Mùa xoài rụng

Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kế Sách (Sóc Trăng) hiền hòa chắc hẳn không thể nào quên được hình ảnh những vườn trái cây trĩu quả, bốn mùa thơm ngọt. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại quả cho vào miệng là chua xé lưỡi nhưng lại khiến con người ta vương vấn cả một đời.

Huyện Kế Sách vốn là thủ phủ cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng. Mùa nào trái ấy, ngọt có, chua có nhưng tựu lại đó là cái chất riêng biệt của vùng đất này mà không nơi nào có được. Nhắc đến các loại cây ăn trái ở Kế Sách thì không thể quên được xoài, một trong những loại cây đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây.

Xoài có nhiều loại, mỗi loại có một đặc điểm riêng biệt. To nhất chính là xoài tượng, mỗi quả xoài có khi nặng hơn cả kí, giống xoài này trái to nhưng thường ăn sống sẽ giòn, ngọt hơn khi chín. Còn chua nhất là giống xoài thanh ca, giống này quả không to, khi còn sống ăn rất chua nhưng để chín, trái ngọt thanh, không giống xoài nào so được. Ngoài ra, còn có xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, sau này có thêm xoài Đài Loan, xoài Thái… mỗi loại đều có hương vị riêng.

Trẻ em háo hức chờ xoài rụng. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Trẻ em háo hức chờ xoài rụng. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Ở quê ngày trước hầu như nhà nào cũng có trồng xoài, ít thì 1 - 2 cây, nhiều thì cả vườn rộng vài hécta. Ngày xưa, xoài trồng chủ yếu bằng hột nên từ khi trồng đến khi thu hoạch có khi phải mất cả chục năm. Mỗi năm, xoài cũng chỉ cho quả một vụ, độ trước tết Nguyên đán thì xoài bắt đầu ra hoa. Từ sau Tết kéo dài đến tháng Năm âm lịch là thời điểm xoài kết quả và chín. Thời còn khó khăn, thiếu thốn, mọi công đoạn chăm sóc xoài đều phụ thuộc vào tự nhiên nên người trồng xoài luôn mong sao cho mưa thuận gió hòa để có vụ mùa bội thu. Còn tụi con nít chúng tôi thì khác, mong cho qua Tết gió càng lớn thì càng mừng để đón chờ mùa xoài rụng.

Độ cuối tháng Hai âm lịch, không chờ thì cũng tự khắc tới. Không biết gió chướng từ đâu về mà cứ dồn dập từ ngoài sông Hậu ùa vào, người lớn thêm lo, tụi con nít thì thấy sướng. Nhưng nghĩ cũng lạ, cây cỏ chắc cũng có tình, bởi vậy dù gió có mạnh đến mấy thì xoài cũng chỉ dành tặng cho tuổi thơ một ít làm vui, còn lại vẫn cố gồng mình chống chọi với gió dữ để đến mùa lại dâng cho đời hương thơm, vị ngọt.

Nhớ hồi xưa nhà ông nội tôi có cây xoài sau nhà to nhất trong xóm, thân xoài cả hai dang tay của người lớn kết lại ôm cũng chưa giáp, còn tán xoài có thể che mát cả một góc vườn. Nghe ông tôi kể, cây xoài này đã có từ thời ông cố tôi, dù đã cao tuổi nhưng lá xoài vẫn xanh um, năm nào xoài cũng cho rất nhiều quả. Đây được xem là cây xoài mẹ của tất cả vườn xoài trong xóm. Đó cũng chính là nơi họp mặt của đám con nít xóm tôi.

Dưới bóng xoài mát rượi, chúng tôi có thể chơi nhà chòi, chơi bắn bi, trốn tìm… nhưng vui nhất vẫn là vào mùa xoài rụng. Vào mùa này, vui không thể tả. Từ hừng đông trời còn tối đất đến khi hoàng hôn trời tối mịt không lúc nào là thiếu tiếng cười trẻ thơ. Đơn giản là để chờ đợi những cơn gió chướng thổi qua cho xoài rụng để lượm. Đám bạn tôi có đứa vì mê lượm xoài mà chẳng chịu đi học, phải đợi cha mẹ cho vài roi đau điếng mới chạy vội đến trường.

Quả xoài từ khi bằng ngón chân cái người lớn là có thể ăn được, vì đây là thời điểm xoài đã bắt đầu có vị chua, nhưng ngon nhất vẫn là khi xoài già vàng đầu, trái đã có bột, ăn rất giòn, lại có vị chua ngọt rất đặc trưng. Tùy từng thời điểm mà chuẩn bị loại gia vị để chấm xoài. Khi xoài còn nhỏ, vị chua thì chuẩn bị chén nước mắm có pha ít đường để chấm. Còn khi xoài già, có bột thì chuẩn bị chén muối ớt để chấm mới ngon. Việc chuẩn bị này được chia đều cho các thành viên trong nhóm. Mặc dù cả xóm có đến vài chục đứa con nít nhưng chưa bao giờ vì miếng ăn mà chúng tôi lại gây gổ với nhau, tất cả đều ăn đồng, chia đủ. Xoài lượm xong đem rửa qua loa là ăn ngay, không cần gọt vỏ. Trái to thì đập vào cây cho bể rồi chia nhau ăn. Xoài có khi chua, khi ngọt nhưng trong ánh mắt trẻ thơ luôn ánh lên một niềm vui to lớn.

Ngoài ăn tại chỗ, sau một ngày “vất vả” chờ đợi lượm xoài thì đến khi giải tán nhóm, nếu ăn không hết, xoài lại được chia đều cho tất cả các thành viên. Xoài non thấy vậy chứ có thể làm được nhiều món ngon như: nấu canh chua, đem bằm sợi ra để chấm nước cá kho hoặc đem đi trộn gỏi với ít tép ruộng thì ngon không gì bằng.

Thời gian vụt trôi, chẳng giữ lại được thứ gì của quá khứ. Cây xoài sau vườn nhà ông tôi giờ cũng chỉ còn là ký ức hồn nhiên của một thời tuổi dại. Đám con nít trong xóm tôi giờ cũng tứ tán khắp nơi, may ra chỉ gặp nhau một lần vào dịp Tết đến. Nhiều gia đình giờ vẫn còn giữ lại vườn xoài nhưng chủ yếu là để làm kinh tế. Khoa học tiến bộ, mỗi năm người ta có thể làm cho xoài ra trái đến vài vụ, thu nhập vì vậy mà cũng được nâng cao nhưng hình ảnh những đứa trẻ chực chờ dưới gốc xoài chờ lượm cùng với tiếng cười nói râm ran cũng dần mất hút, mùa xoài rụng cũng theo đó mà trôi xa…

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202504/mua-xoai-rung-abe7720/