Mua sắm online tăng vọt, giao dịch thương mại điện tử cần cơ chế bảo vệ chặt chẽ

Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng kéo theo sự gia tăng giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, quyền lợi người tiêu dùng đang đối mặt nhiều rủi ro, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ hiệu quả và kịp thời.

Thương mại điện tử (TMĐT) đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, trở thành một cấu phần quan trọng trong đời sống tiêu dùng hiện đại.

Tăng trưởng mạnh mẽ, mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ 18 - 25%/năm. Quy mô thị trường năm 2024 được ghi nhận đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Xu hướng mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến nhờ sự tiện lợi, đa dạng hàng hóa và giá cả cạnh tranh phần nào do doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành (như mặt bằng, nhân sự). Đáng chú ý, hình thức bán hàng qua livestream ngày càng thịnh hành, đặc biệt thu hút thế hệ trẻ bởi ảnh hưởng từ KOLs (người có sức ảnh hưởng) và những người nổi tiếng trên mạng xã hội.

 Nhu cầu mua sắm qua thương mại điện tử ngày càng phát triển. Ảnh: Thu Hà

Nhu cầu mua sắm qua thương mại điện tử ngày càng phát triển. Ảnh: Thu Hà

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của TMĐT cũng đặt ra nhiều vấn đề. Các hình thức gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… ngày càng tinh vi.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, thực trạng nhiều trường hợp người tiêu dùng thường rơi vào thế yếu do thiếu thông tin và không biết cách bảo vệ mình khi gặp rắc rối trong giao dịch trực tuyến. Việc giao dịch trên nền tảng số cũng khiến quá trình xử lý tranh chấp trở nên phức tạp hơn, nhất là với các giao dịch xuyên biên giới.

Theo thống kê từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 64 vụ việc khiếu nại liên quan đến TMĐT, chiếm gần 10% tổng số vụ tiếp nhận. Lực lượng quản lý thị trường cũng ghi nhận hơn 3.400 vụ vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, trong đó có tới 1.256 vụ liên quan hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ. Số tiền xử phạt hành chính khoảng 1,9 triệu USD, còn giá trị hàng hóa bị thu giữ gần 2 triệu USD.

Người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ quyền lợi

Nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) đã bổ sung nhiều quy định quan trọng về quản lý giao dịch trên không gian mạng.

Luật quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, bao gồm sàn TMĐT và nền tảng số trung gian. Các chủ thể này phải công khai thông tin người bán, đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm/dịch vụ, thiết lập cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại. Thông tin cá nhân và lịch sử giao dịch của người tiêu dùng cũng được bảo vệ.

Luật cũng đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và khởi kiện tại tòa án, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, mô hình kinh doanh trên nền tảng số hiện nay “thiên biến vạn hóa”, khiến việc xác định chủ thể vi phạm và hành vi sai phạm trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người tiêu dùng, một yếu tố sống còn trong môi trường số, cũng đặt ra nhiều áp lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích họ mạnh dạn lên tiếng khi phát hiện vi phạm, dù là nhỏ nhất, để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời vào cuộc.

“Về phía người tiêu dùng, hãy mạnh dạn lên tiếng để tự bảo vệ quyền lợi của mình, từ đó cơ quan quản lý, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ vào cuộc”, ông Trung nhấn mạnh.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, với mục tiêu tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/mua-sam-online-tang-vot-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-can-co-che-bao-ve-chat-che-post844420.html