Mưa tháng Bảy
Tháng Bảy, đồng quê rộn ràng mùa gặt. Cái nắng hanh hao trải dài trên những cánh đồng lúa đã chín vàng. Người nông dân quê tôi tất bật chạy đua với thời tiết nắng gắt, mưa nguồn. Lũ trẻ đang trong kỳ nghỉ hè cũng ùa ra đồng giúp mẹ gom lúa, quẩy rơm lên lưng trâu chở về sân phơi. Nắng cháy xém thịt da mẹ. Ào cơn mưa như trút nước cả sân phơi, cánh đồng ngập trắng như ao.
Tháng Bảy, đồng quê rộn ràng mùa gặt. Cái nắng hanh hao trải dài trên những cánh đồng lúa đã chín vàng. Người nông dân quê tôi tất bật chạy đua với thời tiết nắng gắt, mưa nguồn. Lũ trẻ đang trong kỳ nghỉ hè cũng ùa ra đồng giúp mẹ gom lúa, quẩy rơm lên lưng trâu chở về sân phơi. Nắng cháy xém thịt da mẹ. Ào cơn mưa như trút nước cả sân phơi, cánh đồng ngập trắng như ao.

Minh họa: Xuân Đức
Những hạt thóc vừa gặt đã phải ngâm mình trong nước. Mưa đến nhanh rào rào như đổ nước. Người dân quê tôi chạy mưa cho lúa, chạy giông cho chính số phận của mình. Nhưng rồi, sau cơn giông, lúa lại được dàn ra trên sân, hạt thóc óng vàng vẫn kiên trì hong nắng, như chính sự bền bỉ không tên của những người làm đất cày sâu, cuốc bẫm.
Tôi đã lớn lên từ những mùa gặt như thế. Từ đồng ruộng mênh mông, từ dáng mẹ còng lưng trên cánh đồng mùa gặt. Thương mẹ, chị tôi gồng mình đội rơm qua những bờ ruộng sũng nước. Tuổi thơ tôi gắn chặt với chiếc nón rách quai, cái áo nâu bạc màu trong dáng còm của mẹ. Những ước mơ trẻ con mong sau này làm thầy giáo, làm kỹ sư, mơ thành bác sĩ, bắt đầu từ hạt gạo trắng trên mâm cơm nghèo mỗi tối.
Mẹ tôi và bao người phụ nữ quê tôi không biết đến chiếc quần lụa, áo phin trắng. Và chẳng mấy lúc được thanh thản nghỉ ngơi. Họ miệt mài nuôi dưỡng khát vọng no đủ bằng những bước chân chai sạn, những ngày phơi mặt giữa nắng trưa. Họ âm thầm dọn đường, gồng gánh cho tương lai của lũ trẻ…
Quê bây giờ đã khác xưa nhiều. Đường đã rộng hơn, sân phơi đã được đổ bê tông. Xe kéo đã đỡ đần cho đôi vai người nông dân vài phần. Nhưng để có hạt thóc, bắp ngô, củ lạc thì vẫn phải lội đồng, còng lưng trên mặt đất. Ước mơ của lũ trẻ con chúng tôi xưa, có vài đứa ước mơ thành sự thật. Nhưng không phải đứa nào cũng may mắn thoát ly khỏi nông thôn. Về quê, nhiều bạn tôi vẫn lam lũ trên đồng. Bữa ăn của họ vẫn đạm bạc đến nao lòng. Những con gà quê ngon ngọt được nuôi bằng thóc ngô. Gạo thơm chắt lọc nên từ mồ hôi, nước mắt. Nhưng chính người làm ra chúng lại chỉ có bát canh rau, chén cà dầm tương trong những bữa ăn hàng ngày. Vụ lạc sen chắc mẩy, người nông dân dành dụm đem ra phố thị bán lấy tiền mua mỡ, mắm muối mà chẳng dám để ăn.
Ngoài phố, chiều chiều những quán bia chật ních. Người ta gọi thêm đĩa lạc luộc, con gà hấp lá chanh, miếng đậu rán vàng ruộm... Và tiếng cười nói rôm rả át cả gió mưa đang trút nước ngoài đồng. Nhiều thanh nam, nữ tú sinh ra từ thành thị không biết củ lạc được trồng như thế nào, con gà được nuôi ra sao! Chúng lớn lên giữa siêu thị và bếp điện, xa dần mùi rơm rạ và bùn đất đồng quê.
Chợt xót xa nghĩ về những giờ học suông trên lớp. Có khi nào ta nghĩ rằng, phải dạy con mình biết trân quý hạt gạo trên mâm cơm? Làm sao để những đứa trẻ hôm nay cảm được mùi mồ hôi mặn chát của ông bà xưa, của người dân quê đã nhọc nhằn còng lưng trên đồng ruộng?
Chúng ta không thể giữ mãi những mùa gặt xưa, nhưng ta có thể giữ lại trong con trẻ một lòng biết ơn. Để chúng biết rằng, ăn một bát cơm trắng mà nhớ đến người đã làm ra từng hạt thóc. Để dù mai này chúng có đi xa đến đâu, cũng không quên mình được sinh ra từ đất.