Mùa săn bồ kết rừng
Từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, người dân Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, vào rừng tìm cây bồ kết để hái quả, bán cho doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm. Bồ kết rừng cho người dân thêm nguồn thu nhập, đồng thời giảm tác động vào rừng, giảm phá rừng làm nương rẫy.
Tranh thủ những ngày ngớt việc trên nương rẫy, Hồ Văn Chảo (25 tuổi), trú thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, cùng vợ mang gùi vào rừng tìm bồ kết, tăng thêm thu nhập. Cả hai đi xe máy đến bìa rừng, giấu xe vào một bụi cây rậm rồi đi bộ vào rừng.
Sau hơn một tiếng đi bộ, cả hai đến cây bồ kết đầu tiên. Bồ kết cao 10-15m, thân gỗ, gốc đầy gai nhọn sắc bén. Anh phải tìm một cây khác bên cạnh trèo lên rồi mới đu người qua cây bồ kết. Đung đưa trên ngọn cây 8-10 m, anh Chảo cầm lấy sào tre dài chừng 5 m do vợ đưa lên rồi chọn những quả bồ kết già, hạt to, chắc, màu xanh đậm bẻ rơi xuống đất. Bên dưới, vợ Chảo nhặt bồ kết rơi giữa bụi cây.
“Hái bồ kết phải đi vào rừng xa rất vất vả. Cây bồ kết có nhiều gai nên rất dễ bị đâm thủng tay chân”, anh Chảo nói. Có hôm, trời mưa, cây ướt, anh suýt trượt chân, may bám lại được vào cành cây nên không rơi từ ngọn cây xuống đất. Hái xong cây thứ nhất cũng vừa trưa, hai vợ chồng dùng bữa giữa rừng rồi đi tiếp đến cây khác. Cuối giờ chiều, hai vợ chồng hái được 100 kg bồ kết tươi. Cả hai vặt sạch cành lá cho nhẹ rồi đóng vào gùi đưa về nhà. Tuy vậy, không phải khi nào vào rừng cũng hái được bồ kết. Nhiều cây bồ kết bị sóc ăn hết hạt nên hái về ít giá trị, hoặc có cây quả non chưa hái được, có cây đã bị người khác thu hoạch. Năm ngoái, vợ chồng anh Chảo kiếm được 4,2 triệu đồng từ bán bồ kết.
Tương tự, chị Hồ Thị Hèng (29 tuổi), trú ở thôn Trăng Tà Puồng, thường rủ hàng xóm vào rừng hái bồ kết. Ban đầu, Hèng tìm những cây bồ kết quanh nương rẫy, nhưng càng về sau càng đi xa hơn. Người Vân Kiều tính tình thật thà, bồ kết mọc quanh nương của ai thì người đó khai thác chứ không tranh giành nhau. Năm ngoái là lần đầu doanh nghiệp thu mua bồ kết, người dân đi thu hái muộn nên sản lượng thấp. Hèng tự tin cho hay sản lượng năm nay đạt khoảng 500 kg, gấp 5 lần so với năm ngoái.
Không chỉ người trẻ, bà Hồ Thị Hồng (60 tuổi), cũng vào rừng tìm bồ kết. Không tự trèo hái được, bà Hồng tìm cây bồ kết rồi về bản nhờ thanh niên lên hái giúp, trả tiền công 150- 200 nghìn đồng tùy sản lượng. Có hôm, bà tìm được cây bồ kết lớn, nhờ người lên rừng hái được 70 kg tươi.
Là nguồn thu không thường xuyên nhưng mang lại niềm vui rất lớn cho người dân nơi đây. Năm 2021, hơn 100 hộ dân Trăng Tà Puồng thu về 100 triệu đồng từ tiền bán bồ kết rừng. “Mình có thêm tiền để mua sắm áo quần, cặp sách cho con và một số đồ dùng chuẩn bị tết”, chị Hèng nói. Chung niềm vui, bà Hồ Thị Hồng bộc bạch sau khi nhận thanh toán tiền bồ kết từ doanh nghiệp: “Mẹ lớn tuổi rồi, có được chừng này tiền là rất quý. Mẹ mua thêm tấm chăn ấm đắp qua mùa đông”.
Cuối năm 2021, một doanh nghiệp từ TP. Đông Hà lên Hướng Lập tìm mua quả bồ kết rừng, tạo thêm nguồn thu cho người dân. Năm 2021, đơn vị này thu mua một tấn bồ kết khô, do thu mua muộn, người dân không kịp thu hái và chưa phát hiện được nhiều cây. Bồ kết hái về phải phơi thật khô, từ 5 đến 10 ngày tùy thuộc có nắng hay không. 50 kg bồ kết tươi cho 20 kg khô. Giá bán bồ kết khô là 80.000 đồng/kg. Đại diện doanh nghiệp thu mua bồ kết cho hay dự kiến sản lượng năm nay đạt 3-5 tấn khô, mang về cho hơn 100 hộ dân nguồn thu khoảng 400 triệu đồng.
Hướng Lập là huyện biên giới giáp với nước bạn Lào, nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị. Xã này còn diện tích rừng nguyên sinh khá lớn, rải rác trong rừng là cây bồ kết lâu năm, cho nhiều quả. Ông Bùi Công Thừa, kiểm lâm địa bàn xã Hướng Lập cho hay khảo sát sơ bộ, vùng này có 180 cây bồ kết, phân bố ở vùng núi đá vôi. Trong đó, khoảng 50 cây lớn, đường kính 30-40 cm, cho thu hoạch 200 kg hạt khô mỗi vụ. Bồ kết ba năm tuổi sẽ cho quả bói, ra hoa vào mùa hè, thu hái vào cuối năm âm lịch.
Từ khi bồ kết được thu mua, kiểm lâm, chính quyền và người dân bảo vệ để thu hái bền vững quả bồ kết. Ngoài ra, người dân cũng đang tự nhân giống, trồng thêm bồ kết quanh nương rẫy để tăng nguồn thu. Có thêm nguồn thu từ trái bồ kết khiến người dân giảm xâm hại rừng, không phá rừng làm nương rẫy. “Đây là cơ hội thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây bồ kết, tạo thêm sinh kế”, ông Thừa nói.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/mua-san-bo-ket-rung/177702.htm