Mùa Tết lại về
Khu chung cư Nhuế đang ở mọi người lần lượt dọn dẹp nhà cửa hết để về quê, cũng kỳ thật, không đâu lại chọn trúng cái chung cư toàn người xa xứ thế này để mấy ngày Tết đến là vắng hoe.
Nhuế nằm ườn đếm lại những ngày tết gần đến, lòng không chút động, mà thực ra là Nhuế đang cố giữ yên lòng mình cái cảm xúc cồn cào thôi thúc bắt ngay một chuyến xe đò về quê thăm người thân. Thôi thì xuống nhà tản bộ rồi xem có ai còn ở lại thì bắt chuyện cho qua mấy ngày giáp tết. Khu chung cư vắng tanh, dãy nhà hàng xóm quen thân dường như đang về bằng hết, có tiếng cái Ngâm sát nhà gọi với:
- Nhuế ơi, thế năm nay có về nhà không đặng?
- Không bà ơi, chắc ở lại ăn tết, có gì ghé công ty làm thêm cho xong mớ báo cáo.
Ngâm nhìn Nhuế bằng đôi mắt cứ chực ra mấy từ “cố chấp, bảo thủ” nhưng nghĩ lại thấy tội con bạn nên lại thôi. Xét cho cùng mọi thứ bây giờ đều là quyết định của Nhuế, mấy năm rồi, kể từ ngày vào làm chung ở công ty này xét cũng bảy tám năm rồi, thân thiết biết hết mọi chuyện chưa năm nào Nhuế một lần về quê cả.
***
Khi Nhuế còn nhỏ Nhuế đã mơ xa, ngày ấy con gái trong làng sống vốn an phận, quanh năm suốt tháng sống bám với cái nghề trồng tắc. Cứ năm này qua năm kia bám mặt ngoài vườn, khi đợt này vừa bán xong đã lo chiết cành, lấy hạt, xới đất và thuê lại vườn để trồng cho vụ sau. Nhuế ngày đầu cũng tự hào về cốt lõi nông dân của mình lắm, từ ngày còn bé đã luôn khoe biết chiết cành thì cây sẽ mọc tốt hơn và đảm bảo ít bệnh hơn là trồng từ hạt… Nhuế có một đứa em gái nhỏ hơn hai tuổi, tên Tiếu. Nếu Nhuế là người khá nhanh nhạy thì Tiếu là người thật thà và siêng năng. Sâu trong lòng Nhuế không biết tự lúc nào đã nảy sinh nhận thức không muốn chôn chân tại xóm nhỏ này và một mực muốn lên phố kiếm việc làm, chính vì thế rất nhiều lần Nhuế và gia đình cãi nhau. Tiếu lại là một đứa nhóc an phận. Hai chị em vốn rất thương nhau nên trước khi đưa ra quyết định trọng đại tối đó hai đứa nằm thủ thỉ:
- Mai tao sẽ bỏ nhà đi. Mày ở lại tao giao tất cho mày.
- Chị cứ đùa. Chị có gì suy nghĩ lại, mai em xin thêm vô rồi chuẩn bị chu tất hết rồi đi. Chị con gái một mình, phố toàn người lạ, tiền nong đâu sống.
- Mày không nói nhiều, mày nói nữa tao từ mày.
Đó là những lời cuối cùng Nhuế nói với Tiếu, tối đó nó nghe con em nó nằm rưng rức khóc vì bất lực. Sáng ngày sau Tiếu xin ba má thật nhưng lần này ba má nó lại tức giận mà mắng luôn cả Tiếu, giọt nước tràn ly, Nhuế bỏ đi thật, năm đó nó vừa tròn hai mươi tuổi.
Cứ thế Nhuế lên phố, phần vì cả giận, phần vì cố chấp muốn chứng minh mình thành công nên tuyệt nhiên nó không viết một dòng thư nào hồi âm suốt những tháng đầu. Nó xin vào làm việc trong một công ty nhỏ mới thành lập rồi nhờ sáng dạ nó cũng dần thăng tiến. Khi đã nắm được cốt lõi, nó xin nghỉ việc và lấy kinh nghiệm ấy xin vào làm ở những công ty lớn hơn, cứ thế chẳng mấy chốc sau tám năm nó đã có một số vốn kha khá trong tay và là trưởng phòng của một công ty nhờ sự nhạy bén và thức thời của mình. Thi thoảng nó có gặp lại những người dưới quê, có hỏi thăm và gửi ít tiền về, thì nghe nhà nó đi khắp nơi tìm nó nhưng nó cấm không được nói địa chỉ. Bản thân nó cho rằng nó chưa tha thứ, nhưng tha thứ gì, quá lâu để nó nhớ mất rồi.
Tiếu những năm ấy vừa học, vừa lo vườn tắc của nhà vừa đi tìm Nhuế. Có bận thế nào lại tìm được, chỉ cách Tết dăm ngày, hai chị em cách nhau chỉ một cánh cổng, Tiếu chỉ kịp nói: “Chị về ít hôm, ba má nhớ chị rất nhiều”, nhưng khi Nhuế vừa nhìn thấy ánh nhìn dè bỉu của đồng nghiệp và trước mặt mình là đứa em gái quê mùa, chất phác với tà áo nâu, tuổi trẻ nông nổi làm Nhuế thấy ngượng và tỏ ra không quen biết. Đó là bốn năm sau khi Nhuế đi. Rồi Nhuế thuê được căn chung cư và ở cố định, tết năm nào Nhuế cũng nhận được bức hình chụp cả nhà ngày Tết và theo đó là những bọc đi kèm toàn những thứ đồ ăn thường thấy ở tết quê.
Từ việc nghĩ mình không thể tha thứ, Nhuế lại thấy tủi hổ và nhớ gia đình nhưng cảm thấy có một bức tường ngăn cách, như sự sợ hãi rằng mình sẽ không được bước vào ngôi nhà ấy nữa. Có lẽ năm đó Tiếu rất sốc.
Năm nay đã bước qua năm thứ tám, cái Ngâm xếp vội mớ đồ vô vali rồi nhìn qua khung cửa sổ nhỏ phòng Nhuế: “Có suy nghĩ lại thì nghĩ, già rồi, bớt chảnh, thêm nữa, nay hăm tám Tết rồi, để ý phòng nhận đồ”. Nhuế bước xuống như lời Ngâm dặn thì thấy một bóng dáng nhỏ thó, như Tiếu đang nhờ bác bảo vệ gửi đồ lên phòng Nhuế, một phong thư chứa đầy những bức ảnh như mọi năm, và cả mớ đồ ăn tết đóng gói gọn gàng. Bộ dạng cứ thấp thỏm len lén như sợ Nhuế bắt gặp. Vừa nhìn thấy Nhuế, nó chạy biến, Nhuế phải rượt theo, nó hổn hển: “Em sợ chị bắt gặp , lại giận, hoặc để người quen chị biết, nãy em chỉ nói là đặt đồ ăn, không nói em gái, chị yên tâm nha”.
Nhuế bật khóc tức tưởi vì nỗi nhớ nhà, nỗi ân hận, tình thương của em gái và sự cố chấp của chính mình cùng hòa quyện để mặt em nó luống cuống dỗ bà chị như trời trồng. Sau đó Nhuế dẫn Tiếu lên phòng sắp xếp đồ đạc để cùng về quê vài ngày, lúc xếp đồ Nhuế nghĩ lung lắm, sợ ba má lại giận, trách Nhuế và không nhìn mặt thì sao mà nó không dám hỏi Tiếu vì thấy con em đang cười tít mắt vì vui. Bỗng Tiếu có điện thoại, vừa bật lên Nhuế đã nghe rõ ràng: “Con gửi được đồ chưa con? Coi mấy bức ảnh người ta rửa có nhòe không? Con có ghi chú vườn tắc nhà mình vẫn lo được để chị con yên tâm làm việc của nó không? Đồ ăn có hư không? Có dặn bác bảo vệ là đưa tận tay và nhớ hâm lại chưa đấy?”.
Dường như câu hỏi mà Nhuế đặt ra, Nhuế đã tìm thấy câu trả lời rồi. Những ngày tết lại về, mùa tết sum họp đầu tiên sau từng ấy năm, gia đình luôn là chốn đợi từ bấy đến giờ. Trên bàn, chậu tắc nhỏ Nhuế mua trổ hoa trắng xóa.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mua-tet-lai-ve-post72713.html