Mùa vần công lợp nhà

Ở nông thôn miền Tây Nam Bộ, cho đến giữa thập niên cuối của thế kỷ XX, hơn chín mươi phần trăm nhà cửa của người dân vẫn là nhà cột cây mái lá. Hầu hết là nền đất, bộ khung (cột, kèo, đòn tay…) bằng tre hoặc bạch đàn tạm bợ; những người dư dã hơn, cố gắng dành dụm cả đời sắm bộ khung gỗ núi, cất nhà kê lót gạch tàu, còn mái và vách vẫn đều bằng lá dừa nước. Cả xóm, cả làng chỉ năm bảy ngôi nhà tường lợp ngói hoặc lớp fibro xi măng của những người giàu có. Đến đầu thế kỷ XXI, tỷ lệ này mới giảm đi một cách nhanh chóng, mà bây giờ nhiều khi chạy xe hàng chục cây số vẫn không tìm đâu ra một căn nhà lá đúng nghĩa là nhà ở.

Nhà lá có ưu điểm cơ bản là rẻ tiền, dễ kiếm quanh quẩn đâu đó, phù hợp với túi tiền và thiên nhiên sông nước Nam bộ, lại thêm mát mẽ giúp con người tánh tình dễ chịu, ôn hòa. Tuy nhiên, sức chịu đựng nắng mưa của mỗi “xác lá” chỉ năm ba năm, cao nhất là sáu năm mà một xóm, một ấp thường vài trăm ngôi nhà, tính bình quân mỗi năm - chưa kể số cất mới - cũng phải có năm bảy chục ngôi nhà cần dỡ bỏ lớp lá cũ, lợp lại lá mới. Kể ra cũng cực…

Mái nhà, người Nam Bộ thường gọi là nóc nhà, có nhiệm vụ che chắn nắng, mưa cho cả gia đình và toàn bộ vật dụng trong nhà nên việc dỡ đi, lợp lại cũng phải canh chừng thời tiết. Một cơn mưa ập tới không đúng lúc có thể gây hậu quả khôn lường đến sức khỏe, tài sản. Do vậy, trừ những trường hợp bức thiết, không ai lợp nhà vào mùa mưa, mùa gió bấc hoặc mùa gieo cấy, thu hoạch ruộng rẫy. Thông thường, sau Tết Nguyên đán, tiết trời hanh khô (hồi đó, ít khi nghe chuyện mưa trái mùa), cả xóm làng, cả miền Tây Nam Bộ đi vào mùa vần công lợp nhà.

Quanh năm, nhất là những ngày tết rảnh rỗi việc trong ngoài, ông chủ nhà hay nằm nghỉ trưa trên võng, vừa đung đưa vừa đảo mắt nhìn lên nóc, nhìn chung quanh vách… để ước lượng xem lá đã “tới xác” chưa, mà nếu đã đến lúc phải lợp lại thì cần thay bao nhiêu tre gỗ, cần bao nhiêu lá cho cả ngôi nhà, rồi thầm tính toán với số tiền cất trong tủ, còn chưa đủ thì bán thêm bao nhiêu lúa hoặc “gả” mấy con heo cho vừa. Thiếu chút đỉnh thì bàn vợ con nhín nhút, tằn tiện bù vào chớ đâu có cái khổ nào cho bằng cảnh “nhà dột cột xiêu”. Nhà khá giả, cha mẹ để lại hương hỏa có chút đất chút điền, trên giồng có tre gỗ, ngoài đồng có đất lúa, đất lá thì nhẹ đầu hơn, cứ kêu người đốn tre, hạ cây, làm lá là ổn, bằng không phải chạy vạy vất vã.

Lá ở đây là lá dừa nước, loài cây mọc ngoài biền ngoài bãi hoặc vùng trũng thấp không cấy lúa được. Dừa nước có nhiều ở vùng thổ nhưỡng nước mặn, nước lợ và ít dần về phía thượng nguồn nước ngọt. Vì toàn bộ cây dừa nước chỉ thu hoạch duy nhất một sản phẩm hữu ích là lá nên cây dừa nước còn được gọi là cây lá. Đối với đám lá còn nhỏ hay vùng đất cằn cỗi không phát triển được, sau khi đốn xuống, người ta xé ra làm hai gọi là “lá xé”. Lá xé lợp nhà hay vừng vách đều rất đẹp, hiềm công cán hơi bị nhiều và lũ chuột thích “ở ké”. Cây lá trưởng thành to xống, to bản được “đổ thành từng bó”, đem về cho mấy bà ngồi chằm thành những tấm lá có kích cỡ một thước, hai thước, hai thước rưỡi… tùy theo việc phải di chuyển xa gần và thói quen sử dụng của người dân địa phương. Lá chằm cũng có nhiều loại, trong đó “lá hàng” được chằm bởi một lá bề mặt nên tấm lá nhẹ, rẻ tiền nhưng mỗi “xác lá” chỉ được ba năm. “lá đặt” được kèm thêm một, hai lá lót bên trong nên nặng, giá gấp rưỡi “lá hàng” và dư sức chịu qua năm sáu mùa mưa nắng. Từ vùng nước mặn, nước lợ, các sản phẩm lá xé, lá chằm theo ghe thương hồ đi khắp thành thị, nông thôn, xây nhà dựng trường cho bao thế hệ người dân nghèo khó. Thời đất rộng người thưa, cây lá quen thuộc và là nguồn thu quan trọng với người dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ sau cây lúa. Đến nỗi, không ít tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ sau này, khi dựng tượng đài lớn nhỏ, thường chọn dừa nước như hình tượng mang tính biểu tượng của địa phương mình.

Khi đã gom góp được đủ cây, đủ lá, anh chủ nhà đảo một vòng qua những nhà có thanh niên trai tráng trong xóm để hỏi mượn công lợp nhà. Bình quân, khi vào công việc, mỗi người ngồi trên nóc nhà “phụ trách” ba cây rui, mà mỗi cây cách nhau bốn năm tấc, thì cứ theo chiều dài nhà mình (hai căn hoặc ba, thậm chí bốn căn) mà anh chỉ tính ra số người lợp cần mượn. Thời gian này, tết nhứt đã xong, lúa thóc đã vô bồ, đồng áng đã vào mùa nông nhàn nên việc mượn người không khó, có điều người cẩn thận cần hỏi mượn trước để tránh trường hợp vài ba nhà trong xóm cùng lợp trong một ngày. Người Nam Bộ vốn dễ tính và rộng rãi, không ai đi lợp nhà mà tính ngày công thành tiền, hơn nữa hôm nay nhà người thì hôm khác tới nhà mình, vần công qua lại cho đỡ tốn kém, vui vẻ lại có nghĩa có nghì với lối xóm bà con.

Thường trước ngày lợp một hai ngày, chủ nhà cùng gia đình (có thể mượn thêm vài người trong thân tộc) tới đạp dỡ lớp lá cũ trên nóc, bên bốn vách nhà. Sau vài mùa mưa, lá đã mòn, lạt (dây cột) đã mục nên việc tháo dỡ nhẹ nhàng, mau lẹ. Tất cả được mang đi đốt bỏ, chỉ lựa lại một số tấm lá cũ còn khá, chặt dạo ngắn đi, làm thành “lá chưn một”, “lá chưn hai”… chủ nhà quét dọn bộ khung cho sạch sẽ, kiểm tra để thay mới số đã hư mục, đảm bảo ngôi nhà chắc chắn trước mưa giông cũng như chắc chắn trước số lượng hơn chục trai tráng leo lên.

Đúng ngày đã định, khi trời vừa đâm mây ngang, anh chủ nhà mang ít lễ vật, thường là hoa, quả, con gà hoặc chiếc đầu heo luộc… đặt trên bàn giữa ngôi nhà trống nóc, trống vách mà van vái cùng đất đai viên trạch, người khuất mày khuất mặt về phối hưởng, chứng giám và phò hộ cho ngôi nhà mới. Lúc này, trai tráng bắt đầu lục tục kéo tới, có người đã lót dạ hồi ở nhà, người chưa thì với tay nắm vắt xôi mà chị chủ nhà chuẩn bị sẵn. Xong đâu đó. Mỗi người nhận một “búng” lạt có dây đeo ngang hông, vắt “cây cỡ” vào túi áo rồi leo lên nóc. Hai người khéo nhất được chủ nhà tin tưởng giao cho hai vị trí đầu hồi, vừa lợp phần mình vừa quan sát ngược vào trong để nhắc nhở những người cùng lợp, sao cho mỗi “ni lá” đều ngang nhau, không “lặn” không “trội”, không bên lên trước, bên lên sau…

Phía mặt trước nhà cũng cần hết sức thẩm mỹ vì luôn bày ra trước “ông đi qua, bà đi lại”, miệng lưỡi lắt léo, ít khen nhiều chê. Sau khi đám trai ngồi yên vị, anh chủ nhà đưa lá “chưn một” lên, tất cả ngắm nghía ngay ngắn rồi xỏ lạt lợp một lượt. Kế đó là lá “chưn hai”, rồi lá “chưn ba” cũng phải thật thẳng, “môi lá” của ba lượt “lá chưn” chồng đứng lên nhau vừa dễ nhìn vừa giúp cho giọt nước mưa rơi trọn vào máng xối, không văng tung tóe. Từ đó trở đi, mỗi anh một chiếc cỡ mắc chặt vào ni lá trước để định vị ni lá sau. Anh chủ nhà (hoặc một hai người lớn tuổi không còn sức leo trèo) đứng dưới đất vừa làm nhiệm vụ chuyển lá lên vừa quan sát, nhắc nhở người lợp. Có ông rắn mắt, tay cầm cây sào tre không gõ vào vị trí mối lạt bị lỗi mà thọt vào khoảng giữa hai đùi anh thanh niên mặc xà lỏn ngồi lợp, một tiếng chửi thề vì giựt mình và những tràng cười rộ lên. Niềm vui người thôn dã đôi khi chỉ có vậy.

Xong mái trước, mọi người ngưng tay uống nước rồi chuyển qua mái sau. Khi cả hai mái gần đến “đòn dông”, tất cả tuột xuống bắt đầu vừng vách, nhường việc “xóc nóc” cho những người có kinh nghiệm. Không khéo tay, mùa mưa tới mà “nhà dột từ nóc” thì quá phiên lụy cho gia chủ trong cả vài năm trời. Cũng lạ, nhà lợp xong, có sơ sót gì đó, chủ nhà cũng làm biếng, ít khi leo lên chỉnh sửa. Bởi vậy, ông bà xưa hay nói “nóc nhà xa hơn chợ…”.

Trời gần đứng bóng, cánh trai tráng lợp mái và vừng vách vừa xong xuôi đâu đó cũng là lúc mâm rượu được gia chủ bày sẵn trên mấy chiếc đệm trải dọc giữa nhà, toàn cây nhà lá vườn như dĩa gỏi vịt luộc trộn chuối cây, tô thịt cầy xào lăn, mấy con cá lóc nướng trui, kèm can rượu đế. Cơm sẵn trong nồi, bún sẵn trong thau… ai cần với tay mà lấy, không ai phục vụ ai. Cầm ly rượu trên tay, chủ nhà tỏ lời cảm ơn làng xóm, bạn bè vui lòng nhơn việc nhà giúp mình trọn ngày công để cả gia đình có chỗ ra vào tránh nắng trú mưa, tạm an lòng mà tính chuyện cuốc cày trong mấy năm tiếp theo. Tiếp lời gia chủ, một vài người có tuổi lên tiếng nhắc để anh em khỏi quên mấy nhà trong xóm đã đặt ngày lợp trong tuần, trong tháng…

Hai thập niên gần đây, cả vùng sông nước Nam Bộ, chuyện làm ăn có phần cởi mở thuận lợi. Những căn nhà lá đã lùi dần, nhường chỗ cho hơn chín mươi phần trăm là nhà tường, nhà ngói. Đồng ruộng đã chuyển lên hai ba vụ, đất biền đất bãi đã thành vuông tôm, vuông cua, không ai còn theo nghề làm lá. Trên giồng cát, nhiều lũy tre đã được phá đi, cắm cọc đá phân định thành đất thổ cư, tấc đất tấc vàng. Trai tráng trong làng bôn ba xứ người lập nghiệp, số còn lại cũng xin vào xí nghiệp, nhà máy mưu sinh. Chuyện vần công lợp nhà chỉ còn là những kỷ niệm vui một thời…

TRẦN DŨNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/mua-van-cong-lop-nha-28474.html