Mùa quýt vàng Bắc Sơn

Trở lại 'châu xưa' trong ngày rộm nắng hanh vàng. Trên sườn đồi, núi, ruộng đồng nơi căn cứ cách mạng Bắc Sơn là hình ảnh bản làng với những màu tươi mới. Dịp này, mùa quýt vàng đặc sản địa phương đang vào vụ chín rộ.

Quýt vây quanh nhà, mùa vàng đã đến Ảnh: Doãn Tuấn

Quýt vây quanh nhà, mùa vàng đã đến Ảnh: Doãn Tuấn

“Lễ hội quýt vàng Bắc Sơn lần thứ 3 năm 2019 được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/12 nhằm quảng bá thương hiệu quýt vàng cũng như giới thiệu hình ảnh văn hóa Bắc Sơn, kết nối doanh nghiệp phát triển du lịch tại vùng căn cứ địa cách mạng”.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn

Tôi về huyện Bắc Sơn theo ngả từ thành phố Lạng Sơn đến phía đèo Tam Canh dài chừng 80km theo quốc lộ 1B.

Nhìn những nếp nhà sàn ấm khói tỏa cùng vườn cây ăn trái lúc lỉu khắp thung xa, cảm nhận một cuộc sống đủ đầy và ấm áp.

Quýt đặc sản

Bắc Sơn là huyện miền núi, nằm ở phía tây nam tỉnh Lạng Sơn, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940, nơi thành lập Đội du kích Bắc Sơn - Trung đội Cứu Quốc quân 1. Mảnh đất này không chỉ nổi tiếng với những địa danh lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh, người ta còn biết đến Bắc Sơn với loại quýt đặc sản.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Nằm ở độ cao 400m so với mực nước biển, Bắc Sơn thuộc vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành. Với nhiều dãy núi đá vôi chạy qua hầu hết các xã trong huyện, tạo nên các thung lũng bằng phẳng. Đó là những lợi thế và tiềm năng để Bắc Sơn phát triển ngành nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và các loại sản vật, hoa trái và một số loại cây ăn quả có múi trong đó có đặc sản quýt vàng.

Theo ông Tuấn, quýt Bắc Sơn quả tròn dẹt, chín có màu vàng tươi, sáng bóng, tép vàng, ăn giòn, vị ngọt đậm hơi chua chứa nhiều hàm lượng đường và vi ta min. Khi bóc quả quýt có mùi thơm đặc trưng của sản phẩm được trồng trong thung lũng, chân núi đá vôi. “Quả quýt địa phương có mùi thơm quyến rũ vì nó ẩn chứa trong đó hương trời, gió núi thiên nhiên ban tặng cho xứ Lạng. Nhiều người cho rằng, quýt Bắc Sơn có hương vị đặc trưng không ở nơi đâu có được và đây là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc Bắc Sơn”. Ông Tuấn tâm sự.

Hiện nay huyện Bắc Sơn có gần 600 ha cây quýt, số diện tích đến kỳ cho quả trên 360ha, mỗi năm thu hoạch trên 1.300 tấn quả, tổng giá trị thu về hơn 40 tỷ đồng mỗi năm. Vùng quýt tập trung nhiều ở các xã: Chiến Thắng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Long Đống, Vũ Sơn, Đồng Ý, Nhất Hòa, Nhất Tiến, Tân Hương, Vũ Lăng.

Chúng tôi men theo những rặng núi cao đến thăm thủ phủ quýt xã Chiến Thắng. “Lão nông” Phan Văn Hiền ở thôn Hồng Phong dẫn chúng tôi đến thăm vườn của gia đình ngay quanh nhà. Ông Hiền cho biết, ngày xưa quả quýt trồng để ăn, tự cung, tự cấp, sau thấy quả này ngon, lành, đẹp, nhiều người tìm đến dùng hàng đối lưu hoặc mua bán. Thế là ba thập kỷ qua, ngoài việc canh tác cây lúa, củ khoai truyền thống, người dân Chiến Thắng quan tâm, đầu tư để phát triển cây quýt đặc sản.

Ông Dương Công Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Noi gương nhau, người dân địa phương cùng “hạ sơn” cây quýt, đưa quả đặc sản này từ vùng núi đá cao hiểm trở về trồng ở nương, bãi, vườn, ruộng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, các cơ quan chuyên môn của huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích, hướng dẫn người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch và mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có gần 90 ha cây quýt, trong đó, có 37 hộ với 35 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hai trong một

Tháng 10/2017 quýt vàng Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Đây là cơ hội lớn để quýt vàng Bắc Sơn vươn xa đến mọi miền Tổ quốc, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Quốc Tuấn cho hay, nhận thấy các loại cây ăn quả có thể là sản phẩm du lịch, trải nghiệm tại các vườn cây ăn quả, Huyện ủy Bắc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 18/12/ 2015 về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Lễ hội Quýt Bắc Sơn 2019 hứa hẹn bội thu Ảnh: Doãn Tuấn

Lễ hội Quýt Bắc Sơn 2019 hứa hẹn bội thu Ảnh: Doãn Tuấn

Từ những “cẩm nang” này, các địa phương và người dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất thực hiện chương trình “làm giàu tại chỗ” như: Du lịch sinh thái kết hợp sản phẩm nông nghiệp, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, du lịch khám phá trải nghiệm. “Vùng quýt vàng trong dịp này du khách đến tham quan, được gia chủ hướng dẫn cách thu hái, chọn lựa quả mà mình ưng ý rồi được học cách bảo quản, sử dụng và bài trí mâm quả cúng theo phong tục người Tày một cách đẹp mắt, hợp phong thủy”. Ông Tuấn nói.

Điểm mạnh ở vùng cứ địa Bắc Sơn là nơi có dãy núi đá vôi có nhiều di tích cổ, hùng vĩ, tiềm ẩn nhiều điều kỳ thú. Nhất là ở xã Chiến Thắng, gần đây có rất đông khách trong nước, quốc tế đến du lịch tham quan, nghỉ dưỡng. Điển hình như hang KeengTao, nằm trên địa bàn thôn Hoan Trung 1 với chiều dài trên 300 m, vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, kỳ ảo, gây ấn tượng đặc biệt với du khách. Dòng nước tự nhiên từ lòng núi chảy xuyên qua hang tạo thành dòng suối Mỏ Mắm ngày đêm róc rách khiến cho không gian trở nên sinh động, hấp dẫn vô cùng.

Một điểm nữa không kém phần đặc sắc là vườn quýt Hang Hú. Leo qua một hẻm núi cao chừng 20 m, một vườn quýt đẹp như cổ tích hiện ra trước mắt. Chủ vườn là ông Hoàng Công Vinh, một cựu chiến binh đã khai phá, trồng vườn quýt trên 2 ha từ cách đây 30 năm. Gần đây, được sự vận động của huyện Bắc Sơn, phòng Văn hóa - Thông tin, ông Vinh đã kết hợp mô hình sinh thái nông nghiệp và du lịch. Du khách tới thăm vườn quýt vào mùa trái chín có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của quýt tại vườn, mua quýt về làm quà, thưởng thức các món ẩm thực mang đậm hương vị của đồng bào dân tộc.

“Nếu như ngày xưa chỉ bán được quả quýt với giá 20 đến 25 ngàn đồng/kg, thì nay khách đến tận nhà, không mất công vận chuyển, tôi bán được giá cao gấp đôi, gấp ba. Nhiều hôm “cháy hàng” không đủ cung ứng cho khách". Ông Vinh phấn khởi tâm sự.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, cho rằng, để quýt vàng Bắc Sơn thực sự trở thành cây làm giàu thì việc tuân thủ cách trồng, chăm sóc, thu hái quả đảm bảo quy trình kỹ thuật với mục tiêu tạo ra một vùng sản xuất quýt đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường được đặt ra hàng đầu. Huyện chú trọng cung ứng hệ thống lo-go tem nhãn, bao bì cho sản phẩm quýt mang nhãn hiệu tập thể đồng thời quy hoạch mở rộng diện tích vườn cây ăn quả đặc sản, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nông - lâm nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - du lịch sinh thái.

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/mua-quyt-vang-bac-son-1495039.tpo