'Mùa show' tôn vinh văn hóa truyền thống

Các bạn trẻ đã tạo một 'mùa show' nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống, hướng tới phục vụ ngành công nghiệp văn hóa.

Talkshow 'Gấm hầu' được sinh viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật tổ chức nhằm lan tỏa văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ.

Talkshow 'Gấm hầu' được sinh viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật tổ chức nhằm lan tỏa văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ.

Nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống, nhóm sinh viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức loạt show, tour kết nối công chúng với các loại hình văn hóa độc đáo.

Từ xẩm, then đến ẩm thực cung đình

TS Hoàng Thị Thu Hà cho biết, trong tháng 6/2024 nhiều chương trình và sự kiện văn hóa đặc sắc được sinh viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật tổ chức nhằm đem đến cho công chúng những góc nhìn văn hóa sâu sắc và mới mẻ.

Trong đó, triển lãm kết quả học tập của 232 sinh viên thiết kế sáng tạo với rất nhiều tác phẩm đẹp và chỉn chu đã cho thấy yếu tố thẩm mỹ, thể hiện kết quả từ lý thuyết đến thực hành. Đây còn là triển lãm thường niên của Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, dành cơ hội cho sinh viên cọ xát thực tế nghề.

Sinh viên chuyên ngành đồ họa công nghệ số lại mang tới triển lãm các bài tập được đầu tư cả về ý tưởng sáng tạo, công sức và vật liệu, được các nhà chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao, nhận được các phần thưởng của Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, các doanh nghiệp trao tặng.

Đặc biệt, các bạn trẻ đã tạo một “mùa show” nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống, hướng tới phục vụ ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó nổi bật là sự kiện host talkshow “Say xẩm” do nhóm sinh viên ngành Quản lý giải trí và Sự kiện tổ chức. Chương trình nhằm đem lại những ký ức gắn với nghệ thuật xẩm, với nét đẹp văn hóa Hà Nội xưa.

“Say xẩm” giống như một chuyến tàu điện, đưa đến những trải nghiệm khác nhau gắn với nghệ thuật xẩm. Khu vực triển lãm là nơi công chúng được thưởng lãm những nhạc cụ độc đáo cùng trang phục biểu diễn, kết hợp xem các thước phim về xẩm xưa. Các trò chơi dân gian xoay quanh chủ đề xẩm tàu điện mang lại cho công chúng những điều bất ngờ lý thú về Hà Nội 36 phố phường.

Đặc biệt, chương trình còn mang đến những câu chuyện, góc nhìn xưa và nay của người thực hành xẩm, từ NSND Xuân Hoạch đến những nghệ sĩ trẻ như Ngô Văn Hảo, Đinh Thảo, Phạm Trình... Ngoài ra, với sự hướng dẫn của các nghệ sĩ, công chúng còn được trải nghiệm các nhạc cụ xẩm và thực hành hát xẩm.

Bên cạnh “Say xẩm” là “Họa sắc Sơn” với không gian văn hóa Tây Bắc, với ẩm thực và âm nhạc bản địa hát then. Hát then trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là “điệu hát thần tiên”, ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.

Các bạn trẻ đã hợp tác với nghệ nhân hát then đàn tính tài năng Nghiêm Thị Thanh Hiền - thành viên Câu lạc bộ Di sản hát then Hà Nội. Với niềm say mê nghệ thuật then cùng kinh nghiệm trình diễn tại nhiều sự kiện lớn về văn hóa bản địa, nghệ nhân Nghiêm Thị Thanh Hiền khiến công chúng tiếp cận gần hơn với loại hình nghệ thuật này.

Bên cạnh hát xẩm, hát then, nhóm sinh viên còn tổ chức “Ngự yến” để công chúng vừa được thưởng thức những món ăn cung đình, vừa được ngắm sen trắng - biểu tượng thanh cao của Hoàng cung Huế. Bên cạnh đó là ẩm thực Huế mang một nét riêng cao quý và tinh tế, được ví như “bản giao hưởng” đầy hương vị, là niềm tự hào của xứ Huế.

Mỗi món ăn trong “Ngự yến” đều tái hiện sự sáng tạo và tinh hoa vùng đất cố đô, gói ghém những câu chuyện về truyền thống và quá trình phát triển của đất Huế. Hương vị đậm đà, nguyên liệu tinh túy và cách trình bày tỉ mỉ chính là nguyên liệu tạo thành một hành trình ẩm thực không thể quên.

Chương trình 'Ngự yến' cùng công chúng thưởng thức ẩm thực cung đình Huế.

Chương trình 'Ngự yến' cùng công chúng thưởng thức ẩm thực cung đình Huế.

Mở tour kết nối văn hóa

Không chỉ giới hạn văn hóa trong các chương trình talkshow, các bạn trẻ công phu hơn khi “mở xưởng bán tour”. Trong đó, “Nhạc Đình nghề Phố” là tour đi bộ trải nghiệm khám phá khu phố cổ Hà Nội.

Các bạn trẻ cho rằng, phố cổ là nơi hội tụ giá trị văn hóa Thăng Long, nơi mà âm nhạc truyền thống vang vọng qua từng ngõ ngách, các ngôi đình mang đậm dấu ấn với nghề thủ công tinh xảo, và nhịp sống phố phường đang phản ánh bức tranh sinh động của sự giao thoa quá khứ và hiện tại.

“Nhạc Đình nghề Phố” đưa công chúng quay trở về khám phá nơi từng là “ngôi nhà chung” của khu phố cổ, để hiểu thêm về một số nghề như: Tranh hàng Trống, làm sơn ta, nuôi tằm dệt tơ, thêu... và các ứng dụng của sản phẩm Thăng Long vào đời sống đương đại.

Các bạn trẻ cũng mở các workshop: Trải nghiệm tô chuồn chuồn tre với sơn ta, cắm hoa, xếp mâm quả, pha trà và dâng lễ đúng cách. Bên cạnh đó, công chúng còn được thưởng thức buổi hòa nhạc với các nhạc cụ truyền thống: Trống hội, ca trù, chèo, tuồng... trong không gian của nhà hát xưa để hiểu vì sao nhạc và đình lại có mối quan hệ thân thiết.

Các bạn trẻ cho biết, tour được thực hiện với mục đích phi lợi nhuận. Chi phí tham gia của khách dự tour được tái sử dụng cho các hoạt động tiếp theo của dự án.

Ban đầu, dự án dự kiến được mở vào tháng 4/2024 nhưng không kịp thời gian nên các bạn trẻ muốn bù đắp lại trọn vẹn bằng cách “đóng gói” những câu chuyện về văn hóa đặc sắc để tạ lỗi với sự chờ đợi của công chúng.

Mở xưởng bán tour 'Nhạc Đình nghề Phố' - đi bộ trải nghiệm khám phá khu phố cổ Hà Nội.

Mở xưởng bán tour 'Nhạc Đình nghề Phố' - đi bộ trải nghiệm khám phá khu phố cổ Hà Nội.

Cũng trong tháng 6 này, sự kiện lớn mang tên “Bầu show - Độc cầm thanh âm” được tổ chức với slogan “Mang bầu vào từng thể loại âm nhạc”. Chương trình là một “màn trình tấu” văn hóa nhằm đưa đàn bầu đến gần hơn với khán giả, đồng thời giúp khán giả có cái nhìn toàn diện về đàn bầu từ cổ đến kim, từ đệm hát đến độc tấu.

Mang trong mình dòng chảy của lịch sử ngàn năm văn hiến, đàn bầu không chỉ là một nhạc cụ mà còn là biểu tượng của sự gắn kết văn hóa, tinh thần và truyền thống của người Việt. Với thanh âm đặc trưng, “cộng đồng bầu” đã và đang góp phần tạo nên sự đa dạng cho âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Trong khi đó, ở phần “Độc cầm thanh âm” lại mang thông điệp về sự lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa: Âm thanh đàn bầu không còn bị bó buộc, ẩn mình trong âm nhạc cổ truyền mà đã được thổi hồn bằng những giai điệu mới từ âm nhạc hiện đại, đa sắc và mới lạ. Quá trình đổi mới này chính là sự kế thừa và phát triển cần thiết trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.

Những người trẻ mở show, tour văn hóa cùng chung một mục tiêu - đưa mỗi chương trình thành sự kiện đáng nhớ trong tâm trí khán giả. Mỗi thành viên đều có những đóng góp quan trọng, từ việc tìm hiểu văn hóa cho đến lựa chọn chủ đề, hợp tác với các nghệ nhân, các không gian văn hóa, di tích nhằm mang đến cho công chúng những trải nghiệm ý nghĩa và tích cực.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-show-ton-vinh-van-hoa-truyen-thong-post687373.html