Mùa Xuân trên biển trời Đông Bắc Tổ quốc

Bài 3: Lên núi để giữ biển, xuống biển để giữ nhà

Tàu chuẩn bị cập bến lên đảo Cát Bà lúc 8h30 phút sáng ngày 12 tháng 1, một nhà báo có tuổi nói một câu đầy ẩn ý: Về Cát Bà để thấy người ta lên núi để giữ biển, xuống biển để giữ nhà... Nhìn những ngư dân vừa từ biển về ban sớm đang neo tàu, tôi hiểu vế sau của câu nói. Chỉ đến khi nghe Chuẩn Đô đốc Trần Xuân Văn, Chính ủy Vùng I Hải quân chia sẻ trước khi về Trạm 495, Trung đoàn 151: “Giờ hãy cùng chúng tôi đến một điểm trạm nhỏ của trạm Hải quân tiền tiêu, đứng vị trí cao nhất trên đảo Cát Bà - Trạm radar 495. Từ điểm cao này, những “con mắt thần” radar luôn dõi theo, quan sát toàn bộ khu vực biển được phân công cũng như không phận thấp của đảo Cát Bà. Thời điểm này gần Tết, trên đó cũng đã có không khí rồi, cứ lên rồi sẽ thấy!”, tôi mới hiểu lên núi để giữ biển là thế nào...Trạm tiền tiêu 495...

Vừa xuống xe, tất cả chúng tôi bị cuốn hút bởi vườn rau chuyên canh tập trung của cán bộ, chiến sỹ Trạm 495, Trung đoàn 151, Vùng I Hải quân. Một vài chiến sỹ trẻ đang chăm bón và cắt rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Họ nói, trưa nay “nhà có khách”, khoảng hơn chục mâm, vui như Tết! Mải trò chuyện với các chiến sỹ, thời gian trôi đi khoảng 30 phút. Đoàn vào việc chính, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ của trạm.

Anh Văn đứng lên phát biểu: “Thưa các anh các chị, thưa các đồng chí! Hai ngày qua, chúng ta đã được chứng kiến giông tố của biển đảo, nhất là đêm hôm kia và ngày hôm qua biển đã giận dỗi thế nào! Thế nhưng, chúng ta lại có được kỷ niệm đáng nhớ của chuyến công tác này... Chuyến này không phải là chuyến hành trình cuối cùng. Chúng ta còn đan xen tay nhau, nối những cánh tay dài trong cuộc đời của chúng ta và biển đảo. Chúng tôi chọn ngành nghề như các đồng chí chọn ngành nghề, nhưng chúng tôi đã chọn sông biển là chiến trường, tàu thuyền là vũ khí... Giờ hãy cùng chúng tôi đến một điểm trạm nhỏ của trạm Hải quân tiền tiêu đứng vị trí cao nhất trên đảo Cát Bà - Trạm radar 495. Từ điểm cao này, những “con mắt thần” radar luôn dõi theo, quan sát toàn bộ khu vực biển được phân công cũng như không phận thấp của đảo Cát Bà. Thời điểm này gần Tết, ở trên đó cũng đã có không khí rồi, cứ lên rồi sẽ thấy!”. Thay mặt lãnh đạo Tư lệnh Vùng I Hải quân, anh trao quà Tết cho cán bộ, chiến sỹ của trạm. Thiếu tá Nguyễn Văn Thủ, Trạm trưởng Trạm 495 xúc động nhận quà và chụp ảnh lưu niệm với từng đoàn. Nghi thức này diễn ra nhanh gọn, chúng tôi ra ngoài để chuẩn bị hành trình lên điểm trực trạm radar trên đỉnh núi cao hơn 200m, đi bộ đường vòng quanh núi với hơn 700 bậc đá, tính ra khoảng hơn 400m.

Lãnh đạo và cán bộ vùng I Hải quân cùng với cán bộ, chiến sỹ Trạm 195 gói bánh chưng đón Tết.

Lãnh đạo và cán bộ vùng I Hải quân cùng với cán bộ, chiến sỹ Trạm 195 gói bánh chưng đón Tết.

Tôi tranh thủ gặp Thiếu tá Thủ để hỏi vài thông tin, thật bất ngờ anh chính là đồng hương của chúng tôi! Anh sinh năm 1990, quê ở thôn An Bài 1, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Vì là lính đảo, anh rắn rỏi, chững chạc hơn những người cùng lứa tuổi. Biết chúng tôi là đồng hương, anh vui lắm. Anh kể rằng, anh học xong THPT, thi thẳng vào Học viện Hải quân. Tháng 8/2013, anh tốt nghiệp ra trường, về nhận công tác tại Trạm 540, Trung đoàn 351, Bộ Tư lệnh Vùng III Hải quân (Cồn Cỏ - Quảng Trị). Đến tháng 5 năm 2017, anh được điều động vào Trạm 555, Trung đoàn 351, Bộ Tư lệnh Vùng III Hải quân (Phù Cát - Bình Định). Cuối tháng 7/2018, được chuyển công tác ra Trạm 495 và ở đây cho đến nay. Bố mẹ anh là nông dân Bình Lục, năm nay ngót 60 tuổi, ở quê cùng với em trai. Năm 2020, anh cưới vợ là một cô giáo ở Cát Bà, đến giờ họ đã có hai con. Anh hẹn tôi xong việc sẽ hàn huyên thêm... Cuộc gặp gỡ ngoài dự kiến nhưng đầy thú vị đã khiến tôi như có thêm năng lượng để bắt đầu cuộc hành quân lên điểm trực trạm cao nhất. Sau hơn 24 giờ say sóng trên biển, sức lực của chúng tôi bị giảm sút rất nhiều. Thế nhưng, tinh thần của nhóm phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nam thực sự hào hứng. Phải mất gần 30 phút, chúng tôi mới lên được đến điểm trực trạm. Chọn một vị trí đẹp nhất, tôi phóng mắt nhìn về phía biển. Biển Đông Bắc đẹp như một bức tranh.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thủ cho biết: Chúng tôi xác định phải tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm “con mắt thần của biển”, kịp thời quan sát các mục tiêu trên biển từ sớm, từ xa, tập trung quan sát trên hướng biển và trên không tầm thấp, quyết tâm không để Tổ quốc bị bất ngờ từ hướng biển... Chuẩn Đô đốc Trần Xuân Văn cười vui vẻ, vỗ vai các chiến sỹ trẻ đang làm nhiệm vụ trực trạm: “Chúng ta lên núi để giữ biển mà!”.

Khi mùa xuân đến sớm

Từ trên điểm trực xuống trạm gác dưới chân núi, không khí mùa Xuân đã rộn ràng với người lính đảo. Lần đầu tiên, chúng tôi được hòa mình vào không khí gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Cát Bà. Cô giáo trẻ Nguyễn Hải Hà, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Cát Bà cùng một số học sinh có mặt ở Trạm 495 tham gia gói bánh. Cô giáo Hà chia sẻ: “Đây là lần đầu em đến gói bánh Tết cùng các anh lính Trạm 495. Thực sự thấy các anh giỏi quá, việc gì cũng làm thành thạo”.

Chiến sỹ Đỗ Văn Dương, Trạm radar 495 lần đầu tiên ăn Tết với đồng đội trên điểm trực trạm. Dương chia sẻ: Là lính trẻ, chuyện ăn Tết xa nhà không có gì phải lo nghĩ. Ở đây, chúng tôi có thể thiếu tình cảm của gia đình nhưng lại đầy ắp tình đồng đội. Tết ở đây đến sớm lắm, ngay từ ngày mồng 10 tháng 1, khi các đoàn mang quà Tết từ đất liền ra đảo, tặng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thì chúng tôi đã có cảm nhận Tết đã về, mùa Xuân đã về!... Được biết, công việc của Đỗ Văn Dương ở Trạm mỗi ngày làm hai phiên, quan sát mục tiêu vùng trời, vùng biển. Mỗi phiên kéo dài hai giờ đồng hồ. Ngoài công việc được phân công, Dương tham gia làm các công việc hậu cần khác cùng anh em đồng đội. Hôm nay, điểm trực trạm được tặng rất nhiều hoa, cả đào và quất. Mấy anh em tranh thủ cắt tỉa, trang trí, tạo không khí Tết ngay chính điểm trực này.

Đúng là ở đây mùa Xuân đến sớm hơn mọi nơi! Bởi đó là nơi mà quân và dân khắp cả nước luôn hướng lòng thương nhớ, mong muốn gửi gắm tình yêu và những lời hứa hẹn. Đi qua cơn bão số 3 kinh hoàng, ngư dân Trương Văn Thanh, sinh năm 1952, làm nghề đánh cá trên vùng biển Cát Bà nhiều năm, không khỏi xúc động khi nhận được những món quà Tết từ đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân, trong đó có những lá cờ Tổ quốc. Ông bảo, biển cả không chỉ rộng lớn, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với ngư dân. Mỗi khi sóng to, gió lớn, biển động thét gào, ngư dân hay lính biển chỉ còn biết nhìn về đất liền để mà nỗ lực... Còn anh Hoàng Ngọc Nghị, 53 tuổi, quê ở Hải Dương trân trọng nâng lá cờ Tổ quốc trên tay vui sướng nói: “Chúng tôi nhìn thấy cờ là nhìn thấy Tổ quốc. Mỗi tháng đi biển, gió lớn, phải thay vài lần cờ. Trong những phần quà Tết mà đất liền gửi cho ngư dân chúng tôi có những lá cờ Tổ quốc thì càng trở nên ý nghĩa. Chúng tôi hy vọng một năm thuận buồm xuôi gió, cuộc sống phơi phới như màu cờ”.

Đảo Cát Bà là một ngư trường rộng lớn trên 450 hải lý vuông, là nơi có thế mạnh trong đánh bắt hải sản. Cả đảo hiện có gần 1.000 tàu đánh cá, chủ yếu có công suất từ 90 đến 350CV với hơn 1.200 ngư dân hoạt động. Đại tá Trần Quốc Huy, Chính ủy Lữ đoàn 169 cho biết: Ngư trường Cát Bà không chỉ là môi trường khai thác, sản xuất của ngư dân địa phương, mà còn thu hút nhiều tàu đánh cá từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi... đến hoạt động nên nơi đây đã trở thành một ngư trường nhộn nhịp. Họ cùng với hải quân bám biển, bám đảo để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình với Tổ quốc.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/bien-va-hai-dao-viet-nam/mua-xuan-tren-bien-troi-dong-bac-to-quoc-144395.html