Xanh mát những triền đê

Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất phù sa màu mỡ do hệ thống các con sông lớn tạo nên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm khai thác có hiệu quả đất bãi bồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những cây giống xanh mướt đầy sức sống.
Nằm ven dòng sông Hồng, vùng đất bãi ven sông xã Nam Điền (Nam Trực) phủ kín một màu xanh mướt. Trên những luống cây đã được quy hoạch, nhiều nông dân đang cần mẫn chăm sóc từng gốc cây mai vạn phúc, nguyệt quế, chuỗi ngọc, cỏ lạc, mắt tai, cỏ Nhật, hoa hồng và các loại cây công trình… là những giống cây phù hợp với vùng bãi bồi sát chân đê. Bà Nguyễn Thị Hằng ở khu dân cư 1 cho biết: “Tận dụng lợi thế phù sa màu mỡ của vùng đất bãi, cùng với nghề trồng cây cảnh truyền thống của địa phương, chúng tôi đã tập trung phát triển trồng các loại cây trồng đặc trưng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay gia đình tôi trồng 3 mẫu các loại cây công trình và các loại cây, cỏ khác, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/người”.

Người dân phun thuốc cho cây giống.
Bên cạnh khu đất trồng của bà Hằng, bà Nguyễn Thị Hường cũng đang cần mẫn chăm cho 6 sào mai vạn phúc, nguyệt quế và râm bụt. Từng luống cây xanh mướt, điểm những bông hoa trắng, vàng, đỏ bên cạnh dòng sông xanh mát đẹp như một bức tranh sống động, yên bình. Phía bên kia đê, làng Vị Khê bát ngát những vườn hoa sắc thắm, cây cảnh, cây thế, bonsai chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân đê. Cây cảnh Vị Khê từ lâu đã được giới chuyên môn trong làng hoa cây cảnh đánh giá cao bởi vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, không lẫn với bất cứ đâu. Với đôi bàn tay tài hoa, kế thừa những tinh hoa nghề truyền thống hàng trăm năm của ông cha truyền lại, người dân nơi đây đã khéo léo cắt tỉa, uốn cây, tạo ra những thế, dáng cây kỳ thú, đẹp mắt, mang đậm lối cổ xưa, ẩn chứa những triết lý nhân văn sâu sắc.

Với đôi tay khéo léo, tài hoa, người dân xã Nam Điền trồng cây giống.
Cũng nằm ven sông Hồng, xã Nam Thắng có diện tích đất nông nghiệp ở vùng đất bãi màu mỡ do phù sa bồi đắp nên rất thuận lợi cho trồng trọt. Trước đây, trên vùng đất này, người dân trong xã chủ yếu trồng dâu, nuôi tằm để phát triển nghề dệt vải, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, gia đình ông Lâm Văn Tiu là một trong những người đầu tiên của địa phương đã đưa cây cỏ Nhật về trồng thử nghiệm. Cây hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt và đầu ra ổn định, thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây dâu tằm. Hiện tại, xã có khoảng 100ha diện tích trồng cỏ Nhật với trên 300 hộ tham gia canh tác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 950 lao động của xã. Loại cỏ này đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống trước đây.

Tận dụng lợi thế nằm cạnh dòng sông Hồng, người dân xã Nam Điền (Nam Trực) ươm trồng giống cây cảnh.
Với lợi thế vùng đất bãi ven sông Hồng phì nhiêu, màu mỡ cùng kinh nghiệm thâm canh trồng hoa lâu đời, từ nhiều năm nay xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) đã trở thành một trong những “vựa hoa” lớn nhất tỉnh. Từ triền đê nhìn xuống, các ruộng hoa nổi lên tạo thành một bức tranh lớn với các mảng màu rực rỡ đan xen. Toàn xã có trên 1.350 hộ dân tham gia trồng hoa với diện tích khoảng 250ha, thu nhập từ trồng hoa đạt 650 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ với diện tích đất trồng lớn có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Nghề trồng hoa đã giúp nhiều hộ dân tại đây vươn lên làm giàu, đồng thời đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn ngày càng khang trang hơn. Để hỗ trợ người dân thuận lợi trong việc buôn bán, vận chuyển hoa, xã Mỹ Tân đã nâng cấp, mở rộng và cứng hóa mặt đê, mở chợ hoa ngay trên đê để thuận tiện cho việc buôn bán.

Những cây giống xanh mướt đầy sức sống.
Toàn tỉnh hiện có 28 bối nằm dọc theo các tuyến sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào với tổng diện tích khoảng 5.220ha, trong đó diện tích đất canh tác ngoài bãi trên 3.320ha. Với lợi thế về đất đai màu mỡ, thời gian qua các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, khai thác được tiềm năng đất đai, hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới.
Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202504/xanh-mat-nhung-trien-de-c0555d0/