Mưa rửa đền

Năm nào cũng vậy, cứ trước và sau ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) là đất trời Phú Thọ lại đổ mưa. Người ta gọi đó là những cơn mưa rửa đền, mát mẻ và sạch sẽ.

Thường là vào khoảng ngày 7-3 đến 9-3, mưa rửa đền để đón du khách về dâng hương các vua Hùng vào ngày chính hội. Lễ hội xong sẽ lại có mưa vào các ngày 11-3 đến 13-3 làm sạch sẽ môi trường để trả lại vẻ đẹp linh thiêng cho Đền Hùng. Bà tôi nói mưa rửa đền gắn liền với nghi thức làm lễ "mộc dục" trong các tín ngưỡng thờ cúng cổ xưa. Tức là tắm tượng và các đồ thờ, linh khí chốn đền miếu trước khi tiến hành các nghĩ lễ trong mùa lễ hội. Với mục đích làm cho không gian cúng tế được thanh tịnh, trang nghiêm. Tôi không biết những điều bà kể thật hư ra sao nhưng người dân Đất Tổ quê tôi vẫn luôn coi mưa rửa đền là một điều may mắn, linh thiêng.

Bởi vậy từ lúc bé tôi giữ thói quen cùng bà chờ đợi mưa tháng ba như một điều thú vị đầy bí ẩn của thiên nhiên. Mưa có thể to, có thể nhỏ. Có thể dù những ngày trước đó thời tiết đầu hè nóng nực, oi ả thế nào thì đến hẹn trời vẫn sẽ đổ mưa. Đám trẻ con reo lên thích thú khi thấy mưa lộp độp mái nhà, tràn xuống sân, thấm đẫm trên những tán cây xanh mướt. Bà tôi bắc ghế ngồi ở đầu hiên nhà kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện tương truyền. Tôi nằm gối đầu lên chân bà, lim rim nghe tiếng bà lẫn trong tiếng mưa rơi. Đền Hạ dần hiện ra trong tâm trí tôi, về nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Đền Trung là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên, họp bàn việc nước. Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng, trông giống chiếc đầu rồng hướng về phía nam. Mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, cùng với núi Hùng tạo thành ba đỉnh “tam sơn cấm địa”. Qua lời kể của bà, từng cây đại, cây thông, chò nâu, vạn tuế… mọc tự nhiên trong rừng quốc gia Đền Hùng đều có linh hồn. Kể từ khi còn là những hạt mầm chúng đã được ấp ủ bởi nhiều địa tầng lịch sử và là nhân chứng của biết bao biến cố thăng trầm dân tộc. Mắt bà nhìn xa xăm trong màn mưa, miệng ngâm nga: "Đu tiên mới dựng năm nay/ Cô nào hay hát kỳ này hát lên/ Tháng ba nô nức hội đền/ Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay/ Dạo xem phong cảnh trời mây/ Lô, Ðà, Tam Ðảo cũng quay đầu về…”

Bà tôi mất đã lâu. Nhiều năm nay tôi đợi mưa rửa đền như là đợi những ký ức về bà thức giấc. Bà thường mở nắp chiếc chum to đặt ở góc sân để hứng mưa xin lộc. Nước mưa đó bà mang pha chè cho ông uống. Bởi mưa rửa đền thường là mưa rào, nước trong và ngọt. Kết hợp với những búp chè xuân vừa đậm đà vừa thơm mát mới chiều được cái thú thưởng trà của ông. Hơn nữa với bà từng giọt mưa rửa đền đều đáng quý. Bởi nó gắn liền với hiện tượng tâm linh thiêng liêng, kỳ bí. Bà thường nói: “Mưa cho mát mày mát mặt. Mưa cho thấm đẫm ruộng đồng”. Tiếng bà cười hiền khô, bao dung cả trầm luân một kiếp. Trong chuyến đi cuối đời, một cơn mưa rửa đền đã tiễn bà về thế giới bên kia. Tôi ngồi lại với cơi trầu còn nồng mùi vôi mới mà nhớ bà đến thắt ruột gan. Giờ cứ mỗi tháng ba âm lịch có dịp về thăm nhà tôi thường đứng hồi lâu ở ngoài hiên nhớ về những năm tháng xa xưa. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh bà ngồi ngắm trời mưa, miệng nhai trầu bỏm bẻm nhẩn nha với ca dao: “Khắp nơi con cháu ba kỳ/ Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài/ Sở cầu như ý ai ơi/ Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba".

- Nguồn qdnd.vn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/202204/mua-rua-den-183509