Mùa xuân của trẻ khiếm thị
Đến trung tâm những ngày này, mọi người sẽ bắt gặp những chiếc nón lá màu sắc sặc sỡ được các em ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh xếp hàng dài phơi trên khóm cây cho khô màu.
Những ngày giáp tết, không khí ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh rộn ràng hơn hẳn. Tất cả các học viên, giáo viên của trường tất bật chuẩn bị các sản phẩm phục vụ mùa tết. Người làm móc khóa, phơi muối, người tưới cây chăm sóc vườn hoa, trang trí phông nền chụp ảnh tết... làm cho mọi người ngang qua trung tâm cảm thấy nôn nao, trông chờ ngày tết đến.
Đến trung tâm những ngày này, mọi người sẽ bắt gặp những chiếc nón lá màu sắc sặc sỡ được các em ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh xếp hàng dài phơi trên khóm cây cho khô màu.
Chúng là những sản phẩm được các em học viên tại trung tâm sáng tạo sau những tiết học kỹ năng do các cô giáo tại trung tâm chỉ dạy. Đây cũng là một trong những sản phẩm phục vụ mọi người trong dịp tết nguyên đán.
Bên cạnh nón lá, các em còn làm các sản phẩm thủ công khác như móc khóa hạt cườm, bao lì xì hay thực phẩm sử dụng trong dịp tết như kiệu ngâm chua, muối ớt, bánh tráng. Đặc biệt, các em còn tự tay trồng rau xanh, hoa tươi các loại như vạn thọ, hướng dương, mào gà... tạo thêm sự phong phú cho quầy hàng tết tại trung tâm.
Nguyễn Thị Bích Nga, 13 tuổi, đang là học sinh lớp 3 Trường Khuyết tật tỉnh, tham gia sinh hoạt tại trung tâm đã vài năm. Nga là trẻ khiếm thị nhưng rất thích vẽ tranh. Những màu sắc xinh tươi được cô bé khiếm thị tỉ mỉ vẽ trên nón lá. Nga hồn nhiên nói: “Con rất thích vẽ và đã học vẽ được hai năm. Con cũng rất thích vẽ nón lá, đến nay, con vẽ được 15-16 cái nón.
Gần đến tết, con vẽ những hình ảnh vui tươi như các bạn nhỏ vui chơi, bánh chưng, múa lân, cảnh đón giao thừa. Ngoài ra, con rất thích vẽ hoa sen, vẽ phong cảnh núi Bà. Con hy vọng những sản phẩm của mình sẽ được các cô chú yêu thích và mua chúng”.
Nga chia sẻ, ngoài kỹ năng vẽ, em còn được học nhiều kỹ năng định hướng: nấu ăn, giao tiếp, đàn, hát... “Con hy vọng kiếm được việc làm và thành công trong tương lai”- Nga bày tỏ.
Tại quầy hàng bày bán sản phẩm phục vụ mùa tết trước cửa trung tâm, em Nguyễn Hương An và vài người bạn được phân công phụ trách bán hàng. An nói: “Con có tham gia làm muối ớt và móc khóa hạt cườm. Vì mắt kém nên con học cách sử dụng dao khá lâu mới có thể tự tin dùng dao. Đến nay, con làm khá thành thục, có thể tự mình làm món củ kiệu ngâm chua. Các thầy cô đã dạy tụi con làm ra chúng và bày bán trong dịp tết này, vui lắm ạ”.
Là học viên ở trung tâm vài năm, Hương An đã được học nhiều kỹ năng tự lập, hướng nghiệp (học làm muối ớt, kết hạt...). Hương An chia sẻ: “Đây là những kỹ năng sẽ giúp ích cho con sau này. Con hy vọng sẽ có việc làm tại nhà và bán được các sản phẩm chính tay mình làm ra, có thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Con cũng mong những sản phẩm chúng con làm ra trong dịp tết này sẽ được mọi người đón nhận, mang lại niềm vui và kỷ niệm đẹp cho tụi con và người mua”.
Trong chuyến thăm, tặng quà tết cho các em nhỏ tại trung tâm, em Trần Thị Trúc Thi, học sinh Trường THPT Quang Trung (Gò Dầu) có những trải nghiệm vui. Tại đây, Thi bất ngờ khi các em khiếm thị có thể tự tay làm ra những sản phẩm kỳ công như vậy.
Thi chia sẻ: “Sau khi đi dạo một vòng, em đã chọn mua sản phẩm móc khóa do các em làm. Em rất thích sản phẩm này vì chúng được các bé làm rất tỉ mỉ, sáng tạo. Mong rằng sẽ có thêm nhiều người biết đến những sản phẩm này và mua ủng hộ các em”.
Ý tưởng bán các sản phẩm thủ công của các học viên khiếm thị tại trung tâm là một ý tưởng nhân văn do chị Cao Thị Thu Thanh- Phó Giám đốc trung tâm nảy ra khi dạy các em kỹ năng định hướng. Đồng hành chỉ dạy, hướng dẫn các em học kỹ năng mỗi ngày, chị Thanh thấy sự tiến bộ nơi các em.
Chị Thanh cho biết, tại trung tâm, các em được dạy phục hồi các kỹ năng như nấu ăn, tự phục vụ bản thân, định hướng di chuyển, làm vườn, chăn nuôi và trồng trọt. “Sản phẩm các em làm ra ngày càng nhiều. Dịp tết này, chúng tôi có ý tưởng giúp các em ứng dụng kỹ năng qua việc trồng và chăm sóc các loại hoa, rau xanh hay những món ăn phục vụ tết. Đây cũng là dịp để các em thể hiện kỹ năng kinh doanh từ việc bán các sản phẩm mình làm ra, giúp các em thêm tự tin trong thực hành kỹ năng nghề”.
Theo chị Thanh, tất cả các em ở trung tâm là trẻ khiếm thị đa tật nên quá trình học cần đào tạo kỹ năng phục hồi. Việc học kỹ năng này sẽ duy trì ở các em từ 13 cho đến 22 tuổi, các em được học văn hóa buổi sáng, học kỹ năng buổi chiều. Kỹ năng nghề sẽ giúp các em tự tin khi trở về hòa nhập xã hội, tìm được công việc để ổn định cuộc sống, tự nuôi bản thân.
Sản phẩm của các em tại trung tâm được bán trong dịp tết này có muối ớt, kiệu chua, cải sậy, các loại hoa kiểng như vạn thọ, hướng dương, ly… với giá thành rất “mềm”. Chị Thanh cho biết: “Chúng tôi muốn lan tỏa việc làm này để mọi người biết, các em dù khiếm thị nhưng vẫn có thể tự lập, làm việc và nuôi được bản thân. Mong rằng mọi người ủng hộ, giúp các em có thêm động lực, tự tin để phát triển”.
Theo chị Thanh, nếu mô hình thử nghiệm thành công, các em sẽ duy trì việc bán sản phẩm của mình quanh năm, thông qua hình thức bán trực tiếp hay online. Tiền thu được sẽ tiếp tục mở những lớp dạy kỹ năng mới để các em có thể chọn được cho mình một nghề phù hợp, gắn bó lâu dài, có thể phục vụ cho bản thân, gia đình.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mua-xuan-cua-tre-khiem-thi-a168576.html