Mua thực phẩm trực tuyến: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Gần đây, người tiêu dùng có xu hướng mua thực phẩm trực tuyến. Qua các thiết bị thông minh, người dân có thể lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, thức ăn đã qua chế biến mà không phải trực tiếp đi chợ. Tiện lợi là vậy nhưng hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua phải các mặt hàng không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhộn nhịp "chợ" thực phẩm trực tuyến
Để chuẩn bị đồ ăn trong gia đình, chỉ cần lướt các trang mạng xã hội, người tiêu dùng có thể đặt mua được mọi thứ từ rau, hoa quả đến thịt, cá, hải sản tươi sống, đồ ăn vặt, đặc sản các vùng miền. Thậm chí, các mặt hàng thực phẩm online đa dạng và phong phú hơn ở chợ truyền thống. Không chỉ thành phố Bắc Giang, ở các huyện, thị xã từ vùng xuôi đến địa bàn miền núi, vùng khó khăn của các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, nhiều hộ kinh doanh đã triển khai các ứng dụng đặt thức ăn nhanh, đồ uống pha sẵn cho khách hàng lựa chọn qua điện thoại, máy tính.

Nhân viên văn phòng ở Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên) đặt mua thực phẩm qua mạng.
Chỉ cần gọi đến số điện thoại lưu sẵn mà không biết địa chỉ cụ thể ở đâu, khách hàng được cung cấp nhanh các loại đồ uống chế biến sẵn như: Cà phê, trà chanh, sinh tố, nước ép hoa quả hoặc những món ăn nhanh như: Chân gà, nem chua rán, nem lụi, thịt kho... Phần lớn các cửa hàng bán đồ ăn liên kết với các dịch vụ giao hàng (shipper) tận nhà cho khách.
Với sự tiện dụng đó, hình thức mua đồ ăn qua mạng ngày càng được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là những người làm văn phòng, công nhân lao động bận rộn, eo hẹp thời gian dành cho việc nội trợ. Chị Nguyễn Thị Thảo ở phường Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang) cho biết: “Do đi làm tại khu công nghiệp từ sớm đến tối mới về nên tôi thường đặt đồ ăn qua mạng cho các con đi học về nhà ăn trưa. Đồ ăn rất phong phú, từ cơm đến bún, mỳ, miến, các loại bánh để đổi món. Tôi thường đặt hàng vào buổi tối hôm trước để hôm sau cửa hàng giao tại nhà không phải đi chợ”.
Khi mua thực phẩm online, hầu hết người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm dựa trên hình ảnh được chụp đưa lên mạng. Ngoài thực phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, nhiều mặt hàng bán qua mạng được chế biến thủ công tại hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) thường xuyên gọi đồ theo hình thức này cho biết: “Đồ ăn, thức uống gọi “ship” chẳng biết chế biến, pha chế thế nào, nguyên liệu có bảo đảm an toàn không, tôi chỉ dựa vào cảm giác ngon miệng thì lần sau gọi tiếp, nếu không ưng sẽ đổi chỗ khác. Nhiều lúc, tôi cũng tự hỏi nguồn nguyên liệu được các cửa hàng trực tuyến nhập từ đâu?”.
Tăng cường kiểm tra chất lượng
Theo đánh giá của Sở Công Thương, bên cạnh những gian hàng trực tuyến uy tín vẫn còn nhiều địa chỉ bán đồ ăn chế biến sẵn qua mạng không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Hộ kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, không có địa chỉ chính xác, chỉ làm theo mùa vụ hoặc rao bán qua trung gian. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng cam kết bằng miệng, khó kiểm soát. Việc mua bán chủ yếu được giao dịch trên niềm tin giữa người mua và người bán.

Món ăn được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm không chỉ từ nguyên liệu mà còn nằm ở quy trình sản xuất, các công đoạn chế biến, lưu trữ, vận chuyển thực phẩm. Khi người bán vận chuyển thực phẩm đến tay người tiêu dùng bằng những vật dụng đơn giản như túi nilon, thùng xốp, hộp nhựa mà không bảo quản lạnh theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm có thể sẽ bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, nhất là khi thời tiết nắng nóng.
Qua rà soát của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, toàn tỉnh có hơn 32 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô gia đình, nhỏ lẻ. Trong đó, 19% số hộ chưa được công nhận sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Việc quản lý các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ lẻ qua mạng thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã.
Trước sự nở rộ của việc kinh doanh thực phẩm qua mạng, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Trong đó yêu cầu các cơ sở này phải công khai giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thực tế, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa rà soát, thống kê đầy đủ số người kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Trong khi đó, cán bộ được phân công nhiệm vụ kiểm tra an toàn thực phẩm ở tuyến xã chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có nhân lực chuyên ngành, thiếu trang thiết bị xét nghiệm hiện đại nên không có căn cứ xác định chất lượng thực phẩm. Từ năm 2024 đến hết quý I/2025, toàn tỉnh xử lý gần 300 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, với số tiền xử phạt hơn 700 triệu đồng.
Do đặc thù có nhiều lao động làm việc trong các khu công nghiệp lưu trú trên địa bàn nên phương thức bán thực phẩm trực tuyến phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thị xã Việt Yên đã xử lý 10 trường hợp vi phạm do kinh doanh thực phẩm ăn nhanh không có hạn sử dụng, không chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm soát mặt hàng bán trên các trang mạng xã hội gặp khó khăn khi có nhiều tài khoản rao bán thực phẩm chỉ là khâu trung gian nhận “ship” hàng, không có cửa hàng, kho lưu trữ sản phẩm, địa chỉ cụ thể.
Khi có khách đặt thì lấy hàng giao trực tiếp nên cơ quan chức năng khó tìm được người kinh doanh, không thu được hàng hóa. Thậm chí có trường hợp khi người tiêu dùng phản hồi tiêu cực thì ngay lập tức người bán khóa tài khoản trên các trang mạng. Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các sản phẩm ăn ngay, ăn nhanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của Sở Công Thương, Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Môi trường, thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường dưới tất cả các hình thức bán hàng, trong đó chú trọng kênh bán hàng qua mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Dịp này, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp xã sẽ thường xuyên rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm tại cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, tập trung cao vào các cá nhân, hộ kinh doanh sản phẩm tự làm. Yêu cầu cơ sở kinh doanh thực phẩm online phải công khai giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để khách hàng được biết. Khi đặt hàng, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về gian hàng trực tuyến, người bán, địa chỉ khi cần liên hệ, lựa chọn thực phẩm có tem nhãn, rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng.