Mưa to kèm dông và lốc xoáy gây thiệt hại nặng tại Yên Bái
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp (suy yếu từ bão số 3), đêm 25 và sáng sớm 26/8, các khu vực trong tỉnh có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông và lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng về nhà cùng tài sản của nhân dân.
Tính đến 16 giờ ngày 26/8, đã có 10 nhà dân ở hai huyện Văn Yên, Văn Chấn bị thiệt hại, trong đó có 2 nhà bị sạt lở ta luy, còn lại bị tốc mái. Mưa lũ còn gây thiệt hại về lúa, ngô và các cây rau màu khác ở huyện Văn Chấn; cuốn trôi hàng chục gia súc, làm hư hỏng nhà xưởng của hai doanh nghiệp ở huyện Văn Yên. Mưa dông gây ngập úng, quật ngã cây xanh một số tuyến đường huyện Lục Yên.
Nhận được thông tin thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Chấn và Văn Yên cùng với chính quyền địa phương xuống hiện trường kiểm tra mức độ thiệt hại, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân nhân khắc phục hậu quả. Đối với hai gia đình có nhà bị sạt lở ta luy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Yên đã yêu cầu địa phương khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ di dời người và tài sản đến ở nhà người thân để đảm bảo an toan và hỗ trợ khắc phục hậu quả sạt lở.
Hiện tại, về cơ bản các gia đình bị thiệt hại đã khắc phục xong được hậu quả để ổn định cuộc sống. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Yên, Văn Chấn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại, theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết về mưa bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của thơi tiết để thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn...