Mùa Trăng của lòng nhân ái và sẻ chia
Mùa Trung thu năm nay, thay vì những lễ hội tưng bừng, các hoạt động được tổ chức giản dị, tiết kiệm, tràn đầy ý nghĩa nhân văn.
Bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào nước ta với sức tàn phá nặng nề, gây ra mưa lớn kéo dài, sạt lở và lũ lụt nghiêm trọng ở cả đồng bằng và vùng núi phía Bắc. Trong bối cảnh đau thương do bão lũ gây ra, cả nước đã đoàn kết hướng về những vùng chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện nghĩa đồng bào, sự sẻ chia sâu sắc.
Đồng lòng hướng về người dân vùng bão lũ
Trong tuần qua, nhiều tỉnh, thành phố, ban, ngành đã ra quyết định, thông báo dừng các hoạt động lễ hội, vui chơi để dành kinh phí ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Có thể kể đến như: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội thông báo hoãn tổ chức chương trình "Vui Tết Trung thu 2024"; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tạm hoãn Hội đèn lồng quốc tế Huế, Lễ hội áo dài Linh Phụng, Hội rước đèn lồng đường phố và chương trình nghệ thuật Mùa thu cho em diễn ra trong các ngày 16-19/9. Lễ hội Thành Tuyên tổ chức từ 30/8 đến 15/9 - lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước, cũng được UBND tỉnh Tuyên Quang thông báo dừng tổ chức... Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị đã chủ động rút gọn các chương trình, không tổ chức những lễ hội hoành tráng, chuyển sang hình thức tặng quà thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng bão lũ.
Tại nhiều trường học trên cả nước cũng đã điều chỉnh kế hoạch đón Trung thu. Các hoạt động vui chơi của trẻ em được giảm bớt, thay vào đó là những món quà nhỏ nhưng chan chứa tình cảm được gửi đến các bạn ở vùng bị ảnh hưởng. Đây là cách giúp đỡ thiết thực, là bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự sẻ chia. Những món quà này là biểu tượng của tình đồng bào, tinh thần "tương thân tương ái" của người Việt Nam trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội) năm nay các lớp đều dừng không tổ chức Trung thu và phát động gây quỹ ủng hộ những vùng bị ảnh hưởng do bão.
Cô Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm nay không tổ chức Trung thu, học sinh cũng có thể tạm gác lại nhu cầu mua đồ chơi trong dịp này để đóng góp, chung tay cùng với nhà trường dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do bão lũ. Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó, các em vẫn có một mùa trăng đẹp và ý nghĩa, mùa trăng của lòng nhân ái, sự sẻ chia.
Chị Nguyễn Thị Lan (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết năm nay, tổ dân phố khu chị sống không tổ chức lễ hội Trung thu như mọi năm, chỉ tặng quà; nguồn kinh phí đó dành để quyên góp hỗ trợ đồng bào bị ảnh bởi bão số 3. Chị cùng con đóng gói nhu yếu phẩm, góp sức cùng các hội nhóm thiện nguyện để gửi lên vùng lũ. Dù Trung thu không nhộn nhịp như mọi năm, nhưng năm nay con lớn hơn, học được bài học về lòng nhân ái, biết sẻ chia.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm nay các chương trình, sự kiện Trung thu được rút ngắn, tập trung vào việc tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Dịp này, các hoạt động giáo dục cũng được đẩy mạnh nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng thời vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ trẻ em vùng lũ sớm ổn định cuộc sống và trở lại trường học.
Trung thu giản dị nhưng đầy tính nhân văn
Trong thư gửi thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có viết: "Trung thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cướp đi sinh mạng, nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này. Với các cháu ở những vùng bão, lũ, Bác dặn các cháu luôn chú ý an toàn khi học tập, vui chơi. Hãy tránh xa những nơi nguy hiểm, không chơi đùa gần sông, suối, ao hồ, luôn nhớ lời cha mẹ, thầy cô giáo để tự bảo vệ bản thân và bạn bè".
Để thiếu nhi vùng lũ không bị thiệt thòi, được đón Tết Trung thu ấm áp, tràn đầy yêu thương, nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà trẻ em dịp này đã được tổ chức. Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, năm nay thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) đã quyết định không tổ chức chương trình "Trung thu thành cổ" truyền thống; thay vào đó, địa phương dành tặng thiếu nhi chương trình “Vui tết Trung thu” an toàn, tiết kiệm và giàu ý nghĩa theo tình hình thực tế. Sau khi kết thúc chương trình, lãnh đạo thị xã cùng các nghệ sĩ đã trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng do ngập lụt của xã Xuân Sơn, phường Trung Hưng và phường Ngô Quyền để tặng quà, động viên các em thiếu nhi và người dân vùng lũ.
Là một trong những địa phương bị thiệt hại bởi bão số 3 nhưng tỉnh Bắc Ninh vẫn nỗ lực để trẻ em đón mùa Trung thu có ý nghĩa thông qua chương trình Lễ hội trăng rằm với chủ đề "Lồng đèn thắp sáng ước mơ". Tại chương trình, các em được hòa mình vào không khí ấm áp của lễ hội trông trăng với các tiết mục văn hóa, nghệ thuật, trao học bổng. Cùng đó, tỉnh cũng tổ chức hành trình "Mang tết Trung thu đến với thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi bão lũ" diễn ra tại các địa phương trên địa bàn đang bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 3 và Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh. Đây là hành trình ý nghĩa để thiếu nhi ở những vùng bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ vừa qua, những thiếu nhi phải đón tết Trung thu xa nhà có được sự quan tâm, động viên kịp thời của các tổ chức xã hội...
Thiên tai luôn mang đến những mất mát đau lòng nhưng trong hoạn nạn, tình người vẫn sáng tỏ. Qua đợt bão lũ khắc nghiệt này, chúng ta thấy được sự đoàn kết, chia sẻ của người dân cả nước hướng về đồng bào gặp khó khăn. Dù bão lũ gây ra những tổn thất không thể bù đắp nhưng với sự chung tay của cả cộng đồng, những vết thương sẽ sớm lành và cuộc sống của người dân vùng lũ sẽ sớm ổn định trở lại. Cơn bão qua đi, nhưng tình người còn mãi.