'Mùa Xuân mới' đang đến trong quan hệ Nhật - Hàn

Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp hai nước xích lại gần nhau hơn, bước qua những rào cản của lịch sử để đưa quan hệ song phương tiến xa hơn, cùng nhau và cùng với Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự lễ duyệt binh danh dự ở Tokyo trước cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự lễ duyệt binh danh dự ở Tokyo trước cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn. (Nguồn: Reuters)

Hoa anh đào nở sớm hơn thường lệ

Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Tokyo ngày 16/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết quan hệ hai bên sẽ lật sang trang mới, gác lịch sử chung có nhiều mâu thuẫn sang một bên, đồng thời cho biết hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với những thách thức an ninh khu vực.

Phát biểu trên của hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã nêu bật việc hai đồng minh của Mỹ xích lại gần nhau như thế nào sau các vụ phóng tên lửa thường xuyên của Triều Tiên, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về vai trò mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Đây là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm – sự kiện được coi là “cột mốc” mới trong quan hệ song phương đầy căng thẳng.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida cho hay: “Tuần này, Tokyo đã thấy những cây hoa anh đào nở sớm hơn thường lệ một chút. Tôi rất vui khi có cơ hội này để bắt đầu một chương mới về tương lai hướng về phía trước của mối quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày này, khi chúng ta có thể cảm nhận được mùa Xuân đang đến”.

Về phần mình, Tổng thống Yoon cho biết: “Cuộc gặp với Thủ tướng Kishida có ý nghĩa đặc biệt là cho người dân hai nước chúng ta biết rằng quan hệ Hàn-Nhật, vốn đã trải qua thời kỳ khó khăn do nhiều vấn đề tồn đọng, đang ở một điểm khởi đầu mới”.

Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) đưa tin, ông Yoon hy vọng sẽ “tăng cường” hợp tác an ninh. Hai nhà lãnh đạo đang chuẩn bị xác nhận khởi động lại đối thoại an ninh song phương vốn đã bị đình chỉ từ năm 2018.

Mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hàn Quốc sẽ mang lại cho Nhật Bản một vị thế vững chắc hơn nhiều khi phải đối phó, giải quyết các mối đe dọa. Theo hãng tin Kyodo, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước sẽ nối lại các cuộc đàm phán.

Hai nước cũng nhất trí hủy bỏ tranh chấp thương mại kéo dài gần 4 năm về vật liệu công nghệ cao được sử dụng cho chip. Hai bên cho biết sẽ khởi động lại “ngoại giao con thoi” với các chuyến thăm thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo hai nước, đã bị tạm dừng trước đây.

Cùng tạo ra đột phá

Quan hệ giữa hai nước láng giềng này đã gặp nhiều trở ngại trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, lãnh đạo hai bên đang tìm cách gác lại quá khứ vì lợi ích an ninh của Đông Bắc Á.

Chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản lần này được coi là một bước đi dũng cảm. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Yoon đã coi việc hàn gắn mối quan hệ rạn nứt Nhật-Hàn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.

Với việc Triều Tiên được cho là "ngày càng trở nên nguy hiểm hơn", Seoul sẽ được hưởng lợi từ việc chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo và quân đội hai bên hợp tác với nhau. Hội nghị thượng đỉnh này mang đến cơ hội hàn gắn niềm tin vốn đã bị phá vỡ trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn phát triển mạnh mẽ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hai nước là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nhau vào năm 2021. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc đạt tổng cộng 52 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc đạt tổng cộng 30 tỷ USD.

Washington đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh trên, gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là "những đồng minh không thể thiếu".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Mối quan hệ được cải thiện giữa Seoul và Tokyo sẽ giúp chúng tôi nắm bắt các cơ hội ba bên để thúc đẩy các ưu tiên chung của khu vực và quốc tế, bao gồm tầm nhìn của chúng tôi về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon vì đã có bước tiến tích cực này".

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đây là “một chương mới mang tính đột phá về hợp tác và đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ”.

Ông nói thêm: “Khi được thực hiện đầy đủ, các bước đi của họ sẽ giúp chúng ta duy trì và thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Christopher Johnstone, cựu Giám đốc Đông Á, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho rằng có lý do để lạc quan bước đột phá này sẽ bền vững, do những lo ngại chung về Trung Quốc và Triều Tiên.

Ông Johnstone nhận định: “Cả Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, điều này làm tăng khả năng rằng tinh thần chung mới sẽ được củng cố thành nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương".

Tuy nhiên, nỗ lực thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao nước này cho biết họ phản đối nỗ lực của một số quốc gia nhằm lập ra "các nhóm đặc biệt".

(theo Reuters)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mua-xuan-moi-dang-den-trong-quan-he-nhat-han-220191.html