Mưa rả rích cả ngày, một khu vực ở Hà Nội thành 'ốc đảo'
Một khu dân cư gần đường Võ Chí Công (Hà Nội) chịu cảnh biến thành 'ốc đảo' vì mưa kéo dài, xung quanh không có điểm thoát nước. Chiều 23/7, nhiều gia đình đã phải kê dọn đồ đạc, sơ tán đi nơi khác ở nhờ.
Trận mưa kéo dài cả ngày 23/7 do ảnh hưởng của bão số 2 đã khiến một khu dân cư bên đường Võ Chí Công (Hà Nội) bị ngập nặng.
Khu dân cư này thuộc địa phận giải tỏa để làm đường lớn nhưng chưa thực hiện xong thỏa thuận đền bù nên nhiều gia đình vẫn còn ở lại sinh sống.
Trong sân nhà bà Sáng, nước dâng đến tận cửa. Người phụ nữ cao tuổi cho biết, đây là nơi sinh sống của hơn chục thành viên trong gia đình. "Bắt đầu từ năm ngoái, khu vực này bị ngập do công trình giao thông bên cạnh đã lấp mất ao gần đây khiến không còn chỗ thoát nước. Mỗi khi mưa lớn con ngõ lại dềnh nước lên. Thậm chí, vì thuộc khu vực giải tỏa nên không có đường nước sạch", bà Sáng nói.
Anh Phương sống cạnh khu vực này cho biết, tình trạng ngập đã kéo dài 2 ngày nay, không giảm. "Tôi mới chuyển về đây nên không rõ nguyên nhân. Tôi tưởng cống tắc đã cầm chổi ra đường dọn rác nhưng rồi được biết không có cống thoát nước, đành bất lực và đi về", anh nói.
Chị Hương (26 tuổi) thuê một căn trọ nhỏ với giá 1 triệu đồng. Từ hôm trước tới nay, mưa liên tiếp, nước tràn cả vào phòng trọ. 16h ngày 23/7, trong nhà đã ngập tới đầu gối.
Buổi chiều khi hết giờ làm việc, chị Hương trở về nhà thu dọn đồ đạc rồi gói ghém quần áo qua nhà bạn để ở nhờ. "Các gia đình thuê trọ lẫn chủ nhà cũng đã rời đi vì ngập cao quá không thể ở được. Khu vực này không có điểm thoát nước, nếu hết mưa cũng phải mất 2-3 ngày nước mới rút hết", chị Hương nói.
Khung cảnh dãy trọ bị bủa vây bởi nước mưa ngâp chiều 23/7.
Khu vực ngập nặng, nước dâng cao chừng 60cm.
Trong sân của các gia đình thuộc khu vực trũng lúc này cũng ngập nước.
Nước dâng quá nửa bánh xe, các phương tiện được khóa cổ, phủ chiếu khi chủ nhân đi nơi khác lánh tạm.
Nhiều người chật vật khi đi qua khu vực này. Điểm ngập thấp nhất chừng 15cm.
Một chiếc máy bơm công suất lớn liên tục hoạt động để hút nước mưa từ khu dân cư ra nhưng không xuể.