Mua xe ô tô tồn kho giá rẻ không biết những điều này dễ mất tiền tỷ
Mua xe ô tô tồn kho giá rẻ là lựa chọn của nhiều người nhưng cần biết những rủi ro tiềm ẩn như chất lượng xe hay khả năng giữ giá về sau để tránh mất tiền oan.
Trước tình trạng dư cung, nhiều mẫu ô tô tồn kho đang được giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, giá rẻ không đồng nghĩa với “món hời”. Người mua cần thận trọng trước các rủi ro tiềm ẩn như chất lượng xe, thủ tục đăng kiểm hay khả năng giữ giá về sau.
Ngay từ những tháng đầu năm 2025, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến tình trạng cung vượt cầu rõ rệt, kéo theo hệ lụy là lượng xe tồn kho gia tăng mạnh.
Theo thống kê chính thức từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công Việt Nam và VinFast, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị này năm 2024 đạt khoảng 510.000 xe, thấp hơn mức đỉnh 520.000 xe năm 2022.
Còn theo Tổng cục Thống kê, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024 đạt 388.500 xe, nhập khẩu thêm 172.240 xe, tổng nguồn cung đạt 560.740 xe. Chưa kể khoảng 60.000 xe tồn từ cuối năm 2023, tổng lượng xe trên thị trường lên tới hơn 620.000 chiếc. Với mức tiêu thụ chưa đến 510.000 xe, thị trường đã rơi vào tình trạng dư cung hơn 110.000 xe.
Áp lực càng gia tăng khi bước sang đầu năm là thời điểm các hãng đồng loạt ra mắt mẫu xe mới khiến các hãng và đại lý buộc họ phải tung ra các chương trình ưu đãi sâu để giải phóng hàng tồn và chuẩn bị mặt bằng cho dòng sản phẩm kế tiếp.
Hàng loạt mẫu xe mới từ SUV, sedan đến MPV đồng loạt được giảm giá mạnh, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Dù mức giá hấp dẫn là yếu tố thu hút người mua nhưng xe tồn kho vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, thủ tục pháp lý và giá trị sử dụng lâu dài. Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định xuống tiền.

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva
Giá trị bán lại thấp, tốc độ mất giá nhanh
Một trong những yếu tố lớn nhất cần lưu ý khi mua xe tồn kho là khả năng giữ giá thấp. Theo nhiều chuyên gia từ các sàn giao dịch xe cũ, chỉ cần chênh lệch một đời xe, tức mua xe đời 2023 trong năm 2025 thay vì đời 2025 mới, giá trị bán lại có thể mất đi từ 50 đến 150 triệu đồng, tùy thương hiệu, phân khúc và dòng xe.
Xe càng ở phân khúc phổ thông, ít trang bị công nghệ hoặc thuộc thương hiệu ít tên tuổi thì tốc độ trượt giá càng nhanh. Đặc biệt, với những khách hàng mua xe chỉ để sử dụng ngắn hạn hoặc có ý định “lướt xe”, việc mua xe tồn kho có thể trở thành một khoản đầu tư không hiệu quả gây thiệt hại tài chính khi sang nhượng.
Chất lượng vận hành có thể bị ảnh hưởng sau thời gian dài lưu kho
Dù là xe mới 100% chưa lăn bánh nhưng nhiều mẫu xe tồn kho phải nằm bất động trong kho suốt 1–2 năm, có khi dài hơn. Việc này khiến nhiều chi tiết có thể xuống cấp theo thời gian nếu không được bảo quản đúng cách, nhất là ở các bãi xe ngoài trời.
Các bộ phận dễ hỏng như ắc-quy, lốp xe, phuộc, gioăng cao su, hệ thống điện tử, hệ thống phanh và nước sơn rất dễ bị lão hóa, ẩm mốc, rỉ sét hoặc mất khả năng vận hành tối ưu. Trong một số trường hợp, người dùng phải bỏ thêm chi phí để kiểm tra, bảo dưỡng, thậm chí thay mới ngay sau khi nhận xe.
Bên cạnh đó, một số mẫu xe tồn kho lâu cũng có thể không được cập nhật phần mềm điều khiển hoặc hệ thống giải trí khiến người mua bị "lạc hậu công nghệ" so với các phiên bản mới ra mắt gần đây, dù ngoại hình xe không thay đổi nhiều.

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva
Chu kỳ đăng kiểm bị rút ngắn theo quy định mới
Theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, chu kỳ đăng kiểm đầu tiên của ô tô không kinh doanh vận tải sẽ được tính từ năm sản xuất, không phải năm đăng ký như trước.
Điều đó đồng nghĩa, nếu người tiêu dùng mua một chiếc xe sản xuất từ năm 2023 trong năm 2025, thời gian đăng kiểm đầu tiên có thể chỉ còn chưa đầy 12 tháng, thay vì 30–36 tháng như xe đời mới. Đây là bất lợi rõ ràng, vừa gây phiền toái, vừa tốn thêm chi phí cho chủ xe, nhất là khi nhiều người chọn xe mới vì muốn “miễn lo đăng kiểm” trong vài năm đầu.
Rủi ro trong bảo hành và cập nhật chính sách
Ngoài ra, xe tồn kho cũng có thể gặp bất lợi về thời gian bảo hành, đặc biệt với các hãng tính bảo hành từ thời điểm xuất xưởng chứ không phải lúc bán ra. Điều này khiến người mua xe có thể “mất” vài tháng đến cả năm bảo hành dù chưa hề sử dụng xe.
Bên cạnh đó, các mẫu xe đời cũ đôi khi không còn được hỗ trợ cập nhật phần mềm, ứng dụng kết nối hoặc thay thế phụ tùng dễ dàng nếu hãng đã ngừng sản xuất linh kiện hoặc thay đổi thiết kế ở đời sau.
Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo và xác định rõ mục tiêu sử dụng trước khi quyết định mua xe. Nếu mua xe để sử dụng lâu dài (5–7 năm trở lên), những bất lợi nói trên có thể không đáng kể nhưng nếu chỉ định đi trong 2–3 năm rồi bán lại, hãy cân nhắc kỹ khả năng trượt giá và các chi phí phát sinh.
Ngoài ra, khi chọn mua xe tồn kho, hãy yêu cầu đại lý cung cấp thông tin minh bạch về số VIN, năm sản xuất, thời gian bảo hành còn lại, đồng thời kiểm tra tình trạng thực tế của xe tại kho (thay vì chỉ nhìn xe trưng bày). Nếu có thể, nên đưa xe đi kiểm tra tại gara độc lập trước khi ký hợp đồng để đảm bảo chất lượng.