Mùa vàng Pù Luông

Sau mấy lần lỗi hẹn với mùa vàng, tôi cũng kịp về Pù Luông khi lúa đã gom hết nhựa sống vào những hạt tròn căng mẩy, nằm gối đầu trên những thửa ruộng bậc thang bám chênh vênh vào thân núi và trườn cả xuống thung lũng. Phải đi để thấy, Pù Luông chín vàng là mùa đẹp nhất của đại ngàn...

Pù Luông mùa lúa chín. Ảnh: Khôi Nguyên

Pù Luông đón những vị khách phương xa bằng cơn mưa rừng sầm sập đổ xuống từng trảng rừng, rồi lại đột ngột rời đi, vội vã như khi nó đến. Người ta vẫn nói, sau cơn mưa trời lại sáng. Nhưng để biết thế nào là vẻ đẹp cảnh sắc sau cơn mưa, thì phải một lần ghé Pù Luông. Mưa ngớt hạt và chiều Pù Luông hiện ra với tất cả vẻ tinh khôi, bình yên và mơ màng, mà có đôi khi, ngôn từ hoa mỹ nhất cũng đành bất lực khi miêu tả. Pù Luông như bức thủy mặc mềm mại và bảng lảng, trên tấm lụa mỏng là không gian của nền trời chiều. Ở đó, sự hòa điệu tuyệt vời của sắc vàng ngọt ngào và sắc xanh mướt mát, chính là điểm nhấn của bức thủy mặc đặc sắc. Bức tranh ấy cuốn lấy tâm hồn con người và kéo nó chìm đắm trong vẻ đẹp hút hồn của những bậc thang vàng nối nhau đến tận đỉnh núi, hay mơ màng trong nắng chiều trải mật ngọt trên ruộng đồng, làng bản.

Ảnh: HT

Bước chân hình như không theo sự dẫn dắt của lý trí, mà bước theo nhịp của cảm xúc. Tôi đã đi qua những thửa ruộng ăm ắp sắc vàng, đã hít căng mùi hương lúa mới và hình như đã nghe đâu đó cả tiếng thì thầm của đất, khi đã tận hiến hết mỡ màu vào cho lúa. Sự thích thú, niềm hân hoan, nỗi kinh ngạc và cuối cùng, tất cả cảm xúc được gói gọn trong 2 chữ bình yên. Sự thích thú và niềm hân hoan như đứa trẻ vốn lớn lên từ đồng làng, bỗng nhiên gặp lại “cố nhân” vừa quen vừa lạ. Niềm kinh ngạc khi đứng giữa núi non hùng vĩ, lại không cảm thấy mình quá nhỏ bé và xa lạ, bởi dưới chân là mùa màng, là sự sống gần gũi. Và rồi, bình yên - một thứ xúc cảm có phần xa xỉ với những kẻ đang bị vây cứng trong xô bồ và lo toan - cứ thế được nhen nhóm và tràn đầy khắp cơ thể cùng tâm hồn.

Pù Luông mùa lúa chín là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Nhịp sống về đêm của Pù Luông cũng có cái thú vị riêng. Sau một ngày mệt nhoài leo trèo, lội ngắm, rồi check in đủ kiểu với lúa vàng – một cái thú không còn xa lạ với những người mê du lịch – chờ du khách là bữa tối khá lạ vị mà ngon lành. Trong cuộc sống hàng ngày, người Thái vẫn giữ được nhiều món ăn đặc trưng, từ cách chế biến và gia vị riêng có, với thịt nướng, cá bọc lá hấp, cơm lam, măng đắng luộc, canh uôi, rau rừng xào và đặc biệt nhất là món thịt vịt thơm, mềm, béo mà không ngán... Sau bữa ăn, du khách có thể tản bộ trên con đường đất, nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo, xen giữa những nếp nhà sàn và ngắm phía xa vài tia sáng yếu ớt lọt thỏm trong mảng rừng đen kịt. Hoặc nếu có nhã hứng, khách có thể hòa vào điệu xòe hoa, múa quạt của các thiếu nữ Thái trẻ trung, duyên dáng và kết thúc bằng chum rượu cần chưa uống đã say trong mùi hương và say luôn tiếng nói cười.

Trải nghiệm Pù Luông mùa vàng mà không ngắm nhìn nó ở buổi sớm mai, thì sẽ thật có lỗi với ánh nhìn và xúc cảm. Bình minh Pù Luông được đánh thức bằng tiếng chim rừng ngái ngủ và thảng thốt vọng lại từ cánh rừng già. Trong bảng lảng sương sớm còn vờn trên trảng rừng và những mõm núi còn gối đầu trên bờ mây, cái cảm giác vừa mơ màng, vừa rạo rực tưởng chừng là hai thái cực khác nhau, bỗng chốc đan cài trong cùng một khung cảnh, ở cùng một tâm trạng con người. Nắng sớm từng sợi, từng sợi xuyên qua tầng mây, đọng lên thảm lúa vàng ẩm ướt hơi sương. Sắc màu tươi mới ấy được gói gọn trong hai từ tinh khôi và rạng rỡ. Vậy mới nói, nếu màu vàng là biểu tượng của ánh sáng, thì sắc vàng của lúa chín nằm lười biếng dưới ánh mặt trời, chính là thứ ánh sáng diệu kỳ nhất của bình yên và no ấm, của sự sinh sôi và trù phú, mang lại cho những nếp nhà sàn dưới bóng đại ngàn Pù Luông.

Ảnh: HT

Để ngắm nghía và trải nghiệm trọn vẹn mùa vàng Pù Luông, có hai thời điểm cho du khách lựa chọn. Hoặc là cuối tháng 5 đầu tháng 6, hoặc là cuối tháng 9 đầu tháng 10. Phải đến Pù Luông mùa lúa chín để biết thế nào là “màu thời gian”. Thời gian tưởng chừng “vô hình”, nhưng ở Pù Luông, thời gian được phản chiếu qua từng dấu vết ăn mòn của sắc màu trên những thửa ruộng bậc thang. Màu xanh của tuổi lúa đương thì con gái, chuyển dần sang sắc xanh đậm đà khi lúa trổ bông và rồi vừa đến độ, cái tông vàng ấm áp cứ thế bật ra, báo hiệu mùa màng no đủ. Dẫu chưa thể sánh với ruộng bậc thang Hoàng Sù Phì, vốn đã quá nức tiếng với dân phượt, bởi sự kỳ vĩ cùng vẻ đẹp khó cưỡng. Song, ruộng bậc thang Pù Luông vẫn có được dáng dấp riêng, e ấp như thiếu nữ Thái lần đầu gặp người lạ và đằm thắm như khúc tình ca sơn dã, vọng lại bên bờ suối trong đêm trăng. Ruộng bậc thang Pù Luông vẫn xứng là tạo tác tuyệt vời từ bàn tay lao động của con người, dựa trên “chất liệu” là sự hào phóng của tự nhiên. Đó là mối liên hệ, là sự hợp tác góp phần làm đẹp cho nhau và làm cho con người trở nên hạnh phúc. Dẫu niềm hạnh phúc ấy, có đôi khi thật giản dị.

Ảnh: HT

Không ngẫu nhiên mà màu vàng lại thu hút sự chú ý hơn bất kỳ màu sắc nào trên bảng màu tự nhiên. Những mảng đại ngàn xanh ngút ngát tầm mắt được điểm tô bằng những dải lụa vàng uốn lượn, sóng sánh; hay cái sắc vàng của lúa chín là nét chấm phá đặc sắc lên mảng màu sự sống nơi đại ngàn.

Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/mua-vang-pu-luong/102440.htm