Mùa săn ruốc biển kiếm tiền triệu mỗi ngày, ngư dân hy vọng một cái Tết đủ đầy
Những ngày giáp Tết, nhiều vùng biển ở Khánh Hòa tấp nập cảnh thuyền cào ruốc biển, sản lượng ruốc các thuyền đưa vào bờ bao nhiêu được bán hết bấy nhiêu.
Nhộn nhịp mua bán ruốc biển
Có mặt tại một số xã, phường ven biển ở Khánh Hòa như Ninh Thủy, Ninh Hải (Ninh Hòa), Vĩnh Trường (Nha Trang)… những ngày này, không khí mua bán ruốc biển rất nhộn nhịp. Từng sọt ruốc chuyển từ các khoang thuyền lên bờ là có xe của các thương lái chờ sẵn mua và chở đi tiêu thụ.
Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng hơn 3 giờ sáng là đàn ông một số làng biển ở Ninh Hòa lại mang theo dụng cụ cào ruốc rong thuyền ra biển, nếu cào ở gần bờ thì 11 giờ là thuyền có thể chở ruốc vào, rồi lại tiếp tục đi cào ruốc chuyến thứ 2 trong ngày. Nếu cào ruốc ở vị trí xa bờ thì mỗi chiếc tàu chỉ ra khơi và cập bờ 1 chuyến/ngày. Hiện có trên 100 gia đình ở Ninh Hòa chuyên làm nghề cào ruốc.
Một số thuyền cào ruốc ở Ninh Hòa không bán cho thương lái thì sẽ được các gia đình chia nhau về phơi khô để dành ăn hoặc bán trong các thời điểm khác trong năm.
Ngư dân Lê Thanh Thảo bộc bạch: "Phụ nữ ở các làng biển như chúng tôi thì trực sẵn trên bờ, khi cánh đàn ông đưa thuyền chở ruốc vào thì khiêng từng sọt ruốc lên giao cho thương lái. Thông thường, mỗi chiếc tàu đi cào ruốc có 5-7 người đàn ông, đại diện từ 2 đến 4 hộ gia đình, sản lượng ruốc cào được sẽ phân chia hợp lý, nếu không bán ruốc tươi thì phơi khô. Nhưng vào thời điểm này đa số ngư dân bán ruốc tươi để kiếm tiền ăn Tết".
Miệt mài cào ruốc trên vùng biển Ninh Hải (Ninh Hòa, Khánh Hòa) từ giữa tháng 1 đến nay, ngư dân Lê Văn Mây vui mừng chia sẻ: "Ruốc ở vùng biển này rất sạch nên được nhiều nơi ưa chuộng. Ruốc thường bơi lơ lửng ở độ sâu khoảng 3m, chúng tôi dùng lưới dày để kéo (cào) sao đó dùng vợt xúc bỏ vào những chiếc sọt đã chuẩn bị sẵn trên thuyền.
Ruốc cào được không chỉ bán ở các chợ mà còn được thương lái đưa vào siêu thị, các chợ lớn. Mùa cào ruốc chỉ rộ trong khoảng 2 tháng là tháng 12 và tháng Giêng âm lịch, đây cũng chính là khoảng thời gian biển lặng, không có sóng lớn nên thuận tiện cho việc cào ruốc".
Nhờ tiền bán ruốc mà sơn, sửa lại được chiếc tàu, ngư dân Nguyễn Đậm (Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng chia sẻ, hai cha con tôi mới cào ruốc hơn 10 ngày nay mà đã thu được sản lượng gần 1 tấn, bán tại chỗ với giá 35.000 đồng/kg thu về được hơn 30 triệu đồng. Sau khi dùng tiền này để sơn, sửa tàu thì tiếp tục đi cào ruốc để kiếm tiền ăn Tết. Thời tiết cứ thuận lợi như hiện nay thì từ giờ đến lúc nghỉ Tết, gia đình tôi kiếm được ít nhất 30 đến 40 triệu đồng nữa.
Không chỉ ngư dân Nguyễn Đậm mà hàng chục gia đình khác ở Ninh Thủy cũng kiếm bộn tiền nhờ đi cào ruốc.
Ngày càng nhiều người thích ruốc biển
Cũng như trên các vùng biển Ninh Hòa, nhiều ngư dân ở Vĩnh Trường (Nha Trang, Khánh Hòa) đã cải thiện được đời sống, có thêm thu nhập để sắm sửa đồ đạc mới trong dịp Tết nhờ cào ruốc.
Làm nghề cào ruốc đã nhiều năm nay, ông Trần Thông (Vĩnh Trường, Nha Trang) tâm tình: "Mùa cào ruốc năm nay hứa hẹn thu được sản lượng nhiều hơn các năm trước. Ruốc ở Khánh Hòa ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Thế nên, gần Tết năm nay đã có hàng chục cửa hàng, thương lái đến đặt tiền trước để mua ruốc. Trung bình tháng giáp Tết, tiền bán ruốc cào được mỗi ngày khoảng 600.000-900.000 đồng.
Chuyên thu mua ruốc ở Ninh Thủy, Ninh Hải (Ninh Hòa) để bán vào các siêu thị, chợ, thương lái Trần Thị Trang chia sẻ, ruốc nhiều người mua, nhất là trong dịp Tết vì dễ bảo quản, có thể dùng để nấu canh mướp, khổ qua, rau nhớt, rau tập tàng, bầu, bí. Ruốc cũng có thể xào với lá hẹ, cà chua…
Thông thường, ruốc sau khi mua về, các thương lái rửa sạch, đóng vào từng túi hoặc hộp bảo quản trong tủ lạnh và đi giao cho các mối hàng khác như siêu thị, hộ gia đình…
"Có năm hàng loạt gia đình trên tận Tây Nguyên đặt hàng chục hộp ruốc, mỗi hộp trên 1kg để dành chế biến các món ăn trong dịp Tết. Ruốc đông người mua khiến cả thương lái và ngư dân đều vui mừng"- chị Trần Thị Trang bộc bạch.