Mua thêm nhà để về quê nhưng không bỏ phố
Vừa thích nhịp sống sôi động, vừa muốn tận hưởng khung cảnh thanh bình, nhiều người Mỹ chi tiền mua thêm nhà để có thể sống hai nơi.
Amy Lentini, một chủ doanh nghiệp nhỏ người Mỹ, đã sống toàn thời gian trong một căn hộ cạnh Đấu trường La Mã ở Rome trước khi quyết định mua một ngôi nhà ở Sabine Hills - nằm ở miền Trung Italya.
Ban đầu, cô chỉ coi ngôi nhà thứ hai là điểm tránh nóng thành phố vào mùa hè, nhưng nó dần trở thành nơi ở chính của vợ chồng cô trong thời gian đại dịch bùng phát.
Ngôi nhà rộng 220 m2 và phải tốn nhiều thời gian để cải tạo. Lentini cho biết cô phải sửa sang, mua đồ đạc, dọn dẹp sạch sẽ, thuê người duy trì khu vườn rộng hơn 2.000 m2, trả tiền ôtô và bảo hiểm.
Cô đã rất vui mừng khi có một người hỏi thuê lại căn hộ ở gần Đấu trường La Mã. "Nếu không có khoản tiền từ cho thuê nhà cũ, chắc chắn chúng tôi đã phải thắt chặt chi tiêu nhiều hơn", cô nói với Bloomberg.
Giờ đây, Lentini thấy gắn bó hơn với ngôi nhà mới ở miền trung Italy. "Tôi không còn cảm thấy mình là một cư dân thành thị nữa. Mỗi lần trở lại Rome, tôi thấy mình như đang đi du lịch".
Về quê nhưng không bỏ phố
Trước đây, nhiều người phải đưa ra lựa chọn sống giữa thành phố náo nhiệt và hỗn loạn, hoặc chìm đắm giữa khung cảnh thanh bình nhưng có phần nhàm chán của miền quê.
Đại dịch đã khiến càng nhiều người phải đánh giá lại sự lựa chọn lối sống này, làm thay đổi thị trường nhà ở toàn cầu. Trong khi giá nhà tăng chóng mặt và cuộc chiến đấu thầu diễn ra ở vùng ngoại ô, nhu cầu nhà ở lại giảm mạnh ở nhiều thành phố lớn.
Bây giờ, những người có khả năng chi trả muốn chọn sống ở cả hai nơi.
Những khoản vay mua nhà lãi suất thấp cùng số tiền tiết kiệm trong đại dịch cùng cuộc cách mạng công việc linh hoạt đã làm cho mọi người, không chỉ những người siêu giàu, có thể đạt được "lối sống kép" dễ dàng hơn.
"Lối sống Hybrid (linh hoạt) đang là xu hướng. Nhiều người quan niệm muốn có ngôi nhà thứ 2, bạn phải là một tỷ phú. Nhưng 18 tháng qua, chúng tôi nhận ra mình vừa có thể sở hữu một căn nhà nhỏ trong thành phố, vừa có một căn ở ngoại ô", Leonard Steinberg, thuộc công ty môi giới bất động sản Compass Inc., cho biết.
Khoảng 19% số người được hỏi trong cuộc khảo sát Knight Frank's 2021 Global Buyer Survey năm 2021 cho biết họ đã chuyển nhà kể từ khi đại dịch bắt đầu. 33% số người tham gia nói có nhiều khả năng mua ngôi nhà thứ 2 hơn do hậu quả của đại dịch.
"Với sự gia tăng của việc làm từ xa, ngôi nhà thứ hai hoặc 'nhà chung cư' đang trở thành lựa chọn khả thi cho nhiều người muốn tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống", báo cáo cho biết.
Tại New York (Mỹ), một gia đình đang phân chia thời gian sống giữa căn hộ ở Greenwich Village và ngôi nhà mới. Cách đó hơn 1.200 km về phía tây, một nhà phân tích tài chính đi lại giữa ngôi nhà trên biển của cha mẹ ở Indiana và nhà của bạn trai ở Chicago.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, một nhà phân tích bất động sản đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống với vợ con bằng cách dành nhiều ngày hơn ở ngôi nhà ở vùng nông thôn ngoại thành Paris (Pháp).
Áp lực khi sống ở hai nơi
Nhiều người cho rằng sống ở 2 ngôi nhà thể hiện năng lực tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nhận định cuộc sống hai nơi xa xỉ đó có thể gây căng thẳng về lâu dài. Việc phải xoay sở tiền thuê, các khoản thế chấp và thường xuyên đi lại từ nơi này đến nơi khác có thể khiến họ nản lòng.
"Bạn sẽ áp lực phải sống ở cả hai nơi. Vì đã dành một phần thu nhập hoặc khoản tiết kiệm cho ngôi nhà thứ hai, bạn tự nhủ sẽ sử dụng nó hoặc tìm cách nhận lại được giá trị mình đã bỏ ra", Sharon Saline, nhà tâm lý học ở Northampton, (Massachusetts), phân tích.
Keri Cibelli, một nhà tư vấn môi trường ở thành phố New York, cho biết phải đến khi đại dịch xảy ra, cô và gia đình mới bắt đầu dành thời gian nhiều hơn tại nhà nghỉ dưỡng ở Dutchess - một khu đất vàng dọc theo sông Hudson ở ngoại ô New York.
Tháng 3/2020, gia đình cô thu xếp và ghi danh cho các con vào một trường tư thục địa phương và các hoạt động ngoại khóa ở Dutchess.
Hiện tại, các con trai của Cibelli đã trở lại trường học ở New York, cô cũng đến văn phòng 2 lần một tuần và chồng cô đi làm mỗi ngày. Cả gia đình đang dành các ngày thường tại căn hộ ở West Village và trở về nhà nghỉ dưỡng vào cuối tuần.
"Có vẻ chúng tôi đang sống trong 2 cộng đồng. Thành phố là nơi làm việc và chúng tôi muốn nuôi dạy con trong thành phố. Những đứa trẻ được tiếp xúc với cả hai nơi", Cibelli nói.
Các con của cô vẫn đăng ký tham gia những giải thể thao cuối tuần và lớp học piano ở Dutchess trong thời gian đại dịch. Cả gia đình lái xe 2 tiếng để trở lại thành phố vào tối chủ nhật để lên kế hoạch cho tuần mới.
May mắn, gia đình cô có đủ ngân sách để trang trải cuộc sống hai nơi. Cibelli và chồng đã mua ngôi nhà 3 phòng ngủ, hai phòng tắm ở Dutchess với giá 475.000 USD vào 5 năm trước.
Cibelli cho biết mọi đồ dùng đều phải mua sắm gấp đôi để sẵn ở hai nhà, thậm chí cô còn chia nhỏ các lọ thuốc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-them-nha-de-ve-que-nhung-khong-bo-pho-post1271611.html