Mùa Vu lan và những bà mẹ trên sân khấu
Mùa Vu lan, nhớ đến những bà mẹ được khắc họa trên sân khấu. Đó là những nhân vật làm khán giả xót thương và rơi nước mắt.
Nghệ sĩ Ái Như và Hoàng Vân Anh trong vở 'Bông hồng cài áo' Ảnh: H.K
Sân khấu TP.HCM đang thể hiện những tình mẹ bao la vào mùa Vu lan. Mới nhất là bà mẹ trong vở Bông hồng cài áo (Sân khấu Hoàng Thái Thanh). Bị phụ tình, bà lặng lẽ nuôi hai đứa con không hề thở than, oán trách. Quang gánh trên vai, bà gánh chè đi khắp nẻo đường mưa nắng, nhưng có một nẻo đường bà không hề ngờ, chính là lòng người phân biệt sang hèn. Những đứa con lớn lên, chối từ bà mẹ nghèo để tìm về nơi sung sướng. Bà đau đớn lắm, nhưng vì tương lai của con mà chấp nhận. Cuối cùng, những đứa con bị cuộc đời vùi dập mới hiểu thế nào là tình mẹ. Tiền bạc không ấm áp, không chở che, bao dung như mẹ đã từng. Khi những đứa con hối hận quay về thì mẹ không còn nữa....
Đừng để muộn màng mới biết thương mẹ
Bông hồng cài áo nhắc nhở chúng ta đừng để muộn màng mới biết thương mẹ, ăn năn khi đến mùa Vu lan. NSND Kim Cương đã lấy nước mắt khán giả suốt 50 năm trong vai bà Tư bán chè này, giờ đến lượt nghệ sĩ Ái Như nối tiếp bằng một phiên bản không kém nghẹn ngào.
NSND Kim Xuân và Vân Trang trong vở Ngôi nhà không có đàn ông
Và đến mùa Vu lan, nóng hổi trên Sân khấu nhỏ 5B là vở Diều ơi, trong đó NSƯT Quỳnh Hương xuất sắc trong vai bà Hai, mẹ của cô Nhớ điên điên khùng khùng. Cô Nhớ bị phụ tình nên thành một đứa trẻ con như thế, bà Hai lại phải tiếp tục nuôi con khi tuổi đã xế chiều. Chưa kể còn thêm một đứa cháu ngoại là bé Diều do cô Nhớ có thai với kẻ lừa đảo. Thân già mòn mỏi gánh trên vai cái gánh quá sức mình, lưng còng xuống vì cơ cực, vì nỗi đau oằn nặng trong lòng. Bà Hai đau đớn vì con mình bị trêu ghẹo, xua đuổi, đánh đập, bà dang đôi tay yếu ớt ra che chở cho con. Bất luận thế nào thì mẹ cũng không bỏ con, vẫn bảo vệ con tới cùng. Cho đến lúc hơi tàn sức kiệt, bà lặng lẽ ra đi như một chiếc lá thu lìa cành… Mùa Vu lan xem những vở này khán giả khóc như mưa là vì thế.
NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quỳnh Hương và bé Gia Hân trong vở Diều ơi
Vượt qua nghịch cảnh
Lại có một bà mẹ rất lạ lùng trong vở Bao giờ mẹ lấy chồng (Sân khấu Thế Giới Trẻ) do nghệ sĩ Thu Trang đóng thật hay, hay đến bất ngờ. Một bà mẹ hết lòng với những đứa con không do mình đẻ ra, ở trong một cô nhi viện. Bà Xuân bỏ cả tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc đàn con, chối từ những mối tình, chấp nhận cô đơn. Nhưng bà hạnh phúc với con đường mình đã chọn, tạo nên một mái ấm thật sự cho những đứa trẻ lạc loài. Lạ thay, cuối cùng bà vẫn có được một tình yêu chân thành từ một anh phi công ít hơn mình 12 tuổi. Kịch bản rất cảm động và nhân văn nhưng lại rất vui vì cài cắm một chuyện tình lệch pha như thế, tưởng rất khó tin, mà lại tin được, nhờ diễn xuất quá giỏi của các diễn viên.
Thường thì những nhân vật bà mẹ nghèo khổ dễ làm người ta xúc động, nhất là trong mùa Vu lan, báo hiếu. Nhưng có những tình mẹ mà thoạt nhìn khó thể nhận ra, lắm khi lại nghĩ đó là bà mẹ khe khắt, xấu ác. Như bà mẹ trong vở Ngôi nhà không có đàn ông do NSND Kim Xuân đóng (Sân khấu IDECAF), phải nhìn xuyên qua lớp áo giàu sang và độc đoán thì mới hiểu bà rất thương con. Bà đã từng bị người chồng phản bội nên sợ hãi và căm thù đàn ông. Rồi bà bắt cả nhà gồm 4 cô con gái và một người em gái cũng phải “phòng thủ” như bà. Ai cũng khó chịu và oán giận bà. Nhưng cuối cùng bà vẫn mở lòng tha thứ và ấp yêu cô con gái cùng đứa cháu ngoại kết tinh từ sự “nổi loạn”. Tảng băng trong bà đã tan, bà trở lại là một bà mẹ dễ chịu với nụ cười và vòng tay ấm áp. Thật ra bà vẫn luôn yêu thương bầy con của mình đó thôi, chỉ có điều bà yêu trong nỗi lo lắng nên xây một hàng rào nhốt con mình vào đó. Cách yêu vụng về sau một chấn thương tâm lý quá lớn, có thể được thông cảm. Trong đời có biết bao bà mẹ như thế, cấm con cái này, cấm con cái kia, suy cho cùng cũng chỉ là muốn bảo vệ con chứ không hề ghét bỏ, tàn ác với con.
Lòng mẹ luôn bao la, chỉ khác nhau ở cách yêu con mà thôi. Xin tặng một bông hồng cho mỗi bà mẹ trên đời nhân mùa Vu lan.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/mua-vu-lan-va-nhung-ba-me-tren-san-khau-a251858.html