Mùa xuân người viêm mũi dị ứng cần lưu ý những điều sau
Mùa xuân là mùa có nhiều phấn hoa phát tán trong không khí do vậy mọi người dễ mắc các bệnh dị ứng trong đó có viêm mũi dị ứng.
Đây là bệnh lý thường gặp, chẩn đoán không khó khăn nhưng muốn trị dứt điểm phải tìm ra chất gây dị ứng, nên việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và chống bội nhiễm để tránh gây viêm xoang.
1. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng có thể khác nhau phụ thuộc vào sự xuất hiện triệu chứng theo mùa, quanh năm hoặc từng đợt.
+ Viêm mũi dị ứng theo mùa:
Nguyên nhân thường gặp là mùa phấn hoa và bụi nấm mốc ngoài trời.
+ Viêm mũi dị ứng quanh năm:
Tác nhân gây viêm mũi dị ứng quanh năm thường là bụi trong nhà. Trong những vùng thời tiết ấm áp, rất nhiều bụi hoa cỏ phát triển và phát tán quanh năm.
+ Do bụi nhà :
Là những loại mạt - mò, chúng sống trong nhà, đặc biệt là trên da người và vật cưng nuôi trong nhà, sau đó chúng vung vãi đi khắp nơi. Bụi mạt – mò có thể tìm thấy ở đồ dùng chăn, gối, nệm, thảm trải...nơi mà nhiệt độ ấm, độ ẩm cao, ngược lại ở nơi nhiệt độ khô hanh rất khó kiếm thấy chúng.
+ Do thú cưng:
Thú cưng nuôi trong nhà thường gây viêm mũi dị ứng quanh năm, thường nhất là chó, mèo; ngoài ra còn do lông thú vật, chim và các con vật cưng khác. Ngoài ra, gián và các loại gặm nhấm ở trong nhà cũng gây viêm mũi dị ứng quanh năm.
+ Viêm mũi dị ứng không thường xuyên:
Xảy ra từng đợt khi có tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng ví dụ như bụi nhà, bụi môi trường, nấm mốc, phấn hoa… gây triệu chứng dị ứng từng đợt. Thức ăn cũng gây viêm mũi dị ứng, tùy theo từng người, triệu chứng dị ứng ở mũi thường kèm với triệu chứng ở da, đường ruột – dạ dày, ở phổi.
+ Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp:
Nguyên nhân do tiếp xúc với tác nhân dị ứng tại nơi làm việc, tùy theo tính chất đặc thù của nghề nghiệp, có thể gây viêm mũi dị ứng từng đợt, theo mùa hoặc quanh năm.
2. Triệu chứng và biến chứng của viêm mũi dị ứng
Khi bị viêm mũi dị ứng có những triệu chứng như: hắt hơi, chảy nước mũi (trong, loãng), nghẹt mũi, nhức đầu, ngứa họng và ho... đây là những triệu chứng thường thì người bệnh lầm rằng mình bị cảm. Viêm mũi dị ứng thường kèm với những tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như là suyễn. Viêm mũi dị ứng cũng gây ảnh hưởng học hành khó tiếp thu, rối loạn giấc ngủ và uể oải. Những biến chứng bao gồm: viêm tai giữa, viêm mũi-xoang cấp và viêm mũi-xoang mạn.
3. Những lưu ý cho người bệnh viêm mũi dị ứng
Khi bị viêm mũi dị ứng người bệnh cần chú ý tự chăm sóc cho bản thân mình. Cụ thể cần kiểm soát yếu tố môi trường, tránh tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng bao gồm:
- Hạn chế tránh tiếp xúc phấn hoa và nấm mốc ngoài trời
Mùa xuân là mùa của phấn hoa nên người bệnh viêm mũi dị ứng cần chú ý tránh tiếp xúc với môi trường vào những mùa phấn hoa phát tán, ví dụ phấn hoa của cây cối hiện diện vào mùa xuân, hoa cỏ có ở cuối mùa xuân và suốt mùa hè…
Tuy nhiên, như chúng ta thường thấy phấn hoa có chiều hướng xuất hiện cao vào thời tiết khô, nắng ấm, có gió,.. vì vậy, nên tránh tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian này. Khi ra ngoài cần đóng kín cửa xe, đóng kín cửa sổ, cửa ra vào nhà hoặc tắm sạch bụi phấn trên tóc, trên da sau khi ra ngoài trời.
- Làm sạch nơi ở, phòng ngủ đề phòng dị ứng bụi nhà
Với người viêm mũi dị ứng thì dị nguyên do bụi mạt - mò trong nhà ở trên đồ dùng phòng ngủ (chăn, mền, gối … ) thảm sàn nhà, đồ trang trí nội thất …dễ khiến người bệnh bằng dị ứng. Vì vậy, cần tránh bằng cách dùng máy hút bụi, tẩy thảm nhà bằng hóa chất, nếu được chăn, mền, gối … giặt mỗi 2 tuần trong nước nóng để diệt tất cả mạt - mò trên bề mặt. Thường mạt – mò bụi nhà chỉ phát triển ở độ ẩm > 50% do đó dùng máy điều hòa làm khô môi trường cũng rất hữu ích.
Riêng đối với nấm mốc trong nhà cũng tránh bằng cách hạn chế độ ẩm trong nhà quá cao, không để đồ chứa nước trong nhà để hạn chế sự phát triển của bào tử và nấm mốc.
Với thú cưng cũng tương tự, dị ứng lông thú, vật cưng nuôi trong nhà tốt nhất là tránh hoàn toàn không tiếp xúc, hoặc ít nhất cũng nên tránh xa, không cho vật nuôi lên giường hay sống chung trong phòng. Đối với gián nên có kế hoạch diệt thường xuyên.
- Với người làm việc có yếu tố gây dị ứng
Việc tuân thủ khẩu trang, bảo hộ lao động là cần thiết. Nên tránh là biện pháp tốt nhất, nếu không thì nên dùng khẩu trang, mặt nạ tránh hít phải bụi nghề nghiệp.
Ngoài ra, những chất kích thích gây dị ứng không đặc hiệu như: Khói thuốc, chất nặng mùi, hương liệu, nước hoa, môi trường ô nhiễm… nên tránh, vì những chất trên là yếu tố kích thích gây dị ứng và làm triệu chứng dị ứng trầm trọng thêm.
- Lưu ý dùng thuốc trong điều trị viêm mũi dị ứng
Do viêm mũi dị ứng rất hay tái phát vì vậy, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng lại thuốc đơn cũ, không tự ý mua thuốc để điều trị. Người bệnh phải chú ý những loại thuốc xịt mũi, bởi có loại thuốc xịt có thể dùng lâu dài, nhưng có loại chỉ được dùng từ 3 - 7 ngày.
Các loại thuốc xịt mũi có tác dụng làm co mạch tại chỗ, nên rất hiệu nghiệm đối với những trường hợp bị nghẹt mũi do viêm. Tuy nhiên, nếu tự ý dùng lâu dài những loại thuốc này sẽ dẫn đến suy yếu niêm mạc mũi làm bệnh có thể nặng thêm.
4. Mùa xuân cần đề phòng viêm mũi dị ứng
Do mùa xuân tình trạng thời tiết mưa phùn, ẩm thấp, phấn hoa nhiều nên người bệnh viêm mũi dị ứng cần tránh tiếp xúc với những chất kích thích gây triệu chứng viêm mũi dị ứng tăng kịch phát.
- Cần cải tạo kiểm soát môi trường, tránh những nguyên nhân đặc biệt gây viêm mũi dị ứng đã phát hiện và cả những chất không đặc hiệu có thể gây kích thích khởi phát dị ứng…
- Cần thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi thể thao nhằm tạo sức đề kháng cho cơ thể. Khi đi ngoài trời nắng, bụi và gió thì phải mang khẩu trang.
Trên thực tế, viêm mũi dị ứng cũng có thể tự khỏi trong vòng vài ngày (nếu cơ thể có sức khỏe tốt). Nếu quá 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, thì cần đến chuyên khoa để chữa trị, nhằm tránh việc những biến chứng trầm trọng hơn.
Người bệnh cần theo dõi các biến chứng có thể xảy ra những biến chứng như viêm tai giữa, rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm mũi-xoang cấp, viêm mũi-xoang mạn.