Mùa xuân còn mãi

Bài cuối:
HÁT MÃI KHÚC KHẢI HOÀN CA

BPO - Cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc kết thúc bằng chiến thắng ngày 30-4-1975, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của giới văn nghệ sĩ. Những ca khúc rạo rực khí thế tiến công, những khúc khải hoàn ca như luôn sẵn nơi trái tim mỗi người, chỉ chờ đợi để vang lên, hòa nhịp tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc.

Những giai điệu hào hùng cất lên, như đưa công chúng trở về những tháng năm hừng hực khí thế tiến công của quân, dân miền Nam anh hùng. Ca khúc không chỉ thôi thúc những bước chân hành quân mà còn lấp lánh niềm tin chiến thắng.

Những khúc hoan ca

Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân
Miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc
Anh đi về đâu từ Quy Nhơn đến Biên Hòa
Vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng.

“Mỗi bước ta đi”, một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Thuận Yến (tên thật là Đoàn Hữu Công) năm 1965, ra mắt công chúng đến nay đã 60 năm nhưng vẫn luôn tươi mới. Ca khúc này là một trong 5 tác phẩm đi cùng năm tháng được tỉnh Bình Phước tuyển chọn, tôn vinh dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Cũng như ca khúc đã “định danh” Bình Phước “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (năm 1966), “Mỗi bước ta đi” luôn vang lên trong những sự kiện quan trọng của tỉnh.

Tham gia trong Hội đồng Tuyển chọn ca khúc tiêu biểu về tỉnh Bình Phước nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định giá trị đặc biệt của ca khúc: “50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, còn gì bằng để chúng ta nghe lại những vệt âm nhạc mà từ “Mỗi bước ta đi” đã tạo cái cuối cùng, khép lại trận đánh cuối cùng giải quyết bài toán thống nhất đất nước. Đây là những bài hát của Tổ quốc nói chung và trong đó có Bình Phước, được thừa hưởng những cảm xúc thăng hoa của các nhạc sĩ”.

Trong nhiều sự kiện đặc biệt, lại vang lên giai điệu tự hào của những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng

Trong nhiều sự kiện đặc biệt, lại vang lên giai điệu tự hào của những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng

Hình ảnh “mỗi bước ta đi” mang tính biểu tượng cho hành trình cách mạng, sự đoàn kết và tinh thần tiến công không ngừng nghỉ của nhân dân Việt Nam, từ đó làm nên khúc khải hoàn ca chiến thắng. Đó là cảm xúc chủ đạo của những sáng tác trong thời kỳ cuối những năm kháng chiến.

Đã nửa thế kỷ, nhưng tiếng reo vui của cả một dân tộc trong mùa xuân lịch sử vẫn còn vọng mãi, qua những tác phẩm kinh điển như “Tiến về Sài Gòn” (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), “Đất nước trọn niềm vui” (nhạc sĩ Hoàng Hà), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (nhạc sĩ Phạm Tuyên), “Mùa Xuân trên TP. Hồ Chí Minh (nhạc sĩ Xuân Hồng), “Âm vang 30-4” (nhạc Hoàng Tạo, thơ Đoàn Hoài Trung)… Mỗi giai điệu vang lên là những giây phút lịch sử hào hùng được nhắc lại, như là tuyên ngôn bằng âm nhạc về tình yêu nước và niềm tự hào của một dân tộc kiên cường.

Ca sĩ Huỳnh Tân, người trưởng thành với dòng nhạc cách mạng cho biết, dẫu có biểu diễn ca khúc “Âm vang 30-4” bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào: Khi được hát những ca khúc cách mạng, những ca khúc về quê hương, đất nước, Tân như một lần nữa lắng đọng lại, tự hào hơn về truyền thống hào hùng của ông cha ta đã gìn giữ độc lập đến hôm nay, để con cháu tiếp nối sau này. Đó là niềm hạnh phúc!

“Âm vang 30-4” không chỉ là bài hát kỷ niệm chiến thắng mà còn là bản hùng ca bất hủ về tinh thần dân tộc. Với giai điệu hào hùng, ca từ giàu ý nghĩa, bài hát không chỉ ca ngợi quá khứ mà còn hướng tới tương lai, động viên thế hệ trẻ tiếp tục hành trình phát triển đất nước.

Lòng yêu nước - một giá trị văn hóa!

Những dịp đặc biệt của đất nước, giai điệu tự hào của những ca khúc cách mạng đưa chúng ta trở về những ngày tháng hào hùng. Những tác phẩm âm nhạc như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, để thế hệ hôm nay thêm tự hào về trang sử vẻ vang; trân trọng hơn giá trị của hòa bình mà ông cha ta đã đánh đổi bằng những tháng năm tuổi trẻ, bằng sự hy sinh không thể đo đếm được.

Đại tá Trần Quang Triệu khẳng định: Ngày nay, tiếng hát phải tiếp sức cho đất nước vươn mình

Đại tá Trần Quang Triệu khẳng định: Ngày nay, tiếng hát phải tiếp sức cho đất nước vươn mình

Mỗi khi nghe lại những ca khúc cách mạng, đặc biệt trong những ngày tháng Tư lịch sử này, Đại tá Trần Quang Triệu, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, không khỏi bồi hồi xúc động. Ông bày tỏ niềm tin của một người lính đã đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt: “Xưa kia tiếng hát át tiếng bom. Ngày nay, tiếng hát phải động viên toàn thể nhân dân ta vươn lên, nâng cao tinh thần thi đua lao động, sản xuất, đưa đất nước ngang tầm thế giới”.

Nghe những ca khúc đi cùng năm tháng gợi lại cho chúng ta ký ức, nhiều cảm xúc dâng trào. Mỗi người dân Bình Phước đang tự hào hướng tới 50 mùa hoa - từ năm 1975 đến nay. Càng tự hào hơn khi truyền thống quê hương cách mạng đang được mỗi con người, mỗi công dân Bình Phước phát huy bằng cách cống hiến hết sức mình để dựng xây đất nước. Bình Phước hôm nay đang viết tiếp những bài ca phát triển với khát vọng bay lên.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
MẠC ĐÌNH HUẤN

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã được phát huy trong thời kỳ giải phóng dân tộc, thời kỳ khó khăn của đất nước sau giải phóng. Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa yêu nước vẫn còn đó, vẫn phát huy tác dụng. Phải làm cho tinh thần yêu nước thể hiện sống động trong công việc hằng ngày, thể hiện bằng hiệu quả công việc thực tế. Đối với cán bộ, đảng viên, cách thể hiện tốt nhất tinh thần yêu nước là yêu dân, lo cho dân.

“Lo cho dân bây giờ không phải là chăm lo những điều tối thiểu như cái ăn, cái mặc nữa mà phải làm cho dân giàu, nước mạnh, quyền lợi người dân phải được coi trọng. Đó chính là cách thể hiện tốt nhất tinh thần yêu nước trong thời kỳ mới” - Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo nhắn gửi.

Mở ra tương lai

Kể từ dấu mốc lịch sử năm 1975, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ. Vết tích của chiến tranh đã nằm lại phía sau khung cảnh rực rỡ và nhịp sống hối hả của thành phố hôm nay. Trong những buổi hội ngộ, các cựu chiến binh không khỏi xúc động khi đã góp phần công sức của mình vào sự phát triển của đất nước.

Thống nhất toàn vẹn Tổ quốc, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân là mục tiêu của cuộc cách mạng. Chứng kiến TP. Hồ Chí Minh đang từng ngày đổi mới, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, người đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, quan trọng như: Mậu Thân 1968, chiến dịch 150 ngày ở chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng (năm 1972), Chiến dịch Đường 14 - Phước Long cuối năm 1974 đầu năm 1975, Chiến dịch Dầu Tiếng - Đường 20 (tháng 3-1975), Xuân Lộc (tháng 4-1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975)… không khỏi tự hào: “TP. Hồ Chí Minh bây giờ khác hẳn so với 50 năm về trước, khi chúng tôi thực hiện quân quản Sài Gòn. Chúng tôi thấy rõ cuộc sống người dân lúc đó đại đa số khó khăn, chỉ số ít là khá giả. Cuộc sống của mình bây giờ là cuộc sống của toàn dân, thành phố bây giờ cũng khác hẳn. Rõ ràng là sự tiến bộ vượt bậc, thay đổi vượt bậc”.

Từ Quận 8 qua Quận 2, thành phố Thủ Đức, nơi ông đã từng góp mặt trong trận đánh cuối cùng bảo vệ cầu Rạch Chiếc, cựu chiến binh La Ngọc Trãi cũng bùi ngùi xúc động. Đi theo cách mạng vì lý tưởng xây dựng đất nước phồn vinh, nay ông đã phần nào toại nguyện khi chứng kiến TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đang vươn đến tầm cao mới.

“Tôi thấy qua quá trình cống hiến của mình trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đến nay qua 50 năm, đời sống mọi mặt đều phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự chủ và giàu mạnh” - cựu chiến binh La Ngọc Trãi chia sẻ niềm tin của mình.

Giành lại độc lập dân tộc, ngày nay tự tin tiến bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hòa bình, hội nhập - Đó là khúc khải hoàn ca chiến thắng mà nhân dân cả nước luôn mong đợi, tự hào!

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171883/mua-xuan-con-mai