Mùa quýt Jeju và giấc mơ chữa lành thương mại còn khắc khoải
Cuối mùa quýt tại Jeju, Hàn Quốc, 21 nhà lãnh đạo thương mại từ các nền kinh tế APEC tề tựu mang theo lo âu, hy vọng về hệ thống thương mại cần được chữa lành.
Jeju - Tháng 5/2025.
Cuối mùa quýt, gió biển Jeju mang theo hương thơm vừa dịu vừa buốt. Những trái quýt không còn rực vàng như tháng Giêng, nhưng lại để lại thứ hương vị lâu dài trong lòng người thưởng thức. Đúng lúc ấy, những nhà lãnh đạo thương mại từ 21 nền kinh tế APEC cùng tề tựu, mang theo những lo âu, nỗ lực, và hy vọng về một hệ thống thương mại đang cần được chữa lành.
Thế giới thương mại: Mùa gió ngược
Netflix vừa phát hành bộ phim “Khi cuộc đời cho bạn một quả quýt”. Chuyện phim nhẹ như một lát cắt thanh xuân: Ba con người ở ba độ tuổi gồm: Một cô gái bỏ phố về quê, một người đàn ông mất vợ, một cô bé mơ làm họa sĩ bị cấm đoán đang tìm lại chính mình nơi vườn quýt Jeju. Không cao trào, không bi kịch. Chỉ có những vết thương âm ỉ được xoa dịu bằng nụ cười, ánh nắng, và trái quýt vừa chua vừa ngọt.
Xem phim giữa không khí hội nghị, nhiều đại biểu thấy mình trong đó. Bởi hệ thống thương mại toàn cầu cũng đang tổn thương. Và như bộ phim, thế giới đang tìm một quả quýt, một biểu tượng của sự chữa lành.

Bộ phim Hàn Quốc “Khi cuộc đời cho bạn một quả quýt” nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả Việt Nam và quốc tế
Tại phiên khai mạc APEC 2025, con số được công bố khiến nhiều người lặng đi: Tăng trưởng kinh tế của 21 nền kinh tế APEC dự kiến chỉ còn 2,6% năm 2025, và 2,7% năm 2026 - giảm mạnh so với 3,6% năm 2024. Theo phân tích, báo cáo từ APEC, nguyên nhân chính là do căng thẳng thương mại leo thang và bất ổn chính sách gia tăng, khiến đầu tư suy giảm, chuỗi cung ứng rối loạn.
Đáng chú ý, Hội nghị APEC lần này chọn đúng hai “từ khóa” nhạy cảm nhất: AI và thương mại: AI đang vươn lên mạnh mẽ nhưng chưa có khung pháp lý toàn cầu. Thương mại đang bị vỡ từng mảnh, khi niềm tin vào các thể chế đa phương, đặc biệt là WTO ngày càng lung lay.
Thế giới cần một định hướng mới. Không phải tăng trưởng bằng mọi giá, mà là phát triển có trách nhiệm, có đạo lý và có khả năng chữa lành những rạn nứt kéo dài.
Việt Nam đến APEC 2025: Sức mạnh niềm tin
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT) diễn ra trong hai ngày từ 15/5 - 16/5, tại Jeju, Hàn Quốc. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có mặt tại Jeju với một lịch trình dày đặc bao gồm cả những chương trình chủ động và... bị động.
Như sáng 15/5, theo đề xuất từ phía Hoa Kỳ, Bộ trưởng làm việc với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC, gồm các tập đoàn hàng đầu như Google, Microsoft, Citi, Mastercard, Ups, Novelis... Ngay sau đó, cũng theo đề xuất của WTO, ông có cuộc gặp với bà Ngozi Okonjo - Iweala - Tổng giám đốc WTO… Điều đó phần nào cho thấy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và các định chế quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng cao.

Trong hai ngày 15 và 16/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có mặt tại Jeju với một lịch trình dày đặc bao gồm cả những chương trình chủ động và... bị động. Trong ảnh là hình Bộ trưởng Thương mại APEC tham dự APEC 2025
Cùng ngày, Bộ trưởng tiếp tục có hàng loạt cuộc tiếp xúc, làm việc như: Gặp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc; gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản; Dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - thành viên APEC (ASEAN Caucus); làm việc song phương với Thứ trưởng Thương mại Chile...
Ngày hôm nay 16/5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục có chuỗi làm việc: Phiên họp cấp Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT); tiếp xúc, làm việc với Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, dự phiên 3 của hội nghị RMT và kết thúc lịch trình bằng hội nghị song phương với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - ông Jamieson Greer.
Tất cả các cuộc gặp có nhiều lối mở thương mại nhưng đều xoay quanh thông điệp đối thoại, không đối đầu. Đàm phán, thay vì trả đũa. Cùng chữa lành, thay vì buông bỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên thảo luận 1, nhấn mạnh vai trò của APEC trong cân nhắc và giải quyết những rủi ro, thách thức để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC 2025, tại Phiên 1, với chủ đề về trí tuệ nhân tạo và phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Thương mại điện tử sẽ hiệu quả hơn với AI bởi nhờ khắc phục được rào cản ngôn ngữ và giảm thiểu chi phí tìm kiếm và khớp lệnh. Tất cả những điều này sẽ góp phần giảm chi phí, từ đó giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường toàn cầu hiệu quả hơn và tham gia sâu hơn vào thương mại quốc tế.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam hoan nghênh Sáng kiến AI APEC với tầm nhìn “Xây dựng tương lai bền vững với AI: Tăng trưởng kinh tế sáng tạo trên toàn châu Á - Thái Bình Dương”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chiến lược quốc gia về AI của Việt Nam đến năm 2030, đồng thời ủng hộ Sáng kiến AI APEC vì tầm nhìn “Xây dựng tương lai bền vững với AI”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên thảo luận thứ hai, nhấn mạnh APEC cần tiếp tục là ngọn cờ tiên phong trong hợp tác, là vườn ươm ý tưởng, sáng kiến mới về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương
Tại Phiên 2, là diễn giả mở đầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói thẳng: APEC phải tiếp tục là ngọn cờ tiên phong trong hợp tác, mở cửa và cải cách. “Chúng ta phải làm việc cùng nhau để củng cố và hiện đại hóa WTO, bao gồm việc khôi phục và nâng cấp hệ thống giải quyết tranh chấp, thúc đẩy các cuộc đàm phán quan trọng như thương mại điện tử và trợ cấp thủy sản” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Tôi xin khẳng định sự kiên định của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa phương. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các nền kinh tế APECđể đảm bảo rằng thương mại tiếp tục là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung trong khu vực và thế giới” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn công tác Việt Nam nhấn mạnh khi kết thúc bài phát biểu.

Trong Phiên thảo luận thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu, chia sẻ quan điểm về phát triển thịnh vượng thông qua thương mại bền vững
Tại Phiên 3 về thịnh vượng thông qua thương mại bền vững, các Bộ trưởng thương mại APEC bày tỏ quan ngại chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng bị đứt gãy ở nhiều khâu quan trọng do chịu tác động của cạnh tranh thương mại, xung đột địa chính trị, tình trạng biến đổi khí hậu...
Tại hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí duy trì và cải thiện chuỗi cung ứng bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy thương mại bền vững, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ chính sách và hành động của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành cùng khu vực tư nhân và các thành viên APEC trong việc thiết lập một môi trường thuận lợi cho phát triển chuỗi cung ứng bền vững, cùng nhau xây dựng một khu vực APEC năng động, kết nối sâu rộng và phát triển bao trùm.
Việt Nam không phát biểu suông. Phía sau là hai nghị quyết chiến lược đã được Trung ương ban hành như hai quả đấm thép trong “bộ tứ chiến lược” cho phát triển: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59)…
Hai nghị quyết ấy của Bộ Chính trị chính là ngọn cờ hành động cao nhất Việt Nam mang tới hiện thực hóa hai trục chủ đề APEC năm nay: AI và thương mại toàn cầu.
Không phải ngẫu nhiên, trong cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Miyaji Takuma đã bày tỏ sự khâm phục với tư tưởng kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam. Việt Nam không chỉ đi đúng hướng, mà còn đi trước trong chuẩn bị chiến lược.
Mùa quýt đã khép nhưng giấc mơ còn khắc khoải
Giữa các cuộc họp, các đại biểu được mời ăn quýt Jeju, loại quả đặc sản nổi tiếng từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Hàn Quốc.
Không ai nói to, nhưng trong ánh mắt, ai cũng hiểu: Quả quýt ấy không chỉ là sản vật, mà còn là biểu tượng của sự tử tế, văn hóa và sự mềm mại trong thương mại.
Hàn Quốc đã quảng bá quýt qua Netflix. Thương mại không chỉ là ký kết hiệp định mà là tạo cảm xúc, tin cậy và kết nối thật.
Hội nghị kết thúc trong không khí nhẹ nhõm hơn dù còn nhiều ánh mắt trăn trở của các đại biểu ra về. Tuyên bố chung được thông qua, không ai rút lui, không ai phản đối.
Không có kỳ vọng cao siêu, nhưng chính điều đó mới là chữa lành khi: Nhận diện đúng vết thương - Không đổ lỗi - Ngồi lại cùng nhau, như người nông dân và trái quýt Jeju kia, đơn giản, chân thành, và bền bỉ
Việt Nam, trong mùa quýt cuối cùng ấy, không phải là quốc gia phát biểu to nhất. Nhưng có lẽ chính là một trong những quốc gia để lại vị ngọt lâu nhất. Thế giới không thể thay đổi trong một hội nghị. Nhưng nếu có đủ người muốn chia nhau một quả quýt như các đại biểu APEC đã làm, thì có lẽ thương mại toàn cầu vẫn còn cơ hội được chữa lành.