc lấy nhau, bám đất mà nhờ có hàng cà na nên nền đất nhà ngoại không bị sạt lở, bông cà na có màu xanh khi nở bung có màu trắng. Những cơn gió thổi nhè nhẹ làm rơi những bông cà na làm trắng xóa cả dòng sông thơ mộng.
Những ngày nước nổi là những ngày tôi cùng má bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển, giữa bềnh bồng sóng nước, chiếc xuồng ba lá nhỏ chao nghiêng, cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm hai má con. Bỗng tiếng má từ mũi xuồng vọng lại: “Bây cứ ngồi yên, đừng có lắc, càng lắc là cái xuồng chìm luôn đó”. Nghe lời má tôi chẳng dám nhúc nhích. Thật vậy, sau đợt sóng to chiếc xuồng vững vàng, không lảo đảo nữa. Tôi lại nhớ bài hát "Bông điên điển": Với màu điên điển say mê/ Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân/ Trót thương tình nghĩa vợ chồng/ Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/ Tình thương em khó mà lường... Trên cánh đồng lúc này rợp sắc vàng tươi của bông điên điển. Một màu vàng rực sáng khắp chân trời mênh mông.
Mùa nước nổi cũng là mùa của cá linh non, khắp các chợ quê đâu đâu cũng có. Trong ca dao có câu: Nước không chân sao kêu nước đứng/ Cá không thờ sao gọi cá linh. Tôi nhớ hồi nhỏ, cha tôi hay chống xuồng ra đồng thả lưới cá linh, chừng lát sau cha đem về cả rổ cá tươi, cùng mớ rau muống đồng vượt nước. Má tôi từ chái bếp sau nhà bước ra, chặt cây mía, đập giập kho cá linh, bông điên điển nấu canh chua, rau muống đồng bóp xổi, bữa cơm chiều đạm bạc nhưng ấm lòng người dân quê cần cù, lam lũ.
Đến hẹn lại lên, mùa nước nổi là mùa bông súng ma nở rộ khắp cánh đồng tràn đầy con nước chở nặng phù sa. Dù mọc hoang nhưng bông súng có nguyên tắc tồn tại riêng. Nàng tiên ruộng đồng chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, mực nước càng cao bông súng càng vươn mình ngoi lên mặt nước, tỏa hương thơm ngát khắp cánh đồng. Cha tôi cùng mấy chú trong xóm lại hò nhau đi hái bông súng ma lúc sáng sớm. Hễ gặp cọng nào xanh non, tươi mà nhổ, làm sạch bùn đất. Cứ được đôi ba cọng cha tôi lại khoanh tròn đem về cho má.
Tôi chợt nhớ năm tháng xa xưa, cả nhà cùng nhau đi nhổ hẹ nước. Kêu là hẹ nước vì nó mọc dưới nước, ở trong các đồng ruộng phèn, gốc bám sâu dưới bùn đất, bụi hẹ vươn lên khỏi mặt nước và xòe ra xung quanh, lá tỏa ra dập dềnh, dập dềnh, uốn éo theo từng đợt sóng mỗi khi có cơn gió thổi qua làm mặt nước ruộng chao động, phập phồng. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi. Bông súng đem về lột vỏ, ngắt khúc, hẹ nước rửa sạch cắt rễ bỏ chấm vào mắm kho má nấu mà thành bữa cơm ngon lành mùa nước nổi...
Tất cả đã trở thành miền ký ức không thể phai nhòa trong tôi...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-nuoc-noi-que-toi-593141