Mưa trái mùa

Mùa mưa Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm. Có lúc, mây từ đâu kéo đến ùn ùn rồi trút xuống mặt đất xối xả. Lúc âm u từ sáng tới đầu giờ chiều mây tụ lại đen kịt, dấu hiệu báo trước một cơn mưa dài nặng hạt. Thường những đợt như vậy mưa sẽ kéo liên tục ba ngày, có khi cả tuần vẫn chưa dứt. Cơn mưa theo quy luật thì dễ đoán, người nào ở Tây Nguyên lâu chút đều nắm rõ.

Nhưng mọi thứ hình như đang thay đổi, thời tiết có vẻ như không còn dễ nhận biết như trước đây. Quy luật thiên nhiên ngày càng khó đoán, trong đó hình thái mưa trái mùa cũng xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn. Tây Nguyên đang vào mùa khô, mùa thường hiếm mưa. Thế nhưng cơn mưa bất chợt đổ xuống vùng đất đỏ bazan màu mỡ đã cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi gian truân của nghề nông.

Ngại nhất vẫn mấy con dốc, vừa dài, lại vừa cao. Dốc nhỏ, hẹp cứ bám theo triền đồi thoai thoải, thỉnh thoảnh có đoạn thẳng tắp chạy sâu hun hút như bất tận. Đoàn chúng tôi vừa ra khỏi một nhà bà con thì mưa như trút. Di chuyển được chừng vài trăm mét chúng tôi đối diện ngay với con dốc đất đỏ “huyền thoại”, ông chú thổ địa trên xe căn dặn, mưa trái mùa đường trơn, đi đứng cẩn thận.

Xe ngoằn ngoèo vẽ rắn, cố bò lên được giữa dốc thì đúng như tiên đoán của ông chú thổ địa, xe bị sa lầy đúng nghĩa đen. Bánh trước cắm ngập xuống lớp bùn, không thể tiến được. De lại thì bánh sau bị ổ voi nuốt chửng. Tiến không được, lùi cũng không xong. Lúc này, chúng tôi bị giữ chân bởi hai hố bùn đất đỏ bazan trơn như đổ dầu. Nói là đất đỏ nhưng thực tế là đất có màu nâu, có tính kết dính cao. Chỉ cần mưa xuống, đất kết lại, quện thành bùn, bị bánh xe xéo lên, nhào nặn thành một hợp chất vừa trơn, lại vừa bám dính vào bất kỳ thứ gì mà nó tiếp xúc.

Bác tài cài cầu, nhấn ga, quyết thử vận may thêm lần nữa nhưng ngặt nỗi bánh xe vẫn cứ quay tít, cọ xát vào đất đá bốc khói khét lẹt mà xe không nhích được phân nào, đã thế càng lún sâu thêm một khúc.

Cả đoàn đành án binh bất động chờ cứu hộ.

Xuống xe, quan sát con đường, tôi nhận ra một đặc điểm, nếu mưa lớn kéo dài, bùn nhão sẽ theo con nước xuống mương rồi ra suối, đây chỉ mưa bất chợt, nước chưa kịp tạo dòng mà chỉ đủ thấm hết đất bề mặt và làm dịu bớt cái nóng. Lớp bùn dày như một thử thách đối với cánh tài xế. Đường hẹp, dốc cong nhưng rất may, xe mắc lầy bên lề đường, vẫn còn đủ chỗ cho phương tiện của bà con qua lại.

Mùa này, bà con đang chính vụ thu hoạch tiêu, nghe đâu giá neo ở mức cao nên bà con phấn khởi. Quả đúng giá cao thì bà con vui. Có điều, đứng đây, chứng kiến cảnh bà con vượt dốc mới thấu cảm nỗi nhọc nhằn, vất vả. Bà con quen lối nên khá hơn chúng tôi, biết lựa thế mặt đường để lên dốc nhưng trông cũng trầy trật lắm! Không cứng tay lái, ghì đúng nhịp thì có ngay màn biểu diễn bánh xe chổng ngược. Đó là lên dốc còn xuống có đỡ hơn chút, nhưng khổ nhất là những xe chở nặng. Có khi gài số thấp, phanh cũng như không, xe cứ tuột xuống, chậm chậm và từ từ, bác tài cứ chỉnh hướng cho chuẩn thì xe xuống dốc an toàn... Mà đó mới chỉ là con dốc thuộc hạng “thường thường bậc trung” ở Tây Nguyên.

Nông sản được giá bà con hưởng lợi, đời sống nâng cao, xã hội phát triển. Nông dân phấn khởi, đương nhiên là vậy, trên từng khuôn mặt sạm đẹn vì nắng gió, tôi vẫn thấy niềm hạnh phúc, họ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Bởi đó là thành quả từ mồ hôi, nước mắt, chắt chiu từ tinh thần chịu thương, chịu khó, kiên trì mới đạt được, thời gian đó có thể là 10 năm, 15 năm hoặc lâu hơn nữa.

Một con dốc như một chướng ngại vật nhỏ, vượt qua nó là chuyện cơm bữa đối với bà con. Cơn mưa trái mùa khiến tôi ngộ ra rằng, biết bao nhọc nhằn mà người nông dân phải vượt qua, chỉ trong vài cây số vuông, con dốc như thế đến không xuể. Tôi tự hỏi, còn cả mùa mưa kéo dài đằng đẵng phía trước thì nông dân còn phải đối mặt thêm những khó khăn gì nữa?

Hoa sầu riêng đang sổ nhụy, bà con tranh thủ thời gian tích cực thụ phấn để hoa đậu quả. Mưa trái mùa kèm theo gió trúng lúc sầu riêng làm bông, nông dân đối diện nguy cơ bông rụng, giảm tỉ lệ đậu quả, thậm chí rủi ro hơn là mất mùa. Nửa chặng đường một mùa sầu riêng đã qua, giai đoạn quan trọng nhất đang đến. Cây sầu riêng nhạy cảm với thời tiết, vậy nên cơn mưa trái mùa vào thời điểm này sẽ làm nhiều nông hộ mất ăn, mất ngủ.

Tính ra người làm cà phê, tiêu, sầu riêng mới khấm khá, có của ăn, của để vài năm trở lại đây, liệu chia ra bù cho từng năm mùa vụ thất bát con số có thực sự là bao nhiêu? Vậy nên mới thấm thía câu nói, cái gì cũng có giá của nó cả, nông dân tỷ phú không tự dưng mà có.

Sau cơn mưa trời lại sáng, con đường đất đỏ “dịu dàng” hẳn. Bầu trời bớt vẩn đục, mây tản dần, không khí như được thanh tẩy, tôi bấm cửa kính hít một hơi sâu... Bên ngoài, xe vận chuyển nông sản đang hối hả về vựa, nhịp sống trở lại bình thường sau cơn mưa bất chợt.

LÊ SỸ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/mua-trai-mua-d57617d/