Mua sắm online thay đổi thế nào khi hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bị đánh thuế?
Từ ngày 18/2, mua sắm hàng nhập khẩu giá rẻ qua thương mại điện tử sẽ không còn như trước. Giá sản phẩm nhiều khả năng sẽ tăng lên, các sàn thương mại điện tử phải thay đổi chính sách, và người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi đặt hàng từ nước ngoài.
Từ hôm nay, theo Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.000.000 đồng qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế nhập khẩu.
Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp tạo môi trường thương mại công bằng hơn, tăng nguồn thu ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một số điều chỉnh mà người tiêu dùng cần lưu ý, đặc biệt với những ai thường xuyên mua sắm hàng hóa giá trị nhỏ từ nước ngoài.

Hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.000.000 đồng qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế nhập khẩu.
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị thấp được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo. Những mặt hàng này chủ yếu là phụ kiện điện thoại, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói, đồ dùng gia đình giá rẻ…
Với quy định mới, tất cả những mặt hàng này sẽ phải chịu thuế VAT (10%) và có thể thêm thuế nhập khẩu tùy loại sản phẩm (khoảng 5 - 30%). Điều này có nghĩa là giá sản phẩm nhập khẩu giá rẻ có thể tăng ít nhất 10 - 40% so với trước đây.
Ví dụ, một chiếc ốp điện thoại giá 50.000 đồng trước đây chỉ phải trả tiền hàng và phí ship. Từ 18/2, nếu áp dụng thuế VAT 10% và thuế nhập khẩu 5%, giá có thể lên tới 58.000 đồng hoặc hơn. Một bộ quần áo trẻ em giá 200.000 đồng, sau khi tính thêm thuế, có thể tăng lên 230.000 - 250.000 đồng tùy thuộc vào thuế suất nhập khẩu. Mức điều chỉnh này không quá lớn nhưng với những đơn hàng nhỏ lẻ, tổng chi phí có thể tăng đáng kể nếu người tiêu dùng không tính toán kỹ khi mua sắm.
Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người tiêu dùng ưa chuộng hàng giá rẻ nhập khẩu, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp – những người thường xuyên săn hàng trên các sàn thương mại điện tử.
“Tôi thường tìm mua quần áo, phụ kiện thời trang của shop Trung Quốc trên Shopee vì mẫu mã đa dạng, giá thành vừa túi tiền. Nếu sau này giá cả tăng lên, tôi sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trong việc chi tiêu của mình”, chị H. (26 tuổi, Hà Nội) cho biết và nói thêm, thường chi tiêu khoảng trên dưới 1.000.000 đồng cho việc mua sắm online mỗi tháng.
Theo ThS. LS. Huỳnh Thị Mỹ Hằng, Công ty Luật Anh Sĩ, trước đây, việc mua sắm trực tuyến thường diễn ra nhanh chóng, thuận tiện mà không cần cân nhắc quá nhiều về chi phí. Tuy nhiên, khi giá cả tăng lên, người tiêu dùng sẽ có xu hướng xem xét kỹ lưỡng hơn trước khi mua hàng.
“Đối với sản phẩm giá trị nhỏ, như phụ kiện điện thoại hay đồ trang trí, người tiêu dùng sẽ cân nhắc liệu giá trị thực sự của sản phẩm có đáng để chi trả thêm khoản thuế GTGT hay không. Thói quen mua sắm "tiện tay" trên các nền tảng như TikTok, Shopee, Lazada,… có thể sẽ giảm, thay vào đó là sự thận trọng hơn trong các quyết định chi tiêu”, bà Hằng nhận định.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc các nhà bán Trung Quốc cố gắng duy trì mức giá và lợi thế cạnh tranh bằng mọi cách như giảm chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng.
Ngoài yếu tố về giá, thay đổi chính sách thuế còn mở ra cơ hội cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo báo cáo từ Metric, năm 2024, sản phẩm đạt doanh số cao nhất trên các sàn thương mại điện tử lớn là Táo đỏ Tân Cương - một sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm qua, người tiêu dùng Việt đã chi đến 322 tỷ đồng để mua loại quả sấy khô này.
Với quy định thuế mới, giá táo đỏ có thể tăng, tạo cơ hội cho các sản phẩm tương tự từ nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, một số ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng cũng có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao sức cạnh tranh.
Nếu các doanh nghiệp nội địa có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện giá thành và kênh phân phối, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn hợp lý thay vì phụ thuộc vào hàng nhập khẩu giá rẻ.