Đô thị
Rồng là linh vật tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa, gắn liền với các truyền thuyết của văn hóa Việt Nam, đã được cha ông ta tìm tòi phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Qua các tài liệu nghiên cứu, múa rồng có từ thế kỷ thứ 10, thời Lý. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ngày nay có ít nhất hơn 30 điệu múa rồng chính thức, xuất hiện ở nhiều địa phương.
Tại Hà Nội, phong trào luyện tập và biểu diễn múa rồng hiện đang phát triển mạnh tại các quận Huyện. Múa rồng phổ biến ở nhiều vùng, đặc biệt là các vùng: Sơn Tây, làng Triều Khúc, Thanh Trì, Ngọc Hồi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Từ Liêm… Nhiều làng vào dịp hội hè, lễ Tết còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… tạo cho không khí cho lễ hội truyền thống thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh của cư dân nông nghiệp đất Việt.
Hình tượng rồng tượng trưng cho sự cao quý và quyền uy của vua chúa. Đối với văn hóa Việt cổ, hình tượng rồng còn gắn liền với truyền thuyết con rồng cháu tiên và là sự gửi gắm ước mong về mưa thuận, gió hòa, gắn với văn minh lúa nước lâu đời.
Múa rồng đòi hỏi người múa luyện tập rất công phu mới có thể phối hợp nhịp nhàng khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, rồng đảo lại phô diễn thần oai.
Nếu như múa lân – sư chỉ cần 2-3 người thì múa rồng đòi hỏi ở mức độ hoành tráng hơn, có thể lên tới 20-30 người. Có con rồng chỉ khoảng 5m nhưng có những con rồng có thể dài hàng chục mét.
Các màn múa rồng không chỉ xuất hiện trong lễ hội mà còn được trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của thành phố như một niềm tự hào.
Theo nhiều tài liệu, múa rồng được cho là du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 20. Múa rồng Việt Nam ngoài biểu diễn vẻ đẹp còn chứa đựng trong đó những đặc trưng của võ thuật cổ truyền dân tộc Việt.
Ở Việt Nam hiện vẫn truyền cả ba loại là Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào sào tre để múa, Rồng tròn được làm bằng giấy cứng, có bụng tròn và dài, Rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không để biểu diễn.
Rồng dù thể hiện thần oai nhưng đầu rồng vẫn có những chi tiết khiến con rồng có phần hiền hòa hơn, thể hiện trong đó sự tươi vui. Nhiều đội múa rồng còn cách điệu đầu rồng, tạo thành những con rồng rất vui nhộn và thân thiện, được trẻ nhỏ yêu thích.
Hà Nội hiện nay có hàng chục CLB múa rồng, các huyện như: Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ... có phong trào múa rồng phát triển.
Ngày nay, việc các câu lạc bộ múa rồng được thành lập và phát triển vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn những điệu múa cổ, nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.
Khánh Huy