Mua thuốc qua VNeID: Tiện lợi nhưng còn nhiều hạn chế

Sau khi Nhà thuốc Long Châu triển khai kết nối mua thuốc trực tuyến qua VNeID, người dân bắt đầu quan tâm đến dịch vụ này.

Trao đổi về nội dung này tại Tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" ngày 22.4, bà Nguyễn Đỗ Quyên - Phó tổng giám đốc FPT Retail kiêm Giám đốc điều hành FPT Long Châu - cho hay Nhà thuốc Long Châu là nhà thuốc đầu tiên được tích hợp vào ứng dụng VNeID.

Nhà thuốc đã làm việc với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) rất chặt chẽ từ pháp lý, nghiệp vụ, an toàn, an ninh mạng, hạ tầng. Sau khi Long Châu triển khai thành công thì sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kết nối VNeID với các nhà thuốc khác. Khi kết nối thành công với VNeID và trở thành cấu phần của sổ sức khỏe điện tử thì người dân, bệnh nhân, khách hàng có một nơi tin tưởng để thực hiện các hoạt động mua bán thuốc được an toàn.

Bà Quyên khẳng định việc mua thuốc qua VNeID các bước đều được bảo mật, phải có sự đồng ý, chia sẻ thông tin của khách hàng thì hai bên mới "thông luồng" với nhau. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ đăng nhập vào ứng dụng của nhà thuốc bằng mã số định danh điện tử để mua thuốc.

Theo bà Quyên, hiện có hơn 100.000 lượt khách hàng sử dụng chức năng giữa VNeID và Nhà thuốc Long Châu để giao dịch mua thuốc. "Thực tế bây giờ chỉ mới mua thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn chắc chắn là không".

Về việc thúc đẩy cơ sở để cho phép bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử, có ý kiến cho rằng việc tích hợp mua thuốc trên VNeID rất tiện lợi cho người dân, nhưng hiện nay Luật Dược mới chỉ quy định bán thuốc không kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Trong danh mục của Bộ Y tế quy định hiện nay có trên 80% là thuốc kê đơn, còn thuốc không kê đơn chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Do vậy, có đề xuất để người dân thuận tiện trong việc mua thuốc, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật phù hợp. Đồng thời cần có các căn cứ, quy định pháp luật như tăng cường kê đơn thuốc điện tử.

Đại biểu quốc hội Trần Thị Nhị Hà dẫn lại thông tư 04/2022 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc điện tử đã có lộ trình thực hiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như trước 31.12.2022 áp dụng cho các bệnh viện hạng 3 trở lên và đến 30.6.2023 áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhưng đến nay, việc kê đơn thuốc điện tử còn nhiều hạn chế. Bởi mã bác sĩ, mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mã bệnh nhân cần được cấp tài khoản từ Bộ Y tế.

"Cơ sở pháp lý cần hoàn thiện. Khi thúc đẩy được kê đơn thuốc điện tử sẽ cho phép bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Khi đó mới là phương thức hoàn thiện dịch vụ tiện lợi cho người dân", bà Hà nêu rõ và mong muốn Bộ Y tế có thúc đẩy, quan tâm ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Theo bà Hà, hiện nay tại Hà Nội đã triển khai và Bộ Y tế đã ban hành các thí điểm như Quyết định 2733 hướng dẫn thí điểm thực hiện sổ sức khỏe trên VNeID. Tuy nhiên trong quyết định chỉ ban hành 46 trường thông tin còn phụ thuộc vào các địa phương.

Hà Nội đã ban hành 73 trường thông tin nhưng hiện chưa cập nhật được các địa phương khác ban hành bao nhiêu trường thông tin. "Như vậy phụ thuộc vào từng địa phương chứ không có sự thống nhất trên toàn quốc về bao nhiêu trường thông tin để quản lý sức khỏe người dân trên VNeID. Từ đó tôi kiến nghị Bộ Y tế ban hành thống nhất trên toàn quốc để còn liên thông dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với nhau", bà Hà đề nghị.

Cũng theo bà Hà, hiện nay trên thực tiễn, thực trạng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên thông với dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và dữ liệu quốc gia về dân cư, hiển thị trên VNeID. Nếu muốn thay thế được sổ sức khỏe giấy thì dữ liệu phải được ký số, phải hiển thị được dữ liệu theo thời gian thực và hoàn thiện dữ liệu sổ sức khỏe trên VNeID.

Bộ Y tế cũng đã rất nỗ lực khi sử dụng nền tảng VNeID trong chăm sóc sức khỏe người dân, tuy nhiên cần có lộ trình. Trong đó, các cán bộ, công chức, người lao động đều thực hiện khám sức khỏe hay học sinh, sinh viên đều phải khám sức khỏe có thể tích hợp với VNeID.

Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước biết được cơ sở đó có đủ điều kiện tổ chức khám sức khỏe hay không, và cơ quan, đơn vị có đảm bảo quyền lợi của người lao động khám sức khỏe một năm một lần không.

Ngoài việc tiêm chủng, bà Hà đề nghị có thể dùng VNeID đưa ra các cảnh báo dịch bệnh cho người dân như mùa đông có dịch gì, cảnh báo dịch sốt xuất huyết hoặc phòng chống các bệnh không lây nhiễm…

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mua-thuoc-qua-vneid-tien-loi-nhung-con-nhieu-han-che-231833.html