Mùa xuân lên Hòa Phú nghe đàn H'Roa

Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, đồng bào Cơ Tu trú tại TP Đà Nẵng vẫn lưu giữ được cho mình nhiều bản sắc văn hóa quý giá về phong tục, lễ hội, âm nhạc...

Góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đó phải kể đến vai trò của già làng Nguyễn Văn Cần (79 tuổi, trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), bởi Già đã biết sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: Kèn Cabluôc, kèn Kooc, sáo Rahêm, đàn Tapêh... thì đàn H’roa là loại đàn rất độc đáo và gắn liền với truyền thống văn hóa bao đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu vùng thấp nơi đây.

Già làng Nguyễn Văn Cần vừa chơi đàn H’roa.

Già làng Nguyễn Văn Cần vừa chơi đàn H’roa.

Hằng năm khi đông tàn, xuân đến, già làng Nguyễn Văn Cần mang cây đàn H’roa ra lau chùi, tu bổ lại… để “kéo” trong những ngày xuân, góp phần cho thêm phong phú “hương sắc” vùng cao TP Đà Nẵng. Ở các huyện vùng cao như: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang…(Quảng Nam) gọi là đàn Abel; Đồng bào Cơ Tu ở vùng thấp (Cơ Tu phương) các xã Hòa Bắc, Hòa Phú (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gọi là đàn H’roa.

Theo quan sát của chúng tôi, thân đàn được làm bằng một ống nứa, trúc… dài 35 cm, đế đàn làm bằng gỗ nối vào thân đàn. Dây đàn làm bằng dây cước nối từ một trục gỗ (lên dây) đầu thân đàn đến đế đàn. Trên thân đàn, dưới chỗ “lên dây” có gắn 3 cục sáp ong để làm nút bấm khi chơi đàn.

Ở điểm tiếp giáp dây đàn với đế đàn có một sợi dây mảnh, bằng dây rừng dài khoảng 60-70 cm, phần cuối sợi dây này nối với một chiếc vảy trút mỏng hình tròn hay bầu dục có đường kính hơn 2 cm. Ngoài các bộ phận liên kết trên thân đàn trên đây còn có một bộ phận rời là một cây tre vót nhỏ dài khoảng 30 cm dùng để tác động kéo qua, kéo lại trên sợi dây đàn để tạo âm thanh dài, ngắn, ngắt quãng khác nhau.

Già làng Nguyễn Văn Cần đang hướng dẫn lớp trẻ chơi nhạc cụ truyền thống Cơ Tu.

Già làng Nguyễn Văn Cần đang hướng dẫn lớp trẻ chơi nhạc cụ truyền thống Cơ Tu.

Đàn H’roa có thể một người hoặc hai người cùng chơi để hát đối đáp, hát lý trao đổi ý kiến, tâm tư tình cảm với nhau. Trong trường hợp một người sử dụng thì một tay dùng cây tre (bộ phận rời của cây đàn) kéo qua kéo lại trên dây đàn như hình thức kéo đàn nhị (đàn cò) của người Kinh; tay kia bấm vào các nốt trên thân đàn.

Sự kết hợp này sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau đồng thời miệng ngậm chiếc vảy trút để dùng lưỡi và hơi tạo nên những âm thanh như tiếng nói của người, tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng trai gái tỏ tình... Trong trường hợp có hai người sử dụng thì một người kéo đàn còn người kia ngậm vảy trút để “hát không hả miệng” và diễn đạt điều mình muốn nói, muốn hát với người kéo đàn; hai người có thể thay đổi cho nhau để thỏa niềm mơ ước.

Đàn H’roa là loại nhạc cụ sử dụng thông dụng cho mọi người với mục đích thể hiện tâm tư tình cảm của riêng mình hay giữa 2 người với nhau. Không gian thể hiện ở trong từng mái nhà, trên nương rẫy, ở nhà Gươl (nơi sinh hoạt của cả cộng đồng). Thông thường đàn H’roa được sử dụng trong những giờ phút rảnh rỗi, vui chơi của hội làng, nam nữ tỏ tình, tự mình thổ lộ tình cảm riêng tư trong lòng, hoặc lời chúc mừng năm mới…

Điểm đặc biệt của đàn H’roa là vừa sử dụng sự tác động vào dây để tạo ra những âm thanh có cung bậc khác nhau lại vừa sử dụng hơi thổi từ miệng để chuyển tải cùng âm thanh cây đàn tạo nên sự hòa quyện tiếng nhạc cùng lời ca hòa quyện vào nhau mà ít có loại đàn nào có chức năng tương tự. Ngoài ra, sự độc đáo của cây đàn này là trong trường hợp người kéo, người “hát” phải có sự đồng nhất, đồng cảm nhận âm thanh với nhau trong từng cung bậc.

Già Cần cho hay, đây là cây đàn để tâm sự về tình yêu, nỗi nhớ mà trai làng thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình khi không thể ngỏ bằng lời nói được..., ngày xưa, thông qua cây đàn này, đa số trai, gái Cờ tu nên duyên chồng vợ. Lúc bấy giờ, trong quan hệ trai gái không được "cởi mở" và gần gũi như bây giờ.

Hồi trước, ngay giữa làng, lũ làng dựng lên một cái nhà chòi rất cao với bốn cây cột bằng kiền kiền lớn, gọi là nhà Moong, đến tối trai làng chưa vợ thường tập trung lên đây để ngủ. Trường hợp có hai người "để ý" nhau, họ hẹn hò và mang theo cây đàn H’roa và trèo lên chòi hoặc ra khe suối... để chơi đàn nhằm thổ lộ ”tâm tư tình cảm” của mình, tha hồ mà “hát không há miệng”.

Trẻ em Cơ Tu đang nghe già làng Nguyễn Văn Cần chơi đàn H’roa.

Trẻ em Cơ Tu đang nghe già làng Nguyễn Văn Cần chơi đàn H’roa.

Cái độc đáo thứ hai là đàn H’roa có thể chơi hai người, trai kéo đàn và luyến láy âm thanh, gái thì ngậm miếng vảy chút vào răng và hát, môi có thể mở để âm thanh từ miệng thoát ra, nhưng răng thì phải cắn chặt miếng vảy trút. Vì sợi chỉ ngắn nên khoảng cách giữa người nam và người nữ gần hơn, họ có cơ hội để thông cảm, quyến luyến. Hai tâm hồn hòa quyện vào nhau, lâng lâng, bồng bềnh trong lời ca tiếng nhạc. Tuy nhiên, trong quan hệ nam nữ, người Cơ Tu rất “trong sáng”, ít có trường hợp vượt qua cái “ngưỡng” cho phép ấy

Già làng Nguyễn Văn Cần cho hay, người biết chơi đàn H’roa hiện nay rất hiếm, lớp trẻ bây giờ không chịu học, đàn có nguy cơ thất truyền, người già chúng tôi biết chơi đàn lần lượt “ra đi”, hình ảnh sinh động đó đã mất dần trong sự lãng quên của người làng. Trai gái bây giờ đến với nhau, không thông qua cây đàn H’roa nữa, Trường Sơn đại ngàn rất cần âm thanh của loại đàn H’roa này hòa quyện trong không gian sinh tồn của nó, nhất là khi xuân đến Tết về.

Ngày nay, tuy tuổi cao sức yếu, thỉnh thoảng già Cần mang đàn H’roa tấu những bài tình ca một thời làm say đắm… lòng nhau. Trong những ngày xuân, khi rượu, thịt, bánh trà đầy bàn và đầy ắp tiếng cười, dân làng đi chúc nhau đầu năm mới, không quên hát lý và chơi đàn H’roa để buổi gặp gỡ đầu năm giữa khách và chủ có sự thân thiết, cởi mở, đoàn kết...

Tiên Sa

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/mua-xuan-len-hoa-phu-nghe-dan-hroa-c17a47355.html