Mùa vải ngọt ở Tây Nguyên

Tuy chỉ mới 'bén duyên' ở vùng đất Tây Nguyên hơn chục năm nay nhưng vải thiều đã mang lại thu nhập cao cho nông dân ở xã Ea Sah (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).

Thu tiền tỷ từ vải

Những ngày này, tại xã Ea Sah, không khí thu hoạch vải ngập tràn khắp nơi. Những vườn vải chín đỏ au, tỏa hương thơm khắp ngõ xóm. Năm nay, vải chín sớm và được giá, mang lại niềm vui phấn khởi cho người dân nơi đây.

 Gia đình anh Long thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn vải thiều u hồng. Ảnh: MAI CƯỜNG

Gia đình anh Long thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn vải thiều u hồng. Ảnh: MAI CƯỜNG

Ông Lê Văn Long hiện có 26ha vải u hồng, cho biết: Năm 2015, ông từ Hải Dương vào Đắk Lắk lập nghiệp và mang theo giống vải thiều u hồng trồng ở vùng đất mới. Ban đầu, ông chỉ trồng 5ha. Mặc dù đất cằn cỗi, pha cát nhưng loại cây này phát triển rất tốt và cho trái ngọt ở vùng đất Ea Sah.

Thấy vải phát triển tốt ở vùng đất mới, cho thu nhập cao, ông Long tiếp tục mở rộng diện tích. Nhờ vào sự chăm sóc cẩn thận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên việc chăm sóc vườn vải mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Tôi sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc, giúp tiết kiệm nhân công và bảo vệ sức khỏe; dùng các loại thuốc sinh học để chăm sóc cây nên vườn vải phát triển rất tốt”, ông vui vẻ nói.

 Nhờ vải thiều, đời sống người dân tại xã Ea Sah thay đổi rõ rệt. Ảnh: MAI CƯỜNG

Nhờ vải thiều, đời sống người dân tại xã Ea Sah thay đổi rõ rệt. Ảnh: MAI CƯỜNG

Nhờ đó, năm 2024, sản lượng vải của gia đình ông đã đạt hơn 100 tấn và dự kiến năm nay sẽ vượt 200 tấn. Với giá bán khoảng 58.000 đồng/kg, ông Long nhẩm tính mỗi ha vải có thể mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Mỗi mùa thu hoạch, vườn vải của ông Long không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình mà còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Những người hái vải, phân loại, đóng gói và vận chuyển đều được trả lương ổn định từ 250.000 đến 350.000 đồng/ngày.

 Người dân đang tuyển lọc vải để xuất bán. Ảnh: MAI CƯỜNG

Người dân đang tuyển lọc vải để xuất bán. Ảnh: MAI CƯỜNG

Cần thị trường tiêu thụ ổn định

Ở xã Ea Sah, anh Lê Văn Thưởng cũng được biết đến là người sở hữu 15ha vải u hồng, mỗi năm thu nhập hàng chục tỷ đồng nhờ loại cây ăn trái này. “Năm ngoái mỗi ha vải của gia đình cho sản lượng khoảng 15 tấn. Năm nay, với thời tiết thuận lợi, sản lượng có thể tăng cao hơn”, anh Thưởng phấn khởi chia sẻ.

 Những ngày này, không khí thu hoạch vải ở xã Ea Sah luôn rộn ràng. Ảnh: MAI CƯỜNG

Những ngày này, không khí thu hoạch vải ở xã Ea Sah luôn rộn ràng. Ảnh: MAI CƯỜNG

Tuy nhiên, theo anh Thưởng, hiện nay giá vải vẫn chưa ổn định, do đó, cần ngành chức năng quan tâm hơn, tạo điều kiện kết nối sản phẩm để vải có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Văn Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Ea Sah, thông tin: “Đến nay, tổng diện tích vải trên địa bàn đạt 400ha. Năm nay, dự kiến sản lượng sẽ khoảng 5.000 tấn. Cây vải không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống,” ông Thìn phấn khởi nói.

 Vải đã trở thành cây trồng thu nhập chính của người dân Ea Sah. Ảnh: MAI CƯỜNG

Vải đã trở thành cây trồng thu nhập chính của người dân Ea Sah. Ảnh: MAI CƯỜNG

Cũng theo ông Thìn, sắp tới, chính quyền xã sẽ tổ chức hội nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ trái vải tươi năm 2025, giúp người dân nắm bắt thông tin về sản lượng và thị trường tiêu thụ, đồng thời hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây vải đạt chất lượng tốt nhất.

 Vải thiều u hồng phát triển tốt ở vùng đất Ea Sah. Ảnh: MAI CƯỜNG

Vải thiều u hồng phát triển tốt ở vùng đất Ea Sah. Ảnh: MAI CƯỜNG

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có hơn 3.000ha vải thiều với hơn 1.600ha vải đang cho thu hoạch với sản lượng đạt khoảng 17.000 tấn/năm. Trong đó, huyện Ea Kar là vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh với hơn 1.000ha. Vải Đắk Lắk chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, Nhật Bản.

MAI CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-vai-ngot-o-tay-nguyen-post794430.html