Mùa vui nay đã về
Còn gì đẹp hơn trong khung cảnh mùa xuân ấm áp, thanh bình, lứa đôi hò hẹn. Còn gì hạnh phúc hơn khi xuân về, nhà nhà đoàn viên trong một đất nước hòa bình, ấm no. Mùa vui nay đã về...
Mùa xuân thường mang đến nhiều xúc cảm nhất, khơi dậy nhiều ước vọng, khao khát yêu thương, hạnh ngộ của con người, đặc biệt là với người Việt Nam. Qua bao giá rét, qua gian lao trận mạc, mùa xuân về với đất nước quê hương thật tươi đẹp. Và các nhạc sĩ đã đón bắt thời khắc kỳ diệu đó của thiên nhiên, con người để viết nên nhiều giai điệu bất hủ.
Mozart là nhạc sĩ thiên tài từng được mệnh danh “thần đồng âm nhạc” của nước Áo và của thế giới ở thế kỷ XVIII. Giai điệu “Sehnsucht nach dem Fruhling” (Khát vọng mùa xuân) k.596 được Mozart viết cho giọng nữ và phần đệm piano. Lời ca là bài thơ cùng tên của Chrisitian Adolf O Verbeck. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chuyển thể thành phiên bản tiếng Việt cả về phần âm và ca từ, tiết tấu chậm hơn, phù hợp với giọng nữ. Nhờ thế, các em thiếu nhi Việt Nam một thời đã hát và phổ biến ca khúc này. Đến nay, nhiều người dù không nhớ đến tác giả ban đầu nhưng đã cùng ngân lên niềm khát khao sống, khát khao hòa mình vào thiên nhiên của hàng triệu người trên thế giới, nhất là mỗi năm khi mùa xuân quay trở về. Giai điệu du dương, tha thiết, trong sáng cùng với ca từ đẹp đã gọi về bao mến yêu:
Này mùa xuân ơi đến mau đây
Về cho thêm xanh lá cây rừng.
Trở về dừng bên suối trong lành
Nhìn hoa đang hé tưng bừng.
Khao khát mùa xuân yên vui lại đến sẽ thấy muôn hoa đẹp xinh.
Này thời gian ơi những tháng năm đợi chờ,
Đến đây ta đang mong chờ.
Khao khát yên vui hạnh phúc, mùa xuân tươi vui xinh đẹp là khao khát chung của toàn nhân loại. Có sống trong những tháng ngày đất nước có chiến tranh mới thấm thía vô cùng mùa xuân hạnh phúc. Nhạc sĩ Văn Cao từng viết là “mùa bình thường mùa vui nay đã về”. Những hạnh phúc bình thường giản dị ấy từng một thời không có được, nên với ông, những ngày đón mùa xuân sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi (1976) là “mùa xuân đầu tiên”, “mùa xuân mơ ước” của đoàn tụ, yêu thương: Với khói bay trên sông/ Gà đang gáy trưa ven sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn. Dẫu chiến tranh đã đi qua lâu rồi, nhưng mỗi lần nghe lại bài hát này, tôi vẫn vô cùng xúc động trước cảnh đoàn viên của biết bao gia đình với những hình ảnh ấm áp, lung linh:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Cũng hòa chung niềm vui đất nước khải hoàn, hai miền Nam - Bắc thống nhất, Nhân dân được sống trong hòa bình, tự do nhưng nhạc phẩm “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” của nhạc sĩ Trần Chung lại cao vút rộn ràng, hân hoan, sôi nổi. Năm 1976, nhạc sĩ có chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam và chứng kiến những đôi trai gái hân hoan đón mùa xuân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, không khí đoàn tụ của nhiều gia đình, sự nhiệt huyết của các bạn trẻ trong công cuộc tái thiết đất nước, ông rất xúc động. Ẩn chứa sau câu chuyện tâm tình của chàng trai và cô gái là tâm trạng chung của toàn dân đón mùa xuân mới. Giai điệu như là lời reo vui với những tiếng gọi “Kìa em!”, “Nghe em”: Nghe em mùa xuân nói gì đó/ Xúc động lòng ta trước cuộc đời/ Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én đã bay về/ Ríu rít ngang trời/ Chim hót chào bàn tay dựng xây/ Trên tầng cao có thấy/ Mùa xuân náo nức công trường/ Đồng lúa mới dâng hương.
Nửa thế kỷ qua, đất nước ta được sống trong hòa bình, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đó là nhờ có Đảng và Bác Hồ. Đi theo Đảng là tâm nguyện của toàn dân. Mỗi mùa xuân về, không khí mừng Đảng, mừng xuân lại náo nức khắp các miền quê. Huy Du là nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc cách mạng với nhiều ca khúc sôi nổi, đầy hào khí, thúc giục cả đoàn quân, cả dân tộc tiến về phía trước. Ca khúc “Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi!” có giai điệu trầm hùng, mạnh mẽ như thúc giục toàn dân cùng đi theo Đảng để đến với mùa xuân ấm no, hạnh phúc bằng niềm tin sắt son:
Việt Nam, ta tiến vào kỷ nguyên ánh sáng
Chủ nghĩa xã hội đẹp thêm năm tháng
Bước theo Đảng thủy chung trong trắng
Dẫu con đường còn qua mưa nắng
Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi!
Sống trong cảnh hòa bình, ấm no, non sông gấm vóc tươi đẹp, mỗi người đều muốn hòa mình vào những âm thanh, màu sắc trẻ trung tươi mới. Cái lây phây của hạt mưa xuân, cái tí tách của chồi non lộc biếc và ngàn hoa khoe sắc khiến ai cũng muốn cất lên bản nhạc của tâm hồn. Và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã đón bắt được những nốt nhạc tâm hồn ấy, viết nên giai điệu “Mùa xuân ơi!” vui tươi, rộn ràng, được nhiều người yêu thích. Bài hát được sáng tác vào năm 1995 bằng chất liệu âm nhạc sôi động, ca từ bình dị, diễn tả sự náo nức của lòng người trong dịp tết Nguyên đán với không khí yên lành và khát vọng về một “đất nước gấm hoa yên ấm an vui”, “em thơ khoe áo mới tươi cười”:
Xuân xuân ơi xuân đến rồi
Cánh én bay về cho tim mình náo nức
Xuân xuân ơi xuân đến rồi
Những đóa mai vàng chào mừng xuân sang.
Nghe âm vang bao câu chúc yên lành
Đất nước gấm hoa yên ấm an vui
Bao em thơ khoe áo mới tươi cười
Chào một mùa xuân mới.
Viết về những ca khúc mùa xuân, tôi không thể không nhắc đến nhạc phẩm mà mình yêu thích: “Thì thầm mùa xuân” của nhạc sĩ Ngọc Châu qua giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh. Chỉ 3 khổ thơ và điệp khúc cuối cùng “Để rồi đắm say/ Để rồi ngất ngây” nhưng từng nốt nhạc cứ miên man rót vào lòng người những gì tinh túy nhất của mùa xuân, rót cả tình yêu, tuổi trẻ, sự rạo rực của con tim, ký ức trong sáng của tình yêu đầu đời. Những trầm bổng, nhấn nhá, ngân vọng của từng nốt nhạc càng nhân lên những say đắm nồng nàn của mùa xuân, tình yêu. Ca từ đẹp, hình ảnh nhân hóa “làn gió khẽ vuốt tóc em” đã khiến biết bao thính giả mê dụ:
Từng chồi non xanh mơn man
Từng hạt mưa long lanh rơi mùa xuân
Và trong ánh mắt lấp lánh
Lời yêu thương, yêu thương ai ngập ngừng
Mùa xuân đã đến bên em
Và mùa xuân đã đến bên anh thì thầm
Làn gió khẽ vuốt tóc em
Và làn gió nói cùng em, nhớ thương
Còn gì đẹp hơn trong khung cảnh mùa xuân ấm áp, thanh bình, lứa đôi hò hẹn. Còn gì hạnh phúc hơn khi xuân về, nhà nhà đoàn viên trong một đất nước hòa bình, ấm no. Mùa vui nay đã về. Mùa yêu thương. Mùa hạnh phúc. Kho tàng âm nhạc mùa xuân của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và sẽ còn tiếp tục được các nhạc sĩ làm giàu lên, góp phần làm cho nhà nhà, người người thêm vui tươi hứng khởi khi Tết đến xuân về.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/mua-vui-nay-da-ve-post281239.html